Sau trạm kiểm soát thứ 2, thị xã Chernobyl hiện ra trước mặt chúng tôi. Đó là một nơi bình yên, với nhiều cây xanh, những con phố nhỏ và vô số nhà bỏ hoang, vốn từng là nhà của người dân, công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân cách đấy gần 20 km về phía tây bắc. Sau thảm họa 1986, tất cả đã được sơ tán, nhường những ngôi biệt thự, tòa chung cư, nhà biệt lập và hàng quán cho cây cỏ.
Chernobyl hôm nay không hẳn là một thành phố ma. Thi thoảng, chúng tôi gặp những người đạp xe, đi bộ trên những con đường rợp bóng bạch dương; hay một vài người thấp thoáng trong những ngôi nhà cũ. “Họ là công nhân. Có khoảng 2.000 người đang làm việc trong khu phong tỏa, một số ở lại qua đêm, số khác đi về hằng ngày. Một cách chính thức thì ở đây không có dân cư thông thường”, chàng hướng dẫn viên tên Mark giải thích.
Tiếng chuông ban trưa
Băng qua quảng trường có tượng đài Lenin màu trắng, chúng tôi tới trước cổng một nhà thờ Chính thống giáo. “Đây là cơ sở tôn giáo duy nhất còn hoạt động tại Chernobyl”, Mark bảo thế, trong khi gọi cổng. Mở cổng cho chúng tôi là một phụ nữ ngoài 50, dáng đẫy đà.
|
Ngôi nhà thờ nhỏ nằm trong khuôn viên rộng và đầy hoa này có một lịch sử đáng tự hào nhưng cũng lắm bể dâu. Giáo đường Thánh Elijah được xây từ thế kỷ 16, đã nhiều lần bị phá hủy vì chiến tranh và hỏa hoạn. Khi thảm họa hạt nhân xảy ra vào tháng 4.1986, nó bị đóng cửa.
Nhưng cho dù có trải qua thảm họa hạt nhân, Chernobyl cũng không vì thế mà bị bỏ hoang hoàn toàn. Con người cần phải có mặt để xử lý ô nhiễm và vận hành các lò phản ứng còn lại cho đến ngày ngưng hoàn toàn vào năm 2000, theo cam kết của Tổng thống Leonid Kuchma. Với sự có mặt của con người, nhà thờ Thánh Elijah đã mở cửa trở lại vào năm 1994, làm chỗ dựa tâm linh cho lực lượng nhân sự tại Chernobyl thời hậu thảm họa. Nhà thờ không có ban bệ, chức sắc rườm rà, chỉ có một bà đẫy đà trông coi, phụ trách luôn cả việc tiếp khách và bán bưu thiếp kể từ khi vùng cấm mở cửa cho người ngoài tham quan. Buổi trưa, bà dẫn chúng tôi vào bên trong giáo đường. Những người Nga và Ukraine thắp nến, nguyện cầu trước Chúa của họ. Tiếng chuông vang lên, càng làm cho buổi trưa Chernobyl thêm thanh bình, như chưa hề có thảm họa kinh khiếp xảy ra.
Tôi mải đứng ngắm những bức bích họa, tượng trong giáo đường. Bên cạnh hình ảnh Chúa và các vị thánh của Chính thống phương đông, tôi gặp một bức bích họa mà anh chàng người Nga bảo rằng có tên là Cứu rỗi Chernobyl. Những vị thánh, thiên thần trong bức tranh là các chiến sĩ cứu hỏa đã hy sinh và những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa của 26 năm về trước. “Họ đã hy sinh vì nơi này, vì thế họ xứng đáng được tôn vinh”, người bạn đồng hành Yushev bảo thế.
