TNO

Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 6: Lần 'trốn vé' nhớ đời ở Golden Rock

31/08/2015 09:35 GMT+7

( iHay ) Cảm ơn tất cả những con người tôi đã gặp, cảm ơn những cơ duyên cho tôi một nửa Myanmar trọn vẹn và khó quên.

(iHay) 4 giờ 30 sáng, mọi thứ đã sẵn sàng để chúng tôi khởi hành đi Golden Rock. Gần 6 giờ sáng, mặt trời đội mây lên, cái se se ban mai không làm lạnh quả cầu lửa tròn rực, chân trời hồng lên đẹp đẽ, khiến tôi tỉnh hẳn cơn ngủ như kiểu ăn một viên kẹo ngọt mát lạnh...

Golden Rock nằm cách Yangon khoảng 200km, nên muốn đi về trong ngày, chúng tôi phải khẩn trương lắm. Khoảng 7 giờ sáng, xe di chuyển qua xa vùng Bago và đi vào đoạn đường đồng quê bạt ngàn, hai bên là cánh đồng lúa rộng tít tắp, thảng hoặc lắm mới thấy lác đác vài mái nhà tranh, và cũng hiếm hoi để bắt gặp một chiếc xe buýt lướt qua. Xe vẫn giữ tốc độ cao giữa đồng không mông quạnh như vậy, tôi bỗng ngạc nhiên khi trông thấy một vài em bé mặc đồng phục học sinh đang cố gắng đạp xe ngược gió.
Bụng lấy làm lạ, tôi hỏi Mya, chúng ta nãy giờ đã đi trên đoạn đồng trống xa như vậy không thấy nhà cửa, trường học ở đâu mà thấy các em học sinh đạp xe? Mya bảo trường học rất xa nhưng rất nhiều em ở đây khó khăn không đủ tiền để đi xe buýt, 1000Kyat đối với họ là cái giá rất to, nhiều bé phải rời nhà từ lúc 5 giờ sáng và đi mất 3-4 giờ đồng hồ mới tới trường!
Xe tiếp tục băng qua vùng đồng quê bằng phẳng hơn một giờ nữa thì địa hình bắt đầu trập trùng, cảm giác như đang tới gần với một vùng cao nguyên nào đó.
8 giờ 50 phút, chúng tôi leo lên và yên vị trên băng ghế của chiếc xe tải chuyên dụng, chỉ có một băng ghế gỗ bắt ngang thùng xe không mui, không đai an toàn. Leo núi với chiếc xe này thật cũng khiến người ta rùng mình. Tiền vé được thu 5000Kyat/người, cũng không quá đắt. Người ngồi chật kín, hơi nóng làm cho nhiều thứ mùi đan nhau lên, trong đó có cả mùi trầu của những người đàn ông Miến.
Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 6: Lần 'trốn vé' nhớ đời ở Golden Rock - ảnh 2Xe leo núi chuyên dụng
Nhưng sự hơi bất tiện như vậy chỉ kéo dài đôi chút, khi xe bắt đầu lăn bánh lúc 9 giờ 15 thì gió mát lạnh thổi tới, đôi lúc phần phật như muốn bay chiếc khăn trên đầu.
Đường lên núi dù được xây liền lạc nhưng địa thế hiểm trở, có lúc phải qua chiếc cầu nhỏ xíu, một bên là vực sâu, còn lại thường xuyên là những khúc cua cùi chỏ rất hiểm. Đó là lý do xe dân dụng không được lên núi, nhất là vào mùa mưa đường còn bị sạt lở. Nửa chuyến hành trình đi lên, tôi bị căng thẳng vì vài nỗi sợ vu vơ, mãi khi trải qua một trạm dừng chân rồi mới cảm thấy quen được địa hình.
Trời mây không nắng lại hay, con đường lên đỉnh chùa thiên càng thêm huyền hoặc bởi mây và sương mù bao phủ.
Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 6: Lần 'trốn vé' nhớ đời ở Golden Rock - ảnh 3 Đường núi hãy còn mới, quá trưa còn đầy sương mù
