Hành trình trở thành chuyên gia Liên Hiệp Quốc

Hà Ánh
Hà Ánh
11/02/2024 06:10 GMT+7

Trần Khánh Hà đã trải qua hơn 3 năm của quá trình dự tuyển để chính thức trở thành một chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Anh đã góp một phần cho sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ việc làm của tổ chức quốc tế này.

HỌC TRƯỜNG CHUYÊN VÀ… BỊ BUỘC THÔI HỌC

Trần Khánh Hà (40 tuổi), hiện là chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Từ tháng 1.2019, anh sang Ethiopia làm việc tại Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Phi (UNECA). Sau đó, anh chuyển sang Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) chi nhánh Thái Bình Dương tại Fiji từ tháng 9.2021 đến nay.

Hành trình trở thành chuyên gia Liên Hiệp Quốc- Ảnh 1.

Anh Trần Khánh Hà

NVCC

Sở hữu một công việc đáng mơ ước của nhiều người nhưng ít ai biết rằng, con đường học hành trước đó của Hà có những ngã rẽ và sự bắt đầu khác thường. Hà vốn là cựu học sinh ban A (toán, lý, hóa) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Với thế mạnh về khoa học tự nhiên, anh đã chọn thi vào Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Với điểm giỏi trong kỳ thi tuyển sinh, Hà đã trúng tuyển và còn nhận được học bổng tuyển sinh đầu vào của trường.

Nhưng chỉ sau học kỳ đầu tiên, Hà làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập để tập trung vào việc học tiếng Anh. Từ một học sinh chuyên ban A chỉ đạt 6,5 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau 6 tháng anh đã lấy được chứng chỉ IELTS 6.0. Rồi đầu năm thứ 2, Hà trở lại trường học tiếp nhưng không tham dự kỳ thi kết thúc học phần vì đã lựa chọn một hướng đi mới là du học. Hà kể: "Quyết định đi du học nhưng không xin dừng học, cũng không đến trường xin rút hồ sơ. Sau các đợt cảnh báo học vụ vì không có điểm, theo quy định học vụ, mình nhận được thông báo bị buộc thôi học".

Kể thêm về quyết định du học, anh nói: "Ban đầu mình không có ý định đi du học, một phần vì gia đình không có điều kiện. Nhưng thời điểm vào ĐH, điều kiện kinh tế gia đình đã tốt hơn. Mình cũng một phần bị thôi thúc bởi bạn bè khi trong lớp khoảng 50 người mà có tới hơn 30 bạn đang học tập ở nước ngoài". Cuối cùng, Hà đã trở thành sinh viên ngành khoa học máy tính và thông tin tại Trường ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand).

Năm 2006, sau khi hoàn thành chương trình đại học, Hà về nước và trở thành lập trình viên cho Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential. Hai năm sau đó, một lần nữa anh lại có quyết định dừng việc đang làm để học cao hơn. Năm 2009, sau khi hoàn thành chương trình MBA tại ĐH RMIT Việt Nam, Hà đi du lịch nửa năm rồi gia nhập Tổng công ty Bến Thành với vai trò quản lý công nghệ thông tin, chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin của công ty. 10 năm làm việc tại đây, anh trải qua thêm một số vị trí liên quan đến marketing, phát triển chiến lược…

QUÁ TRÌNH TUYỂN DỤNG KÉO DÀI 3 NĂM

Đầu năm 2014, Hà tình cờ đọc được bài chia sẻ của một người bạn về cơ hội việc làm với tên gọi "Chương trình chuyên gia trẻ Liên Hiệp Quốc" (UN YPP). Chương trình dành cho ứng viên ở các nước mà sự hiện diện của quốc gia đó "trên bản đồ" việc làm của Liên Hiệp Quốc không có hoặc rất ít. Thời điểm đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách cần được bổ sung. Đúng với yêu cầu vị trí cần tuyển về công nghệ thông tin, Hà đã quyết định thử sức dù biết sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

Hành trình trở thành chuyên gia Liên Hiệp Quốc- Ảnh 2.

