Ngày 22.4, T.Ư Đoàn đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông". Tham dự chương trình có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN.
Từ chuyện Điện Biên Phủ mở ra khát vọng của người trẻ
Tại buổi gặp, anh Nguyễn Thái An, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, cho biết từ ngày 24 - 27.4, T.Ư Đoàn tổ chức Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về mục đích, ý nghĩa, giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Chương trình với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, mẹ VN anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Chương trình sẽ tổ chức 3 hành trình, xuất quân tại Di tích lịch sử Cột cờ Hà Nội và hội quân tại Điện Biên. Trong đó, Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" có 44 đại biểu tham gia, đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Hội Liên hiệp thanh niên VN triển khai, có 120 đại biểu là các cán bộ hội, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực và chia làm hai tuyến: tuyến 1 đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La; tuyến 2 đi qua các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu.
Bên cạnh đó là Hành trình "Sinh viên với khát vọng non sông" do T.Ư Hội Sinh viên VN triển khai với 70 sinh viên, cán bộ hội tiêu biểu trong cả nước. Tại các tỉnh đoàn đi qua, đại biểu sẽ thăm, dâng hương ở di tích lịch sử; thăm, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; khánh thành, trao tặng công trình thanh niên cho các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo ban tổ chức, hành trình các đại biểu đi qua đều gắn với cột mốc lịch sử đất nước như bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô (Yên Bái), ngã ba Cò Nòi (Sơn La)…
Theo anh An, thông điệp của chương trình được thể hiện ở tên gọi "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông", với ý nghĩa là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong quá khứ, khát vọng của cả dân tộc là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, khát vọng của non sông đất nước như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. "Đoàn viên, thanh thiếu niên và nhi đồng trong giai đoạn hiện nay cũng có khát vọng của mình, hòa chung khát vọng của cả non sông, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Từ câu chuyện của Điện Biên Phủ sẽ mở ra khát vọng của người trẻ, thôi thúc đoàn viên, thanh niên thực hiện khát vọng của non sông", anh An chia sẻ.
Cơ hội gặp mặt nhân chứng lịch sử
Trong dịp này, tại tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra hai hoạt động lớn: chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông"; Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên với sự tham gia của 200 đại biểu thiếu nhi và 64 đại biểu phụ trách tiêu biểu.
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang (trái) và Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN Nguyễn Minh Triết phát biểu tại họp báo
BẢO ANH
Trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên được tổ chức trong 3 ngày với 3 chủ đề khác nhau nhằm giúp các em thiếu nhi được giáo dục, trải nghiệm vun đắp thêm niềm tự hào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", cũng như thêm yêu quê hương, đất nước. Qua liên hoan và những hoạt động tại Điện Biên Phủ giúp các em thể hiện lòng biết ơn, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Từ đó, có thêm động lực tiếp nối truyền thống, ra sức thi đua học tập, rèn luyện theo "5 điều Bác Hồ dạy", trở thành công dân có ích, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, anh Nguyễn Minh Triết cho biết trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, T.Ư Đoàn tổ chức nhiều hoạt động với rất nhiều nội dung. "Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đã được T.Ư Đoàn triển khai với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Dịp này, các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt đều tổ chức hành trình đến Điện Biên. Chúng tôi mong muốn sự kiện là cơ hội để giáo dục cho thanh thiếu nhi về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi điểm đến của hành trình đều có điểm nhấn, mang ý nghĩa lịch sử trong đó", anh Triết nói.
Đặc biệt, anh Triết cho biết hành trình sẽ là cơ hội để thanh thiếu nhi được gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, hiện còn 134 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở tuổi ngoài 80. "Chúng tôi mong rằng những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử sẽ là những bài học sinh động, để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên trên cả nước", anh Triết chia sẻ.
Dịp này, các đoàn hành trình trao tặng nhiều công trình ý nghĩa cho tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi cụm Tây Bắc bộ. Tổng nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong khuôn khổ hành trình là hơn 7,6 tỉ đồng; trong đó, nguồn lực hỗ trợ Điện Biên là gần 6,4 tỉ đồng; nguồn lực hỗ trợ các tỉnh cụm Tây Bắc bộ trên tuyến hành trình đi qua là hơn 1,2 tỉ đồng.
Bình luận (0)