Trải qua một ngày phơi nắng ở Bagan, da dẻ chúng tôi đậm màu lắm, trông đã rất giống các cô gái Burma. Mya đùa rằng chỉ cần chúng tôi im lặng không nói chuyện, thì không cần phải trả phí cho người nước ngoài, bằng chứng là ở Bagan không ai hỏi thăm vé cả. Mải suy nghĩ mà chúng tôi bước qua khỏi văn phòng bán vé Collecting Foreign Entrance Fee lúc nào không hay, quay trở lại thì khác nào không ai đánh mà khai. Tôi cứ thế im lặng trong sự băn khoăn vô hạn, cũng thoáng nghĩ còn điểm thu nào đó phía trước, vì đường lên còn xa.
Đang lầm lũi bước chợt sau lưng có người phụ nữ đi theo gọi lớn tiếng, cả bọn mắt tròn mắt dẹt, vì đang phải im lặng nên không hỏi Mya được người phụ nữ nói gì, chỉ thầm thất kinh trong lòng. Khi người phụ nữ đi tới sát bên thì mới vỡ lẽ ra cô ấy đang rao bán loại cải rau gì đó, vừa đi vừa đội cả thúng to trên đầu. Từ đây vào trong qua thêm 3 lần soát cổng, cứ mỗi một lần cảm giác tội lỗi trong tôi lại dâng thêm lên, vì đâu mà phải không công khai minh bạch thế này? Khổ thêm một nỗi, bọn chúng tôi đều mặc áo thun mới mua có in các địa danh ở Myanmar. Thử hỏi có người bản địa nào ăn mặc như vậy. Các chú bảo vệ cứ gặp bọn tôi là hỏi "Thái Lan à?", Mya nhanh trí đối đáp ngay bằng tiếng Miến, còn cùng em tài xế trao đổi qua lại, cố ý cho người ta nghe.
Khi đến trước ngôi chùa Kyaithtiyo nằm cheo leo trên tảng đá mạ vàng, chúng tôi chỉ được quỳ bái từ xa. Tôi cố gắng thực hiện một cách tự nhiên và giống với Mya. Sau đó em dẫn tôi đi vòng ra sau lưng chùa, nhìn từ khoảng cách xa xa. Lời rằng sở dĩ ngôi chùa nằm trên một vị thế như vậy, bền vững suốt 2.500 năm qua là nhờ được cố định bằng một sợi tóc của Phật Tổ, khi ngài còn sống tại cõi trần. Đây là một trong bốn ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar, gồm Shwedagon, Kyaithtiyo, Shwezigon và ngôi chùa bên dòng sông Botataung.
Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 6: Lần 'trốn vé' nhớ đời ở Golden Rock - ảnh 4Sau lưng tác giả là chùa Kyaithtiyo
Golden Rock vốn là một điểm đến được bổ sung sau khi cân chỉnh lại lịch trình, vì thế tôi chưa kịp tìm hiểu kỹ. Ngay lúc này đây tôi chưa biết một điều rằng, phụ nữ vốn không được đến gần đỉnh tháp chùa. Cứ nhìn Golden Rock lấp lánh trong ánh nắng đang lên mà mình không được đến, tôi lại càng như tên tội đồ khổ sở. Mya đi cùng với tôi trong khi 3 bạn còn lại mải mê chụp ảnh nên tuột lại phía sau. Em trông gương mặt khó coi của tôi mà cũng cảm thấy có lỗi, giải thích mãi. Nhưng, việc này đâu phải do em. Cuối cùng, tôi bảo em dẫn đến chỗ nhận quyên góp để dùng 6000 Kyat lẽ ra phải mua vé cho tôi lúc nãy, quyên góp cho chùa làm việc thiện. Đâu đó xong rồi mới thấy lòng nhẹ nhàng. Một bài học sâu sắc và khó quên.
Trên độ cao 3.600 feet, tương đương 1.100m, ngoài Golden Rock cheo leo lạ kỳ nhìn bao quát ra đỉnh núi cao mây phủ, các kiến trúc hiện đại còn lại không đặc sắc như những gì được thấy ở Bagan. Chúng tôi tập trung lại ăn nhẹ để quay xuống núi cho kịp về sớm. Trên đỉnh cao này có thể nhận thấy nước sạch còn thiếu nhiều.
