(TNO) Như Thanh Niên Online đã thông tin, một bệnh nhân bị tai nạn lao động qua đời hiến tạng cứu 6 người. Trong đó, không thể không kể đến hành trình mang trái tim của người hiến tạng từ TP.HCM ra Thừa Thiên-Huế để ghép cho bệnh nhân.
GS.TS Bùi Đức Phú đang theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau khi được ghép tim, phổi - Ảnh do GS Bùi Đức Phú cung cấp
|
Được biết, ca ghép tim cho bệnh nhân tại Thừa Thiên-Huế đã diễn ra trong 3 ngày qua. Tối nay 22.7, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, người chủ trì cuộc ghép tim trên, đã chia sẻ với Thanh Niên Online về cuộc ghép tim này.
* Thưa giáo sư, ông có thể cho biết đôi chút về tình trạng sức khỏe và kết quả ban đầu về ca ghép tim mà ông và ê kíp vừa thực hiện?
- GS.TS Bùi Đức Phú: Hiện nay, 3 ngày sau ghép tim, mặc dù tình trạng chảy máu có giảm đi, nhưng phổi bệnh nhân sau ghép vẫn chưa đảm bảo trao đổi oxy hoàn toàn để có thể ngưng ECMO (kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy qua màng hay còn gọi là hệ thống tim phổi nhân tạo), chúng tôi đã dùng thuốc cầm máu nhằm khống chế tình trạng chảy máu. Liệu pháp điều trị ức chế miễn dịch cũng được chúng tôi sử dụng bảo đảm đủ nồng độ, các giải pháp chống nhiễm trùng được thực hiện chuẩn mực… nhưng hiện tại bệnh nhân vẫn còn đang nặng và toàn bộ ê kíp ghép luôn sẵn sàng túc trực và chăm sóc đúng quy chuẩn. Nguồn lực dự trữ đã sử dụng gần hết, Trung tâm Huyết học truyền máu Bệnh viện TƯ Huế phải đi Quảng Bình để lấy máu nhờ đó có thêm được một số cơ số máu AB . Hiện nay đang huy động thêm ở Bệnh viện Chợ Rẩy và Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP.HCM…
Còn quá sớm để tiên lượng ca ghép này, nhưng bản thân mỗi chúng tôi đã và sẽ làm hết sức để cứu người, không phụ lòng tin tưởng giúp đỡ của rất nhiều người từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp các bộ ngành, đến các nhân viên của cơ quan vận chuyển hàng không, đặc biệt là người bệnh đã trao hy vọng sống cuối cùng cho chúng tôi. Thành kính thắp nén nhang tri ân người hiến tạng cao cả.
* Giáo sư có thể cho biết đôi chút về hành trình tiếp nhận và đưa quả tim, phổi từ TP.HCM ra Huế đã diễn ra như thế nào?
- GS.TS Bùi Đức Phú: Ngày 19.7, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thông báo cho chúng tôi có người hiến tạng chết não nhóm máu AB, hiện đang hồi sức chết não đang chờ đợi đến thời điểm có đủ các tiêu chuẩn chết não theo đúng quy trình của Bộ Y tế ban hành sẽ tiến hành lấy tạng, Hội đồng ghép tạng Bệnh viện TƯ Huế lập tức khởi động hệ thống tìm chọn người nhận có cùng nhóm máu và mắc bệnh suy tim phổi.
Liên lạc trên danh sách chờ ghép chỉ có một bệnh nhân đã mổ tim cách đây một năm là có các chỉ số phù hợp và đồng ý ghép. Xác định trường hợp này sẽ rất khó khăn vì các tạng dính với nhau, nhưng bệnh nhân chỉ có cơ hội duy nhất để hy vọng cứu sống vì người cho đã hiếm, mà cùng nhóm máu AB lại càng hiếm, do đó hội đồng chuyên môn đã không còn sự chọn lựa nào khác. Các công đoạn đánh giá sự tương hợp giữa người cho và nhận được tiến hành khẩn trương.
