(iHay) Từ lúc đến đây, chúng tôi hầu như được dịp nhìn ngắm những mặt đẹp nhất của thành phố Yangon, còn chuyến tàu hôm nay đang vòng về sau lưng những mặt ấy. Họ còn nghèo thật...
|
Khoảng 7 giờ sáng, tắm giặt thay đồ mới xong, anh tôi dẫn cả bọn ra khỏi nhà. Chúng tôi thì cứ nghĩ theo lịch trình đi vòng vòng Yangon, gần thôi, giống như nội thành TP.HCM vậy. Nhưng vừa yên vị trên xe thì anh bảo: 'Hôm nay đi chơi là đến tối mới về nhen'.
Anh tôi bắt đầu vai trò hướng dẫn viên của mình bằng câu chuyện về sự thay đổi phát triển của Myanmar, về một người phụ nữ lãnh đạo đảng dân chủ được người dân ngưỡng vọng có tên A.S. Suu Kyi. Câu chuyện anh giới thiệu có nhiều đoạn liên quan đến công cuộc đấu tranh dân chủ của bà, nhưng chúng tôi lại nhớ nhất chi tiết trước nhà bà có hàng hoa nhài, và khi ra ngoài bà thường cài hoa nhài lên tóc.
Anh bảo nhà bà nằm đâu đó trên con đường chúng tôi đang đi, ai đó đến Yangon cũng thường ghé qua chụp ảnh phía trước làm kỷ niệm, chúng tôi cũng nên có một tấm như thế. Miệng nói, tay lái, anh cứ vòng đi vòng lại trên đúng một đoạn đường, vừa đi vừa xem Google maps để xác định cho đúng địa chỉ. Chúng tôi thì không hào hứng lắm, nhưng anh thì ngược lại!
Đến nơi, bảo ba chúng tôi xuống đứng trước cổng, anh cầm máy chụp vài kiểu, xong rồi lại bảo đến đứng gần hàng hoa sứ, chụp vài kiểu. Nếu có luôn hàng hoa nhài cài tóc của bà nằm phía ngoài cổng rào này, chắc chắn chúng tôi cũng “phải có một tấm” vậy.
Ở Myanmar, người ta chuộng hoa nhài, hoa được dùng chỉ kết thành chuỗi, bán cho khách treo bên trong ô tô cho thơm. Các cô gái Myanmar thì búi tóc xong cài thêm một chuỗi hoa lên tóc. Tôi không biết điều này có phải vì quý mến bà Suu Kyi nên làm theo không. Riêng tôi đã được dịp mục kích một loạt các kiểu váy longyi bày bán với lời quảng cáo “đây là kiểu hoa văn bà Suu hay dùng”.
Khi đã có những bức hình “nên có” rồi, anh tôi mới nói tiếp kế hoạch ngắm thành phố bằng tàu hỏa cho sáng nay. Khi chúng tôi đi ngang qua một chiếc cầu vượt trên đường đã nhìn thấy ga rõ mồn một bên dưới, mà tìm lối đi xuống thì thật phiền hà. Đổi thêm tiền, mua đồ ăn vặt… đến lúc xuống được đúng quầy bán vé cho chuyến tàu vòng quanh thành phố thì đã 10 giờ 30 phút sáng.
“Theo thường lệ, lúc 11 giờ 10 phút sẽ có chuyến tàu có điều hòa về ga, nhưng hôm nay tàu đó đang sửa chữa, nếu 11 giờ 10 phút mà tàu điều hòa chưa về kịp, thì đến 11 giờ 20 sẽ có chuyến tàu khác về nhưng không có điều hòa, đi chuyến không điều hòa vé sẽ rẻ hơn, nên chịu khó chờ chốc lát để xem tình hình như thế nào…”, một người đàn ông nhỏ người, ăn mặc lịch sự phụ trách quầy vé tận tình giải thích với chúng tôi như thế. Vừa giải thích anh vừa lấy điện thoại gọi hỏi tình hình tàu có điều hòa, nhanh nhẹn và nhiệt tình không thể tưởng tượng.
