Hành trình nữ sinh viên câm điếc chinh phục tấm bằng cử nhân

20/11/2022 14:10 GMT+7

Không chấp nhận số phận, nữ sinh viên câm điếc bẩm sinh Lê Minh Tú (29 tuổi) đã trải qua hành trình dài để cùng học đại học với người bình thường dù biết sẽ gặp nhiều thử thách lớn về giao tiếp và ngôn ngữ.

Bị từ chối vì… là người điếc

Trao đổi với PV Thanh Niên thông qua chị Nguyễn Hạnh, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu của công ty Nắng Mới, Tú không thể giấu sự xúc động khi nhớ về những ngày đầu mang hồ sơ đi xin học đại học. Tú nhớ lại, để đưa ra quyết định học đại học cũng là một sự lựa chọn khó khăn.

“Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về vấn đề phí phiên dịch. Vì gia cảnh của tôi cũng không khá giả, bản thân tôi phải đi dạy kèm ngôn ngữ ký hiệu để xoay sở nhưng chẳng được bao nhiêu. Dù đã làm đơn xin hỗ trợ tại một số trường, tôi vẫn đều nhận được cái lắc đầu vì lý do không chấp nhận người điếc vào học hoặc không có quỹ để chi trả”, Tú kể.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, Tú được nhận vào học tại Trường ĐH Văn Hiến ngành tâm lý học vào năm 2017 và được nhà trường hỗ trợ chi phí phiên dịch. Nói về lý do chọn ngành học này, Tú cho hay, khi có thời gian tiếp xúc và quan sát người điếc, chị nhận thấy người điếc gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý nhưng không thực sự được quan tâm. Những vấn đề như cãi nhau, ly dị… khi xảy ra, không ai hỗ trợ tư vấn để có thể biết cách vượt qua dẫn tới những câu chuyện thương tâm. Do đó, Tú bộc bạch ước mơ sẽ được làm công việc tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho người điếc.

Dù trải qua nhiều khó khăn, Tú vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan và niềm tin vào bản thân

NVCC

Khoảng thời gian học đại học với Tú là một chặng đường nhiều thử thách. “Khó khăn nhất với tôi là việc cập nhật thông tin của trường. Nếu là văn bản thì tôi có thể tìm hiểu nhưng đôi khi không biết rõ. Còn nếu có thông báo bằng âm thanh thì tôi càng khó tiếp cận. Việc giao tiếp với bạn cũng là một vấn đề. Có hôm do không được lớp trưởng thông báo giờ học và địa chỉ rõ ràng nên tôi đã đến lớp muộn. Những lúc đó tôi thấy thất vọng vô cùng”, Tú chia sẻ.

Chỉ mong có thể thay đổi cuộc đời

Khi còn nhỏ, Tú đã ước được học tiếng Anh như những bạn người nghe khác. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người điếc không cần học tiếng Anh nên mãi đến khi học lớp 9, cô mới có cơ hội được học. Vì vậy, khi vào đại học, nữ sinh viên gặp rất nhiều trở ngại trong việc học những môn có tiếng Anh. Nhưng Tú chưa từng bỏ cuộc vì cô biết, nếu người điếc không có bằng cấp, tiếng Anh… thì sẽ rất khó cho việc đi làm sau này.

“Ba mẹ tôi từng nói người điếc học đại học vừa gặp rào cản giao tiếp rồi sau này có ai nhận vào làm không. Nhưng tôi cho rằng, không nên lấy lý do giao tiếp khó khăn mà bỏ qua phần khả năng của người đó. Họ có thể giao tiếp bằng cách viết giấy, còn nếu lúc phỏng vấn thì mời thêm phiên dịch để hỗ trợ. Bản thân người điếc họ rất muốn được cống hiến như người nghe vậy”, Tú nhận định.

Tú cho rằng người điếc cũng có thể tốt nghiệp đại học như người nghe bình thường nếu đủ đam mê và kiên trì

NVCC

Nữ sinh viên câm điếc bẩm sinh chính thức nhận bằng tốt nghiệp đại học vào ngày 17.11 sau 5 năm nỗ lực học tập. Thời gian học kéo dài hơn 1 năm vì cô không hiểu bài, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với bạn bè và thầy cô.

Sau khi tốt nghiệp, Tú dự định sẽ học thêm tiếng Anh và kỹ năng xây dựng dự án xã hội. Cô đang ấp ủ dự định sẽ lên một kế hoạch dự án cho người điếc về giảng dạy kỹ năng sống và cố vấn tâm lý thể chất. Dự án như này với người nghe không phải mới nhưng với người điếc thì còn hiếm. Vì vậy, cô mong muốn người nghe và người điếc có cơ hội bình đẳng như nhau trong các lĩnh vực.

“Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ ‘giao tiếp với người điếc là sự khó khăn’ thì mới gỡ bỏ các rào cản. Tôi mong rằng trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều chính sách để người điếc được hưởng các quyền lợi của mình và được đối xử công bằng, nâng cao nhận thức của xã hội. Tuy nhiên, việc này phải làm từng bước và cần nhiều thời gian hơn” Tú chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc (tỉnh Đồng Nai), hiện nay số lượng người điếc tốt nghiệp đại học ở nước ta còn rất ít và chưa thể thống kê được số lượng chính xác. Bà Hòa cũng cho biết thêm, hiện nay người điếc thường chỉ học đến lớp 5 hoặc lớp 9 rồi chuyển sang học nghề và làm những công việc lao động chân tay. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hoá giữa người điếc và người nghe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.