Anh Trần Khánh Hà khi làm việc tại Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Phi (UNECA) ở Ethiopia

Đúng như dự đoán, anh đã phải trải qua nhiều vòng của quá trình dự tuyển. Vòng đầu tiên, ứng viên tạo hồ sơ trên trang trực tuyến của Liên Hiệp Quốc. Chỉ từ vòng lọc hồ sơ, mỗi nước có trung bình xấp xỉ 200 hồ sơ hợp lệ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm đó, toàn thế giới có khoảng 50.000 hồ sơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà cùng với hơn 100 người khác của Việt Nam đã nhận được lời mời dự thi tập trung ở vòng 2. Vào tháng 12.2014, anh bay ra Hà Nội tham dự kỳ thi tập trung toàn thế giới được tổ chức theo giờ Mỹ, cùng đề cùng đợt và kéo dài hơn 4 tiếng từ 9 giờ tối đến hơn 1 giờ sáng hôm sau. Tất cả bài thi vòng 2 sau khi được niêm phong và đưa về New York (Mỹ) chấm để chọn ra khoảng 600 người vào tiếp vòng 3, trong đó có Hà.

Tiếp đó, vòng phỏng vấn cuối cùng đã diễn ra vào năm 2015. Cuộc phỏng vấn trực tuyến kéo dài 30 phút về các kỹ năng thành thạo công việc, anh đã được 4 giám khảo đánh giá cao. Mấy tháng sau đó, anh nhận được thông báo là một trong số 13 người thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được Liên Hiệp Quốc tuyển dụng làm việc.

Tuy vậy, anh Hà cho hay: "Quy trình tuyển dụng ứng viên đã xong nhưng mình vẫn chưa phải là nhân viên chính thức của Liên Hiệp Quốc. Theo quy trình của tổ chức, danh sách các ứng viên được tuyển dụng có hiệu lực trong vòng 2 năm. Việc bố trí việc làm sẽ lần lượt theo nhu cầu thực tế của tổ chức. Sau 2 năm nếu ứng viên chưa được bố trí, kết quả tuyển dụng bị hủy và ứng viên cần tham gia lại từ đầu quy trình tuyển dụng". Sau 2 năm chưa được bố trí việc làm, Hà tưởng chừng mọi thứ chỉ dừng lại như suy nghĩ "thử sức" ban đầu. Nhưng rồi may mắn đã mỉm cười, kết quả được gia hạn thêm 1 năm và Hà đã được Liên Hiệp Quốc "gọi tên" vào năm 2018.

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN NHẬN VỀ THẾ GIỚI VÀ GIÁ TRỊ SỐNG

Tháng đầu tiên của năm 2019, Hà chính thức trở thành một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc. Ở đợt tuyển đó, Hà là ứng viên duy nhất của Việt Nam được chọn. Anh cho biết, trong tổng số khoảng 42.000 nhân viên đang làm việc cho tổ chức này, người Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp. "Sự hiện diện của người Việt Nam trong bản đồ việc làm của Liên Hiệp Quốc rất ít. Thời điểm đi châu Phi, mình cũng là người Việt Nam duy nhất ở cấp độ chuyên gia Liên Hiệp Quốc tại UNECA", Hà thông tin thêm.

"Rất nhiều" là cụm từ anh Hà dùng để trả lời cho câu hỏi về những điều có được từ công việc hiện tại. Trong vai trò phụ trách quản lý chương trình tại Fiji, hiện anh được trả khoảng 50.000 USD mỗi năm, tức khoảng 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh được tổ chức hỗ trợ 80% học phí cho các con, mỗi 2 năm cả gia đình được tài trợ chuyến đi khứ hồi về Việt Nam. Nhưng đó không phải là tất cả, mà theo anh: "Mình sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này bởi tính chất phụng sự quốc tế của nó".

Chia sẻ thêm về công việc đang làm, anh cho biết như đúng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, công việc nhằm tăng cường phát triển kinh tế bền vững, gìn giữ và thúc đẩy văn hóa, giảm đói nghèo, tăng cường quyền con người, quyền bình đẳng giới… Những mục tiêu này, bản thân anh trước đây ít quan tâm đến. Nhưng với công việc hiện tại, cách nhìn nhận của anh về thế giới, về các giá trị sống đã thay đổi.

Ví dụ đơn giản nhất cho sự thay đổi, chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói: "Trước đây khi chưa đến châu Phi mình có thể nghĩ đó là châu lục nghèo, khí hậu nóng, nhiều người da đen… Nhưng khi đến đó, mình mới biết họ rất đa dạng về văn hóa, về màu da và khí hậu có những vùng phủ đầy tuyết. Rồi đi nhiều, mình thấy Việt Nam dù chưa phát triển mạnh nhưng là điểm đến tuyệt vời so với nhiều nơi trên thế giới. Không đi, chắc chắn mình không có sự thay đổi nhận thức về cả thế giới như vậy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.