Đến 12 giờ ngày 19.7, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sẽ lấy tạng vào đêm khuya cùng ngày cần khẩn trương để phối hợp, Bệnh viện TƯ Huế đã cử ngay nhóm bác sĩ đi nhận tạng, trong đó 4 bác sĩ thuộc ê kíp lấy tạng, 1 bác sĩ phẫu thuật viên và 1 bác sĩ gây mê hồi sức tim mạch có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 19.7 để hội chẩn với Hội đồng Ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy. Cùng với đó, 2 bác sĩ khác mang phương tiện lấy tạng và mẫu máu đọ chéo cho bệnh nhân từ Huế đến sân bay Tân Sơn Nhất đi ngay vào Chợ Rẫy lúc 1 giờ sáng 20.7, để nhờ làm giúp xét nghiệm đọ chéo và ở lại đây để tham gia ê kíp lấy tạng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cuộc mổ lấy tạng được tiến hành theo quy trình từ 2 giờ sáng 20.7. Do 2 ê kíp Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện TƯ Huế phối hớp khá thuần thục nên đến 6 giờ 30 phút thì cắt tạng lấy khối tim phổi và bảo quản tạng, đến 6 giờ 50 phút thì xe cấp cứu bắt đầu khởi hành chuyển 4 bác sĩ và thùng đựng tạng ghép đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại đây, các thủ tục được làm sẵn với sự hỗ trợ trực tiếp của Bộ trưởng Bô Y tế và an ninh sân bay nên tạng hiến đã nhanh chóng được đưa lên máy bay. Chuyến bay khởi hành lúc 8 giờ 5 phút và đến Huế lúc 9 giờ 15 phút ngày 20.7. Tại sân bay Phú Bài, xe cấp cứu của Bệnh viện TƯ Huế đã chờ sẵn và lập tức đưa thùng tạng ghép đến phòng mổ lúc 9 giờ 40 phút.
Tại Bệnh viện TƯ Huế, đêm 19.7 toàn bộ ê kíp ghép đã ở lại bệnh viện để chuẩn bị. Quá trình phẫu tích gở dính cực kỳ phức tạp vì tim phổi dính quá nhiều, sau khi bộc lộ được tim thì tiến hành thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể và sau đó tiếp tục gở dính phổi và tim .
Đến 10 giờ ngày 21.7, công đoạn cắt bỏ tim phổi bệnh lý hoàn thành, tạng ghép được đưa vào lồng ngực và tiến hành khâu nối xong lúc 11 giờ - cho tim đập lại khá dễ dàng. Như vậy từ khi cắt bỏ khối tim phổi cho đến khi tim đập lại là 4 giờ 30 phút (nằm trong giới hạn cho phép là < 6 giờ).
* Như vậy có thể nói là ca ghép tim, phổi đã diễn ra khá thuận lợi?
- GS.TS Bùi Đức Phú: Mọi diễn tiến đã diễn ra đúng kế hoạch và quy trình, nhưng giai đoạn khó khăn bắt đầu với tình trạng chảy máu, các vị trí phẫu tích gở dính đều rỉ rả máu. Qua theo dõi các thông số và siêu âm thực quản cho thấy quả tim người cho đập khỏe, nhưng trao đổi oxy kém do phổi phù (bệnh nhân hiến tạng đã có 7 ngày thở máy trước khi lấy tạng) mặc dù đã hỗ trợ thêm khí NO nhưng vẫn không cải thiện.
Chúng tôi quyết định đặt ECMO cho bệnh nhân và sau đó tình trạng trao đổi oxy và tuần hoàn được cải thiện nhưng ngược lại tình trạng chảy máu xuất hiện trở lại (do máu không đông vì phải dùng Heparin mới chạy ECMO được). Các kiểm soát về ngoại khoa không cho thấy có điểm chảy máu nào rõ ràng, máu thì ứa thấm từ các tạng trong lồng ngực. Giải pháp cuối cùng là chuyền máu tươi và các yếu tố đông máu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân có tạm ổn, nhưng vẫn chưa thể tiên lượng được chắc chắn điều gì.
* Qua cuộc ghép tim lần này, giáo sư có thể nói điều gì?
- GS.TS Bùi Đức Phú: Chúng tôi rất biết ơn và ghi nhận sâu sắc tình cảm chia sẻ quan tâm của dư luận trong nước trong những ngày qua, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng đầy trách nhiệm của các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bình luận (0)