TNO

Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang

02/04/2013 07:45 GMT+7

Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang 1
Phiên bản hủ tiếu khô óng ánh màu nước chan 

Tự nhận món ăn mình phục vụ là "nguyên bản" luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là với dòng hủ tiếu tương đối phổ biến trong đời sống ẩm thực Sài Gòn như hủ tiếu Nam Vang. Tuy nhiên những dữ kiện của phiên bản hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum đã gợi mở rất nhiều điều lý thú về món ngon này.

Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Việt Nam đã bị lai tạp ít nhiều. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản chỉ có thịt heo bằm và xắt miếng, ăn kèm với xà lách và giá sống (cùng một chút đường) thì khi phiêu bạt theo làn sóng người Tiều gốc Việt về Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang đã thay đổi khá nhiều về hình thức. Nếu như phần nhân bổ sung thêm gan, tim, tôm, trứng cút... thì phần rau ăn kèm cũng phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ. Tuy khác biệt là vậy nhưng chung quy hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Sài Gòn có phần ngon hơn cũng như phù hợp với khẩu vị địa phương, nên có lẽ cũng không ai thắc mắc về những thay đổi này.

Theo như đầu bếp Ty Lum thì món hủ tiếu đầu tiên ra đời vào khoảng năm 1920 tại Bết-Chan, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Nam Vang 19km do một gia đình người Tiều từ Trung Hoa sang lập nghiệp sáng chế ra. Rồi sau đó chuyển về WEN - Thành vua (một liên doanh Pháp - Hoa) và mở thêm một quán mới đặt tên là La Pagode tại thủ đô Phnompenh.

Ty Lum vốn là con của một gia đình Việt kiều ở Nam Vang (cách gọi khác của thủ đô Phnompenh). Sau khi học hết trung học, ông theo học nấu ăn tại một trường lớn chuyên về ngành này và may mắn gặp được một ông thầy người Hoa chỉ cho bài "hủ tiếu". Khi ra trường Ty Lum đứng bếp cho nhà hàng La Pagode trứ danh được 2 năm thì được thu dụng vào Hoàng cung, và trong đó món điểm tâm hủ tiếu Nam Vang được chính Ty Lum phục vụ.

Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang 2
Tô hủ tiếu Ty Lum có thêm chả cá, tôm, tim, gan và trứng cút 

Khi hồi hương, Ty Lum sinh sống bằng nghề buôn quạt máy, rồi sau đó ra Nha Trang mở lò sấy mực khô cung cấp cho các nhà hàng. Cũng nhờ đi khắp nơi nên ông phát hiện Sài Gòn còn thiếu một quán hủ tiếu Nam Vang "đạt chuẩn", tức là tuy có thay đổi cho phù hợp với khẩu vị địa phương nhưng vẫn phải giữ được chất lượng nguyên thủy của món hủ tiếu này. Nước súp phải rất trong, ngọt nhờ vào xương hầm chứ không phải bột ngọt.

Khi mở tiệm hủ tiếu đầu tiên tại ngã tư Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt (quận 05), Ty Lum đã cải tiến thêm phần nhân với miếng chả cá, tim, gan cũng như trứng cút. Thú vị nhất là cọng hủ tiếu được đặt riêng của quán, ăn dai, mịn mà không bị chua. Rồi đến phần tỏi phi thơm lừng chan trên bề mặt tô hủ tiếu, nhất là ở phiên bản khô. Khi trộn đều tất cả lên rồi nêm nếm với chanh, ớt và tỏi chua mới thấy hết vị ngon của món ăn này. Đặc biệt phần nước súp được giữ lại như nguyên bản với vị ngọt đậm mà thanh.

 

Đã đến Phnompenh và thử qua món hủ tiếu nơi đây, tôi vẫn thấy không đâu ăn hủ tiếu Nam Vang ngon như... Sài Gòn. Có lẽ từ những "can thiệp" thú vị của các đầu bếp tài hoa tụ hội từ tứ phương đã mang lại nét độc đáo cho món hủ tiếu Nam Vang ngay tại Sài Gòn, hình thành nên một xu hướng thưởng thức hết sức đặc biệt của món ngon này.

P.V

 Hành trình thú vị của một phiên bản hủ tiếu Nam Vang 3
Hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum
CN1: 93 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 07, quận 05
CN2: 60 Thành Thái, phường 12, quận 10
CN3: 315 Lê Văn Sỹ, phường 01, quận Tân Bình
CN4: 504 Cách Mạng Tháng 08, phường 11, quận 03
Mở cửa: sáng từ 6h đến 12h30, chiều từ 4h đến 10h30
Giá: Tô thường (45.000đ), tô lớn (55.000đ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.