Đi châu Phi có một chuyện rất đặc thù. Đó là chuyện chích ngừa. Theo yêu cầu, bất kỳ ai đến châu Phi cũng phải tiêm ngừa thương hàn và sốt vàng. Sau khi giải quyết những "trục trặc" liên quan đến việc này, tôi cùng đoàn đại biểu Việt Nam lên đường sang Kenya. Sau 2 lần quá cảnh "vật vã" ở Bangkok và Dubai với hơn 12 giờ ngồi trên những chiếc máy bay khác nhau, chúng tôi đặt chân đến Nairobi, nơi được mệnh danh là "thành phố xanh dưới nắng mặt trời".
Nairobi đón chúng tôi với ánh nắng gay gắt vào ban trưa. Chúng tôi được đưa đến nhà khách NIBS, cách nơi diễn ra lễ khai mạc 15 cây số. Giá phòng 50 USD/đêm, nhưng trang bị hết sức "đơn giản": một giường, một tủ gỗ, một bàn, một ghế và một nhà vệ sinh trong một diện tích khoảng 8m2. Điện đóm chập chờn, còn nước thì quá yếu. Hàng chục ngàn người từ hơn 100 nước kéo đến Nairobi trong dịp WSF đã tạo áp lực lên số lượng phòng nghỉ ở đây, khiến các tổ chức tài trợ cho đoàn phải tìm đến nhà khách NIBS, nơi được coi là có giá thuê phòng "mềm" nhất.
Đại diện Việt Nam tham gia diễn đàn (Ảnh: CTV)
Ngày 20.1 là ngày khai diễn chính thức của WSF. Một biển người mặc áo thun hô to khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ chống đói nghèo, chống bóc lột trẻ em, bảo vệ môi trường, quyền phụ nữ trong cuộc diễu hành trên quãng đường hơn 3 cây số từ Kibera, khu ổ chuột lớn nhất thế giới, đến Công viên Uhuru. Đoàn VN trong trang phục áo thun in hình quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội nón tai bèo.
Tại lễ khai mạc, giới hoạt động xã hội đến từ khắp nơi đã lên sân khấu để phê phán các chính sách làm tăng nghèo đói ở các nước Thế giới thứ ba. Trong bài phát biểu của mình, ông Chico Withaker, thành viên của Hội đồng quốc tế WSF và được coi là cha đẻ của WSF, tuyên bố: "Thế giới chúng ta muốn có là thế giới không có sự thống trị của phương Tây mà là sự tôn trọng, là thế giới không có những khoản nợ tăng cao từ sự thống trị này". Ông khẳng định WSF là dịp để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và để cùng bàn bạc những cách thức nhằm làm cho "một thế giới khác là có thể" như mục tiêu của diễn đàn. Vấn đề tự do cho người Palestine, HIV/AIDS cũng được các diễn giả đề cập đến.
Giống như những gì chúng tôi chứng kiến trên đường diễu hành, những người châu Phi tham dự lễ khai mạc đều nhảy múa tưng bừng để hưởng ứng những tiết mục văn nghệ sôi động trên sân khấu xen giữa những phát biểu của các nhà hoạt động xã hội. Những trang phục, điệu nhảy na ná nhau khiến chúng tôi không thể phân biệt đâu là người Kenya, người Tanzania, người Congo. Đó có thể là một sự tương đồng về văn hóa của lục địa đen.
Các cuộc hội thảo trong khuôn khổ WSF diễn ra vào ngày hôm sau. Trước khi tỏa đi tham gia các cuộc hội thảo thuộc ngành nghề của mình (đoàn VN quy tụ nhiều cơ quan, hiệp hội khác nhau), các thành viên của đoàn VN cùng nhau bài trí cho gian hàng giới thiệu những hình ảnh về VN, các thành tựu kinh tế xã hội, quan hệ giữa VN với các nước châu Phi và những đồ lưu niệm...
Hiếm khi đến được đất châu Phi nên chúng tôi đã tranh thủ chụp ảnh những người của lục địa đen tham dự diễn đàn. Bởi nhiều người trong số họ coi đây vừa là dịp để nói lên tiếng nói của mình, vừa là dịp để trình diện những bộ trang phục truyền thống rất lạ mắt. Có những bức ảnh rất đẹp, rất độc đáo mà tôi cố gắng chụp và chép vô máy tính để lưu giữ. Không ai ngờ rằng chúng lại nhanh chóng biến mất ngay vào ngày hôm sau.
(Còn tiếp)
Trùng Quang
(viết tại Nairobi)
Bình luận (0)