Trên đường quay ra cổng, em tài xế, Mya và tôi “được” vời vào một gian thờ lễ bái đức Phật, và thấm nước sạch trước bàn thờ xoa lên đầu, sau cùng ghi nguyện vọng vào một tờ giấy, xếp lên xung quanh bức tượng thiêng. Tôi cứ có cảm giác những người canh gác như đang khảo nghiệm mình vậy, cứ mong nghi lễ chóng xong để đi ra, thật xấu hổ.
Đường ra thỉnh thoảng còn gặp vài vị sư áo nâu đi lên, ánh nhìn tôi chợt lãng đãng lên những mái nhà sơn xanh tươi roi rói.
11 giờ 40, cả bọn tập trung đông đủ trước nhà chờ xe. Khoảng 12 giờ 10 xe bắt đầu đủ khách và chạy. Phải nói rằng, thời gian thú vị nhất khi đến Golden Rock chính là từ lúc này trở xuống.
Vẫn là con đường ban sáng, nhưng đã quen thuộc cho tôi và không hề còn nỗi sợ nguy hiểm. Ngược lại, những lúc xe phăng phăng lao xuống từ dốc cao, cùng với gió thốc ngược lên mặt tạo cho chúng tôi cảm giác đang đi tàu lượn siêu tốc, trên xe vang lên những tiếng hú hét đầy phấn khích. Gần 13 giờ 05 phút chúng tôi đã đến chân núi rồi, giá vé bận về rẻ hơn bận lên, không biết Mya đã làm điều đó như thế nào, có điều tôi tin chắc rằng, em không dám dùng chiêu người bản xứ nữa đâu, em biết tôi không vui vì điều đó.
Chúng tôi lên xe của mình di chuyển tốc độ cao thêm 30 phút nữa, thì tới nhà hàng Sane Let Tin ăn trưa, không gian ở đây thích vô cùng. Bàn gỗ ghế gỗ sang trọng thoáng mát, thức ăn ngon và giá cả phải chăng, toilet sạch sẽ và thân thiện môi trường.
Sau bữa trưa chúng tôi ngồi nghỉ chốc lát, tôi bảo em tài xế ra xe nghỉ trưa, vì em cũng thức từ khuya và phải lái xe suốt. Trời Burma tháng 7 nóng rang, vậy mà khi ra đến xe, tôi thấy em nằm trằn trọc trên ghế lái vì không dám mở điều hòa, thiệt là thương em mà cơn giận trào lên! Mya giải thích rằng đó là thói quen của các tài xế, họ lái xe cho các ông chủ thì không dám làm vậy vì sợ bị đuổi việc. Vậy tôi có khác nào vừa làm một việc quá ác, trong khi em đang ở trong quán mát mẻ thì bị đuổi ra ngồi vào chiếc ôtô dưới nắng? Thôi thì, rút kinh nghiệm sâu sắc cho lần sau.
15 giờ 7 phút chúng tôi rời đi, trở về Yangon theo cung đường đã qua, cơn ngủ chập chờn trên cánh đồng xanh, nếu thêm một chút nhạc nữa thì khác gì trong các phim đồng quê Mỹ.
Về đến rìa Yangon khoảng 17 giờ, chúng tôi ngồi nói với nhau những câu chuyện không đầu không cuối. Bữa tối xong chị em gái chúng tôi dọn dẹp gọn gàng, chuẩn bị hành lý cho sáng mai ra sân bay sớm.
6 giờ sáng hôm sau, tranh thủ ngắm bình minh Yangon thêm lần nữa trước lúc rời đi, vẫn những chú chim quạ, chim bồ câu bay xao xác. Tôi trân trọng từng sự trải nghiệm mới mẻ cho lần đầu tiên này. Cảm ơn tất cả những con người tôi đã gặp, cảm ơn những cơ duyên cho tôi một nửa Myanmar trọn vẹn và khó quên.

Na Loan

>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 4: Người Bagan hiếu khách
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 3: Bagan đẹp biết bao
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar - Kỳ 2: Thăm chùa vàng Shwedagon
>> Hành trình khám phá 'một nửa' Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.