TNO

Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar

18/08/2015 13:53 GMT+7

( iHay ) Người ta thường nói đến Myanmar nên đi theo một vòng Yangon - Bagan - Inle - Mandalay, thì tôi mới được hai cái đầu tiên.

(iHay) Cho phép tôi được tự đề cao chuyến đi của mình như vậy. Bởi theo cái cách người ta thường nói, đến Myanmar nên đi theo một vòng trọn vẹn Yangon - Bagan - Inle - Mandalay, thì tôi mới được tới hai địa điểm đầu tiên.

Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar  - ảnh 1
Kỳ 1: Giấc mơ Bagan  
Myanmar, hay chính xác hơn là giấc mơ Bagan trong tôi, đã phải trải qua vài năm lỡ hẹn, đủ để lên tinh thần cho mọi vấn đề phát sinh. Vậy là lần này tôi đi, hơn 30 tuổi rồi mới coi như được ra nước ngoài lần đầu tiên...
Máy bay khởi hành từ Sài Gòn lúc 9 giờ 45, đến sân bay Don Muang sau khoảng hơn một giờ. Don Muang lạ lẫm, nhưng các cô gái như chúng tôi rất dễ vui vẻ với các cửa hàng miễn thuế. Chúng tôi lang thang săm soi đồ đạc, và thưởng thức buổi trưa với món Thái, quên cả thời gian, quên cả lời anh bạn cảnh báo rằng Don Muang rất chán.
Chặng nối chuyến khởi hành hơi muộn, chúng tôi đến Yangon lúc đã 17 giờ 20, không giấu được niềm vui khi bên ngoài trời quang mây, những tia nắng chiều vàng như rót mật qua từng ô kính, làm ấm áp nền thảm xanh rì. Có điều gì lạ, mới chào làm quen mà như thân.
Tại quầy làm thủ tục nhập cảnh, chú cán bộ hải quan trông nét mặt rất hiền, làm thủ tục không soi liếc nửa mắt. Chúng tôi thấy rằng mình được chào đón. Cô em nhỏ của tôi xếp hàng sau, còn được chào bằng hai chữ "xin chào" bằng tiếng Việt.
Khi đã bước vào phía trong lấy hành lý, một chú cán bộ khác thu lại các tờ khai hải quan, cũng là rất hiền lành vui vẻ. Tôi bắt đầu thấy xứ này dễ thương, dù sân bay không mới, và cũng be bé thôi.
Chúng tôi đến quầy đổi ngoại tệ để lấy chút tiền Kyat, mỗi passport được đổi tối đa 200USD. Trong khi "phòng kế toán" làm nhiệm vụ, tôi cũng bắt đầu việc của tôi, tháo lắp cái sim Myanmar mà anh bạn tôi đưa từ trước để liên lạc. Thiệt không may là đã quá thời gian active rồi, wifi khu vực trong này lại chập chờn.
Ba cô gái còn đang dáo dác thì các bác tài taxi chào hỏi thăm, rất nhiệt tình vui vẻ. Chúng tôi từ chối và bảo đã có xe nhà tới đón nhưng họ vẫn hết sức nhiệt tình, hỏi thăm từ đâu đến, muốn đi đâu chơi, ở lại bao ngày,... và đặc biệt là còn tận tình chỉ chúng tôi cách kết nối điện thoại vào mạng wifi.
Anh bạn tôi bảo thôi tụi em cứ đi taxi vì anh lái xe ra lâu hơn, trả giá 3000Kyat, yêu cầu chở về T.C... Tôi làm đúng như vậy, dù người lái taxi ban đầu ra giá 4000Kyat, nhưng sau vẫn đồng ý.
3000Kyat, tương đương 60.000 đồng Việt Nam, vậy mà đang còn háo hức quá hay sao, chúng tôi tính nhầm thành 600.000 đồng. Rồi thấy đoạn đường ngắn mà thầm than trời, sao vật giá ở Yangon mắc quá! Trong khi, đáng lẽ phải tội nghiệp cho người lái taxi, vì xếp hàng mãi mới được khách, mà chở nhiệt tình, vòng vèo vào tận cổng chung cư, lại còn đóng các loại phí thuế vào sân bay, không tip thêm thì chớ...
