Có đến 2/3 dân số Á châu và Úc châu ăn trầu. Toàn bộ Ấn Độ, toàn bộ Đông Dương, toàn bộ cư dân các đảo Sonde, bất kể họ thờ phượng Brahma, đức Phật, thánh Allah hay Jésus, bất kể người Cáp-ca hay người Mông Cổ, bất kể giới tính và tuổi tác, đều có thói quen nhai trầu hằng ngày.
Miếng trầu bao gồm các thành phần sau: một lá trầu bà tiêu, một miếng cau (một số dân tộc dùng cả quả cau dại), và cuối cùng là một chút vôi từ vỏ sò, trắng cho người nghèo, hồng cho người giàu. Vôi được quết lên lá trầu, lá bọc miếng cau; và thế là chỉ cần bỏ vào miệng. Vôi hồng là mặt hàng buôn bán quan trọng giữa Xiêm La và Nam kỳ, đặc biệt ở Hà Tiên; có vẻ như người chế vôi đã thêm nghệ vào để có màu sắc đẹp. Ngoài 3 nguyên liệu này, vài người tinh tế hơn, nhất là người Ấn, thường thêm vào chút thuốc lá…
Thói quen này có lẽ cũng có một vài điểm hữu ích, như giảm cơn khát và làm sạch miệng của người hay ăn cá, nhưng lại có bất tiện lớn là gây hỏng răng, mục răng, thối rữa và bào mòn chúng, nhuộm đỏ niêm mạc miệng và buộc người ta luôn phải nhổ ra một thứ nước đỏ quạch rất kinh tởm. Trên hết đó là hậu quả đáng tiếc của việc dùng vôi và do thói quen ít chăm sóc răng miệng của người An Nam. Người Ấn Độ dù cũng nhai trầu nhiều nhưng lại có hàm răng rất trắng. Người An Nam ở tầng lớp cao, nhất là giới trẻ, ít có thói quen ăn trầu hơn.
Đối với thuốc lá, trong khi người Trung Hoa hầu như chỉ hút xì gà và tẩu thì người An Nam lại ưa thuốc dạng điếu hơn: giấy cuốn rất dày, và thuốc có mùi đặc biệt rất dễ nhận biết. Ngon nhất là thuốc Long-tanh [?], người ta đồn rằng một trong những cách chế biến nó là rưới nước tiểu trâu: Tôi không chắc lắm; nhưng điều chắc chắn là hiếm có người Âu châu nào hút thuốc này.
[...] Trong số những công trình mới và thú vị, phải kể đến vườn Bách thảo rất đẹp nằm về phía đông của Sài Gòn. […]. Một cánh đồng mênh mông, xen lẫn với ruộng lúa và được gọi là Đồng mả mồ (Plaine des Tombeaux), trải dài đến tận gần vườn bách thảo này. Nơi đây đã diễn ra những trận giao tranh dẫn đến việc Nam kỳ lục tỉnh rơi vào tay người An Nam cách đây chưa đầy một thế kỷ, và sau đó rơi vào tay người Pháp. Tên của cánh đồng này xuất phát từ những mồ mả nổi lên chi chít và sự đồng nhất, trải dài bao la của nó; dù đơn sơ hay tráng lệ thì những lăng tẩm này cũng rất xứng đáng để nghiên cứu. Được xây bằng gạch hoặc đắp đất, mồ mả này phủ một lớp như thạch cao hoặc bê tông và sơn quét nhiều màu sặc sỡ với hình muông thú, cây cỏ cũng như tên và chức danh của người đã khuất.
Trên cánh đồng này, một hôm tôi đã chứng kiến lễ mai táng của người An Nam; những lễ này luôn được tiến hành với một sự xa hoa nhất định và người chết được một đám đông đưa tiễn. Quan tài được đặt trong một ngôi nhà nhỏ bằng giấy di động, sơn phủ những màu sặc sỡ nhất, và cắt tỉa nhiều hình thù kỳ lạ. Khoảng 20 phu đòn khiêng ngôi đền bé xíu này đi bằng những cây tre kê trên vai nâng đỡ tòa nhà. Những người mang đuốc và giấy vàng, giấy bạc vừa cầu nguyện đức Phật vừa châm lửa đốt trên đường đưa tang. Theo sau quan tài là đoàn người gồm thân nhân và bằng hữu; một vài trong số ấy thốt ra những lời ai oán miễn cưỡng trong khi che tay áo lại cười, bởi lẽ dân tộc này không dễ cảm động sâu sắc tới mức ngưng cười đùa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào tâm trí họ cũng lập tức tóm lấy khía cạnh hài hước.
Một lăng mộ có phong cách tương tự lăng mộ ở Đồng mả mồ, nhưng đáng để tham quan hơn nhiều, đó là lăng của đức Giám mục d'Adran, người đã để lại những dấu ấn bất diệt tại Nam kỳ. Lăng của ngài không xa Sài Gòn, và gần lộ đi Gò Vấp. Tượng đài này, bởi nó xứng được gọi là tượng đài, có tường bao và lính gác sẽ mở cho du khách tham quan. Những bức bích họa kỳ lạ nhất do các nghệ sĩ An Nam vẽ, điểm tô cho bức tường; tôi vẫn nhớ một con cọp lớn với thân hình màu vàng rực rỡ, vằn đen và trừng trừng với hai con mắt lớn bằng thủy tinh tráng men. Một tấm bia lớn viết chữ Hán, cho biết chức vụ và công lao của Đức Giám mục đang yên nghỉ ở mảnh đất mang nợ ông rất nhiều.
Tôi còn thấy ở đó vài con tắc kè, trông như những vị thần canh giữ. Sống trong rừng, trong đống đổ nát, trong nhà người An Nam, người Pháp, loài thằn lằn lớn này rất phổ biến ở Nam kỳ, là một trong những động vật mang lại cho hệ động vật của xứ này nét đặc trưng khó lẫn. (còn tiếp) t
(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ Voyages en Cochinchine của Albert Morice - Thư Nguyễn chuyển ngữ)
Bình luận (0)