Xung quanh ngôi giáo đường bé nhỏ, tôi cũng gặp nhiều huyền thoại. Người phụ nữ đẫy đà kể rằng, trong suốt thời gian sau thảm họa, khu vực quanh nhà thờ Thánh Elijah chưa bao giờ bị nhiễm phóng xạ nặng. “Lượng phóng xạ nơi đây thậm chí còn thấp hơn ở Kiev”, cô hướng dẫn viên Elena phụ họa. Người ta còn nói rằng, sở dĩ thị xã Chernobyl sống được, tức ít nhiễm xạ, cũng là nhờ nhà thờ Thánh Elijah. Tôi từng gặp những phiên bản tương tự. Ấy là khi đi dọc vùng duyên hải miền nam Sri Lanka sau trận sóng thần cuối năm 2004, gã tài xế Anton Haleem, một tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã, cứ khăng khăng với tôi rằng sóng dữ đã phá hủy hầu hết nhà cửa, nhưng lại luôn tránh các công trình tôn giáo. Tôi không biết thực hư trong những câu chuyện đẫm chất tâm linh này thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng niềm tin luôn là thứ người ta cần nhất trong cơn hoạn nạn, để còn nghị lực hướng về phía trước.
Những cuộc trở về
Chia tay giáo đường vắng, chúng tôi tới siêu thị. Gọi siêu thị cho có vẻ hoành tráng, thực ra chỉ là một cửa hàng tạp hóa, mà từ bên ngoài nhìn vào bạn sẽ tưởng đấy là một ngôi nhà bị bỏ hoang. Chị bán hàng trạc 40 tuổi, rất mập. Sau khi đi nhiều nơi ở Ukraine, tôi đã có một đúc kết cho riêng mình. Đó là con gái xứ sở này rất xinh đẹp, nhưng lại “phát tướng” rất nhanh khi qua tuổi 30. Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì.
“Chị bán hàng này và người phụ nữ trong nhà thờ cũng là công nhân à?”, tôi thắc mắc với Mark. Anh chàng đáp: “Cũng có thể coi như vậy. Thực ra, ngoài công nhân, trong vùng cấm còn có một số người dân sinh sống. Họ đa phần là người già nhớ nơi chôn nhau cắt rốn nên cưỡng lại lệnh cấm của chính quyền. Họ sống bằng trợ cấp và chính quyền cũng du di cho họ”.
Trên đường phố Chernobyl, chúng tôi đã gặp một vài người như thế. Họ rất già và cô đơn. Có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác là sống với quá khứ. “Tôi trở về gần 10 năm rồi. Người ta bảo ô nhiễm phóng xạ rất nguy hiểm, nhưng tôi chẳng thấy bệnh tật gì. Khó khăn chính chỉ là vấn đề kinh tế”, người phụ nữ già mà tôi gặp ở cửa hiệu tạp hóa nói thế, qua phiên dịch của Yushev. Bên trong vành đai cấm, hiện có vài trăm tới vài ngàn người già trở về bám trụ, trong khi con cháu họ đang sống tại Kiev, Slavutych - thành phố mới được lập nên làm nơi tái định cư cho dân trong vùng phong tỏa, hoặc những nơi khác.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi mua nhiều thứ. Những chiếc áo thun có biểu tượng hạt nhân và dòng chữ Chernobyl bằng tiếng Nga hoặc tiếng Ukraine với giá 59 hryvnia (khoảng 150.000 đồng); bưu thiếp in hình nhà cửa bị bỏ hoang, lò phản ứng số 4; chiếc bật lửa có dòng chữ CCCP của một thời dĩ vãng. Chúng tôi cũng trò chuyện với chị bán hàng đẫy đà vui tính.
Mark và Elena thì mua rất nhiều bánh mì. “Thứ này không phải để ăn trưa đâu. Tí nữa anh sẽ biết để làm gì”, Mark tỏ vẻ bí mật. Tôi háo hức chờ điều bí mật của anh chàng được tiết lộ. (còn tiếp)
Đỗ Hùng
>> Hành trình vào vùng đất chết- Kỳ 2: Hiểm họa tiềm tàng
>> Chernobyl hành trình vào vùng đất chết
>> Những vùng đất chết
>> Vùng đất chết của cao su
>> Hồi sinh vùng "đất chết
Bình luận (0)