|
Khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký hợp đồng với huấn luyện viên Park Hang-seo, một số nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại vì câu lạc bộ Chanwon City mà ông đang dẫn dắt sở hữu chuỗi trận kỷ lục buồn:
15 trận toàn hòa và thua tại giải hạng ba Hàn Quốc. Phải đến trận cuối chia tay, ông mới có chiến thắng danh dự.
Con số 15 cũng là chuỗi thành tích bất bại ấn tượng của tuyển Pháp, khi đoạt chức vô địch World Cup 2018. Không ai ngờ tới, sau 1 năm, những chi tiết rời rạc chẳng liên quan gì tới nhau đó lại gắn kết với nhau bằng sợi dây chiến thắng.
Đánh bại Malaysia 1-0 ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã phá vỡ kỷ lục của tuyển Pháp để thiết lập cột mốc mới 16 trận bất bại. Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Duy Mạnh, Tiến Dũng... đã kẹt trong nỗi thất vọng và mất phương hướng sau thất bại ngay từ vòng loại tại SEA Games 2017. Nhưng khi vào tay ông Park, họ lập tức hồi sinh, vụt lớn chỉ sau 1 năm.
Có lẽ, ít ai nhớ đến chuỗi bất bại của Park Hang-seo khởi đầu bằng trận hòa 0-0 với Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019. Xù xì, thực dụng tối đa nhưng rất hợp lý để chỉ sau vài ngày cầm quân, ông Park giúp Việt Nam lần đầu tiên đoạt vé dự vòng chung kết Asian Cup 2019 bằng “cửa chính”. Khi đó, giữa các tranh cãi, bình luận viên Vũ Quang Huy từng nhận định: “Điều cần nhất mà ông Park phải làm là tạo cảm hứng cho cầu thủ, trước khi dạy cho họ về tư duy chiến thuật”.
Câu trả lời có ngay lập tức. Ngay giải lớn chính thức đầu tiên vào tháng 1.2018, huấn luyện viên Park Hang-seo đã giúp U.23 Việt Nam làm nên cơn địa chấn: Á quân vòng chung kết U.23 châu Á. Nhưng để có được thành quả ấy chúng ta cần lùi lại một chút. Trong một giải giao hữu tại Thái Lan, các cầu thủ U.23 Việt Nam đánh bại đội chủ nhà với tỷ số 2-1. Chính việc đánh bại người Thái ở giải đấu này đã giúp những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng... rũ bỏ bóng ma thất bại sau cú sốc SEA Games 2017.
Phép màu của huấn luyện viên Park Hang-seo
Tháng 1.2018, tại Thường Châu (Trung Quốc) U.23 Việt Nam đã vượt qua một loạt ông lớn Úc, Syria, Iraq, Qatar để đi một mạch đến chung kết trong sự ngỡ ngàng của cả châu Á. Tháng 8.2018, tuyển Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết ASIAD 18 một cách hiên ngang. Tháng 12.2018, đội tuyển quốc gia Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup. Vậy bí mật đằng sau phép màu của huấn luyện viên Park Hang-seo là gì?
Ông Jaemin Hong, cựu Tổng biên tập tạp chí FourFourTwo phiên bản Hàn Quốc, rất hiểu về ông Park Hang-seo từ hàng chục năm qua, đã bám trụ bám trụ tại Hà Nội trong mọi trận đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018. Ông đánh giá: “Tôi tin huấn luyện viên Park Hang-seo có một vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là chuyên gia kích thích giúp các đội bóng nhỏ gặt hái những thành công lớn. Phương thức làm việc của ông ấy có thể không tân tiến nhất, nhưng lại đem đến động lực tuyệt vời. Điều đó đang hiệu quả một cách hoàn hảo tại Việt Nam”.
tin liên quan
FIFA ca ngợi tuyển Việt Nam nổi bật nhất tại Asian Cup 2019Ngày đầu Năm mới Kỷ Hợi 2019, LĐBĐ thế giới (FIFA) trong bài viết nói về giải Asian Cup 2019, đã đánh giá tuyển Qatar và tuyển Việt Nam (VN) là 2 đội bóng đã thi đấu nổi bật và gây nhiều cảm xúc.
Để tìm thấy điểm mạnh của đội bóng trẻ nhất trong số 4 đội vào bán kết AFF Cup 2018, hãy nhìn vào văn hóa đội tuyển được huấn luyện viên
Park Hang-seo gầy dựng. Đó là nguồn cảm hứng nâng tầm niềm tin, tư duy và ý thức chơi bóng của “thế hệ vàng 2018”. Nguyên tắc 1: Không có đặc cách. Nguyên tắc 2: Nghiêm khắc và độ lượng. Nguyên tắc 3: Tập trung và tin tưởng nhau tối đa. Công Phượng, Anh Đức, Xuân Trường trận này tỏa sáng nhưng trận kế sẵn lòng ngồi dự bị tùy theo đặc tính từng đối thủ... Đức Chinh sau những cơ hội bị bỏ lỡ ở chung kết lượt đi đá chính vẫn được tung vào sân ở lượt về. Ông Park tạo ra cơ hội công bằng nhất cho tất cả, nghiêm khắc nhưng độ lượng với những ai luôn cố gắng. Tất cả rất rõ ràng. Không gì là không thể với Park Hang-seo. Không ai là ngôi sao với Park Hang-seo.
|
Để biến giấc mơ World Cup thành sự thật
|
Vậy liệu mục tiêu sẽ là World Cup?
Ông Jaemin Hong khẳng định là “có” nếu nhìn vào World Cup 2026 tổ chức tại Mỹ, Mexico và Canada với 48 đội bóng tham dự. “Bóng đá Việt Nam nếu muốn mơ về World Cup thì điều đầu tiên các cầu thủ phải được xuất ngoại, tích lũy kinh nghiệm chơi bóng ở những giải lớn hơn.
Đơn cử những giải tầm trung và nhỏ ở các nước châu Âu. VFF và Chính phủ Việt Nam nên tăng cường hỗ trợ và các cầu thủ cũng phải “liều lĩnh” hơn. Thành công hiện tại đang đem lại cú hích rất lớn. Bóng đá Việt Nam đang sở hữu lớp cầu thủ rất giàu tiềm năng, trong độ tuổi tuyệt vời. Điều họ cần thêm nữa đó là thật sự ham muốn những thành công lớn hơn. Đây là điều không hề dễ dàng, nhưng nếu muốn gặt hái thành công để trở thành một phần của World Cup, các bạn phải thật khát khao”, ông Jaemin Hong nói.
Bóng đá Việt Nam đã từng dự World Cup lứa tuổi U.19 năm 2016 với thế hệ Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Chinh... Vậy tại sao chúng ta không thể biến giấc mơ dự World Cup ở cấp độ đội tuyển quốc gia thành hiện thực?
Bình luận (0)