Hơn thế nữa, khả năng giao tiếp tiếng Anh của anh, một người nhân viên bán vé tàu, quả thật khiến chúng tôi ngả mũ ngạc nhiên lắm lắm. Trong lúc chờ đợi, anh còn hướng dẫn chúng tôi nên xuống ga nào dọc đường, có gì hay ở đó. Lúc đi về cũng có hai lựa chọn, tàu điều hòa chạy theo chiều kim đồng hồ, tàu kia chạy theo chiều ngược lại, yên tâm vì chiếc nào cũng đi hết một vòng quanh thành phố.
May cho chúng tôi là đúng 11 giờ 10 chuyến tàu có trang bị điều hòa vừa về đến ga, đến lúc này anh nhân viên mới bán vé, 6000Kyat cho 6 người, tương đương vé xe buýt xứ mình thôi, lại thêm một cái giá rẻ quá sức tưởng tượng.
Từ lúc đến đây, chúng tôi hầu như được dịp nhìn ngắm những mặt đẹp nhất của thành phố Yangon, còn chuyến tàu hôm nay đang vòng về sau lưng những mặt ấy. Họ còn nghèo thật. Những cụm chung cư cũ kỹ, những ngôi nhà trũng thấp ven kênh, đồng rau muống, đồng lúa rộng mênh mông.
Vừa ngồi trên xe vừa bàn đến bữa trưa, anh tôi bảo thực phẩm ở Myanmar rẻ, hải sản lại càng rẻ, mà thịt bò càng thêm rẻ chỉ khoảng 100.000 đồng/kg tính theo tiền Việt, mà lại ngon không sợ bị bơm nước, cũng không sợ thực phẩm Trung Quốc. Hầu như người Myanmar tẩy chay đồ Trung Quốc rất mạnh mẽ.
Tàu đi rất chậm, chậm lắm, chắc để ngắm nghìn cuộc sống thường nhật là chính. Đến mỗi một trạm lại đều đều người lên kẻ xuống. Lúc cao điểm, người chen chúc nhau đứng chật cả toa. Vì cấm xe gắn máy lưu thông vào nội ô, nên tàu lửa là phương tiện công cộng phổ biến để người dân ngoại thành vào trung tâm làm việc, buôn bán kiếm sống.
Chờ mãi, đến khoảng trạm Mingaladon hay Mingaladon Bazaar tôi không nhớ được, ở giữa giữa hành trình, thì chúng tôi xuống theo gợi ý của anh nhân viên bán vé, người xuống lên đông đúc, lúc vẫn còn 2 thành viên phía trên thì tàu đóng cửa, chuẩn bị lăn bánh. Em gái tôi, em trai của anh tôi phải đập cửa tưng bừng mới mở ra nhảy xuống được. Thiệt vừa xúc động giống cảnh chia ly phim Hàn Quốc, vừa gay cấn giống phim hành động Mỹ.
Quả là có chợ quê ở đây và bán khá nhiều món lạ lẫm, kiểu như dưa hấu nướng, đậu đũa khổng lồ, rau muống khổng lồ, bí khổng lồ…Tôi gọi như vậy vì tôi đã chưa từng thấy một cọng đậu đũa mà to bằng ngón tay trỏ và dài khoảng 60cm ở Việt Nam bao giờ.
Chợ quê
|
Mùi chợ, mùi thực phẩm lạ, mùi kênh cạn dưới nắng đan xen nhau tạo thành một hỗn tạp bạn chỉ có thể cảm nhận, và đặc biệt chống chỉ định với những bạn õng ẹo, cơm bưng nước rót. Các anh tôi tiện tay mua một quả bắp nấu, hạt già và cứng thôi rồi, tôi ngồi ăn miệt mài từ lúc chờ tàu tới cho đến lúc lại lên tàu, lại ngồi ngắm một nửa phố thị cả lúc lâu, mới hết được nửa quả.
|
Đậu đũa và rau muốn to đùng
|
Đoạn đường từ lúc này đến lúc về ga ít khách lên, hầu như chỉ có 6 anh em tôi, bao trọn toa tàu. Cũng vì thế mà thêm một vấn đề phát sinh là lạnh cóng. Mấy đứa con gái chúng tôi phải ngồi sát nhau, trùm hết các khăn mang theo, và tôi cứ thế ngủ thiếp đi. Nhìn bản đồ thì gần hơn nửa đoạn đường khi đi, mà thời gian về sao mà dài lê thê…
(còn tiếp)
Na Loan
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 3: Bagan đẹp biết bao
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 2: Thăm chùa vàng Shwedagon
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar
Bình luận (0)