Hành trình phi thường của VĐV Paralympic mất cả tứ chi vì bệnh do não mô cầu

06/09/2024 08:00 GMT+7

Mất hai tay và hai chân sau khi mắc bệnh do não mô cầu ở tuổi 24, cuộc đời chàng trai trẻ Davide Morana bỗng rẽ ngang. Vượt qua khủng hoảng, anh đã tìm đến môn thể thao điền kinh và lần lượt chinh phục các giải đấu lớn.

Năm 24 tuổi, trong kỳ thực tập tại Tây Ban Nha, chàng trai người Ý Davide Morana bỗng cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, sốt. Davide chỉ nghĩ rằng mình bị cúm nhưng các cơn đau đầu ngày càng dữ dội hơn kèm theo các vết tử ban nổi khắp người. Nhập viện, Davide được chẩn đoán mắc bệnh do não mô cầu nhóm C, nhóm vi khuẩn mà anh chưa từng tiêm ngừa.

Bác sĩ phải cắt cả hai tay và hai chân của Davide để giữ lấy mạng sống. Sau khi xuất viện, anh bắt đầu cuộc sống mới với cánh tay và chân giả. Anh mất 4 tháng để làm quen các bộ phận mới này - phần mà Davide phải sống cùng đến suốt cuộc đời.

Davide trong một buổi tập luyện. Nguồn: Instagram nhân vật

Davide trong một buổi tập luyện

Nguồn: Instagram nhân vật

Davide chia sẻ: "Tôi đã không được tiêm ngừa nên không được bảo vệ trước căn bệnh do não mô cầu. Sau những gì đã trải qua, tôi khó tưởng tượng tương lai thế nào dù gần hay xa. Tôi tận hưởng mỗi ngày như là ngày đầu tiên và cuối cùng tôi tồn tại".

Đứng lên trên đôi chân mới, Davide tìm đến thể thao và trở thành vận động viên điền kinh. Anh cho biết thể thao đóng một phần quan trọng với mình. Chính sự kỷ luật trong thể thao đã giúp anh tập trung để vượt qua các thách thức, tiến về phía trước và hướng đến mục tiêu mới.

Sự cố gắng của Davide đã nhận được quả ngọt. Năm 2021, anh vô địch giải chạy quốc gia cự ly 100 mét và vô địch cự ly 100 mét và 200 mét vào năm 2022. Năm 2024, anh tiếp tục đại diện nước Ý tại Paralympic 2024, diễn ra tại Pháp tháng 8.2024.

Không dừng lại ở đó, Davide còn là đại sứ của Hiệp hội chống viêm màng não Tây Ban Nha, anh tích cực dùng mạng xã hội để truyền cảm hứng cho các vận động viên khác và những người sống sót sau bệnh do não mô cầu. Thông điệp mà Davide luôn hướng đến là hãy tiêm ngừa để chống lại bệnh do não mô cầu.

Davide Morana (phải) và 2 vận động viên tham gia phất lên lá cờ nhằm nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não. Nguồn: Sanofi

Davide Morana (phải) và 2 vận động viên tham gia phất lên lá cờ nhằm nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não

Nguồn: Sanofi

Năm 2023, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết đẩy lùi bệnh do não mô cầu, Quỹ nghiên cứu về bệnh do não mô cầu, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh do não mô cầu (CoMO) và Sanofi đã ra mắt lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. Davide Morana đã đồng hành cùng với hai động viên từng mắc bệnh do não mô cầu gồm Ellie Challis (Anh) và Théo Curin (Pháp) phất lên lá cờ, biểu tượng đầu tiên trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về bệnh này. Ellie Challis mắc bệnh khi chỉ mới 16 tháng tuổi còn Théo Curin bước lên năm 6 tuổi.

Theo các bác sĩ, bệnh do não mô cầu lây qua đường hô hấp và có thể gây các biến chứng nặng nề như: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim... Trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh thường gặp, diễn tiến đột ngột và có thể dẫn tới tử vong trong 24 giờ.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng và giống bệnh do các tác nhân thông thường như nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… khiến bệnh dễ bị chẩn đoán sai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 2 người mắc bệnh do não mô cầu không điều trị kịp thời sẽ có 1 người tử vong.

Mặt khác, dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, từ 5-15%. 5 người sống sót sau bệnh do não mô cầu thì 1 người phải chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…

Thanh thiếu niên sinh hoạt trong môi trường đông đúc có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh do não mô cầu. Nguồn: Freepik

Thanh thiếu niên sinh hoạt trong môi trường đông đúc có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh do não mô cầu

Nguồn: Freepik

Thanh thiếu niên được xem là một trong những nhóm nguy cơ cao mắc bệnh và gặp biến chứng nặng do thường sinh hoạt trong môi trường đông đúc như trường học, ký túc xá…

Một nghiên cứu năm 2010 đã phân tích gộp 89 nghiên cứu từ 28 quốc gia và cho thấy thanh thiếu niên là nhóm người lành mang trùng não mô cầu cao bậc nhất, trong đó 23,7% ở độ tuổi 19.

Theo nghiên cứu đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trong số bệnh nhân tử vong do não mô cầu xâm lấn, 48% là thanh thiếu niên. Ở Úc, Canada, châu Âu, New Zealand và Mỹ, thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc não mô cầu cao hơn 1,5 đến 3 lần so với nhóm dân số chung.

Những năm qua, nước ta cũng ghi nhận nhiều ca bệnh do não mô cầu xảy ra ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Các dữ liệu về số ca mắc viêm màng não do não mô cầu tại Việt Nam từ tháng 7.2016 - 12.2022 cho thấy thanh thiếu niên và người trưởng thành chiếm số lượng lớn. Có thống kê cho thấy 2 nhóm này chiếm 60% số ca bệnh do não mô cầu. Và nam giới chiếm phần lớn số ca so với nữ giới.

Thanh thiếu niên cần tiêm vắc xin não mô cầu đủ liều, đúng lịch. Ảnh: Freepik

Thanh thiếu niên cần tiêm vắc xin não mô cầu đủ liều, đúng lịch

Các chuyên gia truyền nhiễm khuyến cáo vắc xin là cách chủ động phòng ngừa hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, giúp đẩy lùi bệnh do não mô cầu ở thanh thiếu niên cũng như các độ tuổi khác. Hiện Việt Nam có 3 loại vắc xin phòng 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu nguy hiểm gồm vắc xin phòng nhóm A, C, Y, W-135 của Mỹ, nhóm B của Ý và nhóm B, C của Cuba. Trong đó, vắc xin cộng hợp tứ giá A, C, Y, W-135 phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính C, Y và W-135.

Khi tiêm ngừa, các chuyên gia nhấn mạnh cần tiêm đủ liều, đúng lịch và phòng ngừa đầy đủ cả 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu để cơ thể được bảo vệ toàn diện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.