Nhà anh bạn tôi thiệt rộng, 3 chị em chui hết vào một trong 3 phòng ngủ, 2 cái nệm, 2 cái ga mới, 3 cái gối ôm, 2 cái gối nằm mở sẵn, 1 cái còn trong túi hơi, 1 cái tủ vải trống, 2 phòng tắm 2 bên. Vậy là quá đầy đủ rồi.
Buổi đêm đầu tiên ở Yangon, sau khi tắm mát bụi đường, anh tôi dẫn 3 chị em đi xuống siêu thị nhỏ bên dưới chung cư, mua sắm đồ cá nhân còn thiếu và mấy cái sim điện thoại mới để dùng trong những ngày Myanmar. Chỉ một năm trước thôi mua sim mới, nạp thẻ top up mất 50USD, nay chỉ còn 4.500Kyat, và vẫn chưa phải đăng ký thông tin gì.
Chúng tôi ra ngoài đón thêm em gái người Miến, có tên dễ thương là Mya. Cả nhóm định bụng đi ăn tối đâu đó gần chùa vàng Shwedagon, để ngắm tòa kiến trúc rừng rực về đêm. Nhưng, sự gì cũng tùy duyên.
Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar  - ảnh 2
Đang thẳng đường thì anh tôi nhìn đồng hồ thấy tầm 20 giờ kém, liền hướng tay lái về phía khác bảo bọn em có thích món ăn Hàn không, hôm nay thử món Bắc Hàn nhé!
Nhà hàng mở bán từ chiều tối, nhưng đông và có phục vụ văn nghệ truyền thống thì từ 20 - 21 giờ các ngày. Có bao nhiêu nhà hàng Bắc Triều Tiên trên thế giới nhỉ, nằm ngoài lãnh thổ của quốc gia này?
Câu trả lời là ở mỗi quốc gia đặt quan hệ ngoại giao, nhà nước Triều Tiên mở một vài nhà hàng như thế. Các cô gái nơi đây làm việc không lương, kiểu kiểu như thực hiện nghĩa vụ với đất nước vậy. Việt Nam có 2 cái ở Hà Nội và Sài Gòn, tôi nghĩ là các bạn có thể tự ước lượng được rồi.
Đêm đầu tiên ở Yangon lại tiện đường ăn tối tại nhà hàng Bắc Triều Tiên, xem các cô nhân viên - nghệ sĩ thoăn thoắt phục vụ và biểu diễn đủ loại hình nghệ thuật ca vũ đàn trống. Người Yangon ít đến đây, vì có phần đắt đỏ, tôi cũng thấy vậy, vì ở đây gọi thức ăn ngon không muốn ăn, mà mãi lo xem hát xướng, tưởng đâu lạc đến một thế giới Tây lương nữ quốc nào.
Một bữa tiệc âm nhạc truyền thống thịnh soạn, còn đang làm ngẩn ngơ lòng tôi thì chúng tôi phải chuẩn bị rời đi, để cho còn vừa kịp một vị trí trên bar đêm ngắm chùa vàng.
Ngồi bên trong với rầm rập nhạc dance, đối diện là cụm chùa Shwedagon, dân nhậu nói, chỗ này ngắm chùa vàng đẹp nhất thành phố.
Tôi thì không cần biết đẹp nhất hay không, chỉ cần đẹp là được. Và đẹp thật. Cả cụm tháp vàng sáng rực một góc thành phố đêm. Có gì đó ngược ngược, trong một "hoàn cảnh đặc sắc" như vậy, giữa những ly cocktail, và một miền văn hóa lặng lẽ...
Dân Miến Điện có bao giờ thấy họ nghèo không nhỉ, khi đêm đêm ngước mắt nhìn công trình lộng lẫy như vậy?

(còn tiếp)

Na Loan

>> Myanmar du ký - Kỳ 3: Chuyến đi trở về tuổi thơ
>> Myanmar du ký - Kỳ 2: Chuyện xe giường nằm và bàn chải đánh răng
>> Myanmar du ký - Kỳ 1: Ở Yangon, đi taxi trả giá thoải mái

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.