Hành trình lãnh án tử của tỉ phú Iran

07/03/2016 14:36 GMT+7

Tỉ phú Babak Zanjani từng tự xưng mình là người hùng cứu cả đất nước Iran. Ông lập nên tập đoàn thuộc loại lớn nhất trong lịch sử Iran, bán dầu “giúp” cả nước thời cấm vận. Còn bây giờ, ông vừa bị kết án tử hình.

Tỉ phú Babak Zanjani từng tự xưng mình là người hùng cứu cả đất nước Iran. Ông lập nên tập đoàn thuộc loại lớn nhất trong lịch sử Iran, bán dầu “giúp” cả nước thời cấm vận. Còn bây giờ, ông vừa bị kết án tử hình.

Việc tỉ phú Babak Zanjani (giữa) bị kết án tử hình vì chiếm dụng 2,8 tỉ USD tiền bán dầu của chính phủ khiến giới doanh nhân thời cấm vận của Iran như ngồi trên lửa - Ảnh: AFP Việc tỉ phú Babak Zanjani (giữa) bị kết án tử hình vì chiếm dụng 2,8 tỉ USD tiền bán dầu của chính phủ khiến giới doanh nhân thời cấm vận của Iran như ngồi trên lửa - Ảnh: AFP
Sự xuất hiện của “người hùng”
Bên cạnh “danh hiệu người hùng” mà tỉ phú Zanjani tự phong cho mình, ông cũng tự xưng mình là “chiến sĩ kinh tế”. Quả thật, suốt bao nhiêu năm trời bị trói tay trói chân bởi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, không thể bán dầu mỏ ra nước ngoài, đất nước Iran sẽ lao đao hơn rất nhiều nếu không có những “chiến sĩ kinh tế” kiểu như Zanjani.
Thời cấm vận, cho dù chính phủ Iran có bán được dầu mỏ đi chăng nữa thì cũng chẳng có ngân hàng quốc tế nào dám đứng ra chuyển tiền cho Iran vì sợ bị trừng phạt theo các điều khoản của lệnh cấm vận. Thế là “người hùng” Zanjani xuất hiện, lập nên một “đại công ty” thuộc loại đồ sộ nhất trong lịch sử Iran: tập đoàn Sorinet, vươn vòi ra tất cả mọi lĩnh vực then chốt, từ giao thông đến xây dựng, từ sở hữu các câu lạc bộ bóng đá đến buôn bán dầu, từ mỹ phẩm tới hàng không... Và tất nhiên, để có thể lưu thông dòng chảy tiền tệ cho “đại công ty” của mình, Sorinet cũng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nữa, cả trong và ngoài nước.
Tính ra Zanjani điều hành một hệ thống hơn 60 công ty trong ngoài nước khác nhau.
Sắm máy bay riêng
Rõ ràng Zanjani có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đem tiền về cho Iran suốt bao nhiêu năm bị cấm vận. Ông đã bán dầu, chuyển tiền về cho chính phủ thông qua một hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng cực kỳ rối rắm để có thể qua mặt được lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Bản thân ông có tên trong “danh sách đen”của Mỹ và Liên minh châu Âu vì đã giúp chính quyền Iran vi phạm lệnh cấm vận.
Doanh nhân Babak Zanjani đã làm trung gian bán dầu mỏ cho chính quyền Iran suốt một thời gian dài - Ảnh: AFP

Có lúc, Zanjani vỗ ngực tự xưng gia sản của mình lên đến 13,5 tỉ USD - một con số nằm ngoài trí tưởng tượng của hầu hết người dân Iran - đất nước mà nền kinh tế nằm chủ yếu trong tay nhà nước, kinh tế tư nhân bị hạn chế tối đa.

Suốt nhiều năm trời, Zanjani thực sự sống trong vinh quang. Ông ta cũng sống rất phô trương, sắm cả dàn siêu xe xa xỉ, thậm chí máy bay riêng. Ông chụp không biết bao nhiêu hình với các quan chức cao cấp của Iran.
Nhưng dường như chính sự phô trương đó đã góp phần “giết” ông ta. Ai cũng có thể đặt câu hỏi tại sao Zanjani lại có thể kiếm tiền “thần tốc” đến như vậy. Theo BBC, dưới thời cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, ông Zanjani bắt đầu bị để ý. Đến khi tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, người lên lãnh đạo từ năm 2013, Babak Zanjani bị bắt với cáo buộc biển thủ. Điều này xảy ra chỉ vài tháng sau khi ông Rouhani bước vào dinh tổng thống Iran và chỉ một ngày sau khi ông tuyên bố sẽ diệt tận gốc “sự thối rữa tài chính”, nhất là các cá nhân đặc quyền đặc lợi đã “thu lợi bất chính vì lệnh cấm vận kinh tế” từ chính quyền trước.
“Chỉ là con nợ”?
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi năm 2013, Zanjani từ chối mọi dính líu tới chính trị, khẳng định mình chỉ làm kinh tế thuần túy.
Đến khi Zanjani bị bắt, luật sư của ông là Zohreh Rezalee tuyên bố vụ này mang động cơ chính trị và thân chủ của ông, nếu có làm gì sai trái, thì cũng chỉ là con nợ. Nhưng Zanjani nợ ai và nợ bao nhiêu?
Trước khi bị bắt, Zanjani ca cẩm rằng lệnh cấm vận quốc tế đã ngăn cản ông trả nợ trên... 1,2 tỉ USD cho chính phủ. Còn trong phiên xét xử vừa qua, các công tố viên bảo khoản nợ đó lên đến 2,8 tỉ USD. Đó là tiền dầu mỏ mà Zanjani đã “bán giúp” Iran.
Ông Babak Zanjani (trái) bác bỏ mọi cáo buộc - Ảnh: AFP

Zanjani đã bị kết tội tham ô với án tử hình. Các luật sư bác bỏ lời kết tội này, cho rằng nếu thân chủ họ được trả tự do và được tiếp cận với hệ thống kinh doanh của mình, ông sẽ trả lại toàn bộ số tiền nợ chính phủ.

Nhưng đó là viễn cảnh khó lòng xảy ra. Trước đây cũng đã từng có các doanh nhân giàu có ở Iran bị tử hình vì cáo buộc tương tự, chẳng hạn doanh nhân Mahafarid Amir-Khosravi.
Sau khi lệnh cấm vận Iran được tháo gỡ hồi tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này, ông Bijan Zanganeh kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài làm việc trực tiếp với chính phủ, đừng có thông qua trung gian, những người mà ông ta gọi là “những ký sinh trùng tham ô”.
Một loạt doanh nhân “bự” thời cấm vận ở Iran đều như đang ngồi trên lửa sau án tử hình dành cho Zanjani, bởi rất nhiều người cũng từng làm “người hùng” (dù có xưng danh hay không xưng danh), tìm cách đi vòng qua lệnh cấm vận để làm trung gian cho chính phủ Iran suốt nhiều năm trời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.