Hành trình “môi son”

30/03/2012 09:28 GMT+7

Một năm "hẹn hò" chuẩn bị và thêm nhiều năm trước đó để thân thiết và hiểu về nhau, cuối cùng năm nữ họa sĩ trẻ của TP.HCM đã hội tụ trong một cuộc triển lãm mà bạn bè gọi vui là cuộc hành trình của những "môi son".

Một năm "hẹn hò" chuẩn bị và thêm nhiều năm trước đó để thân thiết và hiểu về nhau, cuối cùng năm nữ họa sĩ trẻ của TP.HCM đã hội tụ trong một cuộc triển lãm mà bạn bè gọi vui là cuộc hành trình của những "môi son".

Gần 5g chiều, cánh cửa Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chuẩn bị khép lại sau một ngày dài đón khách, cũng là lúc các nữ họa sĩ trẻ bắt tay vào công cuộc "cải tạo" khu tầng hầm để vài ngày nữa thôi, nơi đây sẽ "hô biến" thành một không gian mở của nghệ thuật hội họa và sắp đặt.

Cẩn thận dán từng miếng băng keo lên đôi bàn tay được làm từ nhựa dẻo, họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng nói đùa: "Nhìn giống phim ma Hàn Quốc không?". Bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ cộng thêm chất sáng tạo của một nghệ sĩ sắp đặt, họa sĩ Thúy Hằng mang đến triển lãm lần này những giấc mơ hư thực của chính mình. "Ðôi tay này là bàn tay của chính tôi và có khi giấc mơ tôi kể cũng là hiện thực của một ai đó" - chị chia sẻ.

 
Họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng chăm chút cho tác phẩm sắp đặt của mình tại triển lãm - Ảnh: Minh Trang

Cách đó không bao xa, cô em út của triển lãm lần này, họa sĩ trẻ Nguyễn Kim Tố Lan (sinh năm 1982) đang khệ nệ vận chuyển những tấm tôn, sắt thép vào đúng vị trí. Chán ghét sự khô khan, công nghiệp của những thành phố lớn nhưng sắp đặt của Tố Lan ngoài những vật liệu "nặng nề" lại được điểm xuyết bên trong bằng những mầm cây xanh mơn mởn - một ẩn dụ về những điều tốt đẹp vẫn lẩn khuất đó đây...

Ði theo phong cách pop-art, phong cách phản ánh hơi thở của thị trường và tương đối dễ hiểu với số đông, chị cả của nhóm - họa sĩ Vũ Khánh Vân lại khiến "góc nhỏ" của mình rực rỡ, tươi sáng với những bức vẽ trên chất liệu mica khá thời thượng. Những đôi môi đỏ thắm, những cặp chân dài, cả đôi mắt long lanh qua hàng mi được chải chuốt - đối với chị đó không chỉ là vẻ đẹp bề nổi mà còn là sự tự tin, kiêu hãnh, đóng mác "đặc quyền" dành riêng cho phái đẹp.

Riêng với Lê Hiền Minh - nữ họa sĩ vừa trở về từ Mỹ, cuộc sắp đặt nho nhỏ trong triển lãm lần này có ý nghĩa đặc biệt dành riêng cho người bố đáng kính đã mất - nhà nghiên cứu Lê Dưỡng Hạo. Thừa hưởng dòng máu văn chương và nghệ thuật trong một đại gia đình có truyền thống đáng nể: ông ngoại là nhà văn Kim Lân, mẹ là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, cậu ruột là họa sĩ Nguyễn Thành Chương, Nguyễn Mạnh Ðức... cho đến người bạn đời Gregory Max Jewtt cũng là một nghệ sĩ trình diễn sắp đặt có tiếng, Lê Hiền Minh có quá nhiều thứ để quan tâm. Thế nhưng chị lại chọn sắp đặt sách cho cuộc triển lãm này. 100 cuốn sách làm bằng chất liệu giấy dó được bày biện một cách có chủ đích, và bất ngờ hơn khi biết đây chỉ là 1/10 trong số 1.000 cuốn sách bằng giấy dó chị đã làm suốt thời gian qua, như một cách làm sống lại những ký ức về người cha thân yêu...

Chia nhau khoảng không gian chỉ vừa đủ cho 13 tác phẩm, năm nữ họa sĩ trẻ (sinh sau năm 1975 tại TP.HCM, gồm Vũ Khánh Vân, Lê Hiền Minh, Nguyễn Thúy Hằng, Lý Trần Quỳnh Giang và Nguyễn Kim Tố Lan) đã tự nhặt nhạnh cho mình một mảnh ký ức đáng giá để góp phần "làm đầy" cho triển lãm.

Xem triển lãm và... nghe rock

Ước mong được mang sự mềm mại, trẻ trung của mình vào Bảo tàng Mỹ thuật TP, năm cô gái đã... hạ quyết tâm xin bằng được giấy phép để mang âm nhạc vào triển lãm lần này, biến khu tầng hầm tối tăm của viện bảo tàng trở thành một không gian thực thụ của nghệ thuật, nơi bạn vừa có thể xem, vừa có thể nghe, nhâm nhi một ly rượu vang và cảm nhận mọi thứ theo cách riêng của mình - điều chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay ở đây. Vậy nên đêm khai mạc Kẻ bộ hành vào 18g30 ngày 30-3, ngoài những sắp đặt, tranh vẽ và những câu chuyện bên lề của năm cô gái sẽ có thêm sự góp mặt của ca sĩ Thảo Trang, nhóm rock Giao Chỉ và DJ Jemery... Triển lãm kéo dài đến hết ngày 6-4.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.