Hành trình về quê đón Tết Nhâm Dần 2022: Lái xe máy sao cho an toàn?

26/01/2022 19:38 GMT+7

Nhiều bạn trẻ di chuyển bằng xe máy từ thành phố về quê đón tết. Vậy người trẻ nên lái xe máy như thế nào để đảm bảo an toàn?

Trong những ngày cận tết, hàng triệu người bắt đầu cuộc hành hương trở về quê nhà đón tết, trong đó có những bạn trẻ, sinh viên, lao động.

Tại các cửa ngõ, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, số lượng phương tiện tăng đột biến và chen chúc nhau. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm giao thông.

Chẳng hạn, vào ngày 24.1 vợ chồng anh Nguyễn Văn Trữ (37 tuổi) và chị Trần Thị Thảo (34 tuổi, ở thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường, TX. Đức Phổ, Quảng Ngãi) không may qua đời vì tai nạn giao thông trong khi lái xe máy về quê.

Đi xe máy về quê là lựa chọn của nhiều bạn trẻ

Dạ Thảo

Chưa kể, những người đi xe máy trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu rải đinh trên các tuyến quốc lộ. Mới đây, công an P.Tân Tạo (Q.Bình Tân) phải đến các tiệm sửa xe trên địa bàn dọc tuyến Quốc lộ 1 để vận động không rải đinh, vật sắc nhọn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Để có một chặng đường về quê an toàn bằng xe máy, nhiều bạn trẻ đã có những chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân khi về quê trong những ngày cận tết.

Chạy thật chậm, không cần vội

Với nhiều năm chạy xe máy về quê ăn tết, Mai Kiều Oanh (27 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho rằng trước khi khởi hành, những cô gái thường chở theo rất nhiều vật dụng như ba lô, máy móc hay thậm chí là quà tết về cho gia đình nên xe sẽ nặng, khó điều khiển hơn. Vì vậy, cô khuyên mọi người nên để những vật dụng nhỏ phía trước xe máy, còn ba lô hay vali thì nên được buộc chặt ở phía sau xe để có chỗ ngồi thoải mái nhất.

“Khi ra đường lớn như quốc lộ, người điều khiển xe máy nên chạy thật chậm, lưu ý các điểm giao nhau vì nếu đường vắng thì các xe khác dễ phóng nhanh vượt ẩu”, Kiều Oanh chia sẻ.

Đoạn đường từ TP.HCM về quê của Kiều Oanh ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang) chỉ dài khoảng 50 km, nhưng không vì thế mà cô chủ quan. Kiều Oanh thường chọn đường vắng, ít xe, chạy thật chậm.

Còn Phạm Hồng Hải (30 tuổi, ngụ đường Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh) chia sẻ mọi năm anh đều chạy xe máy về quê ở Tiền Giang đón tết. Hải thường khởi hành vào khoảng ngày 26 tháng Chạp và thường chọn đi theo hướng Quốc lộ 1.

Theo kinh nghiệm của Hải, dù đường về nhà có ngắn nhưng bạn trẻ đừng bao giờ ỷ lại vào khoảng cách đó vì luôn có nguy hiểm chực chờ. “Chúng ta phải tuân thủ đúng luật giao thông về tốc độ, biển báo hay đèn tín hiệu, quan sát và giữ cho đầu óc tỉnh táo là điều ưu tiên hàng đầu khi chạy xe máy”, Hải nói.

Theo Hải, người điều khiển xe máy cần có thời gian nghỉ ngơi sau khoảng 30 - 40 phút chạy xe. “Làm như vậy có giúp cơ thể thả lỏng, tỉnh táo hơn trong quãng đường đi tiếp và tránh động cơ xe máy quá tải”, Hải nói.

Bạn trẻ cần lưu ý hơn khi đi xe máy về quê

DẠ THẢO

Chuẩn bị xe máy hoàn hảo nhất

Đó là chia sẻ của Nguyễn Văn Tài (24 tuổi, nhân viên marketing làm việc tại Q.3, TP.HCM) khi bạn trẻ chuẩn bị hành trình dài bằng xe máy về quê đón tết.

Tài cho biết anh trải qua nhiều năm chạy xe máy từ TP.HCM về Đắk Lắk. Theo Tài, điều quan trọng cần phải làm đầu tiên là bảo dưỡng xe, kiểm tra nhớt, thắng, bánh xe và máy xe. “Nếu các bộ phận có vấn đề thì chúng ta phải thay hay sửa ngay lập tức, đồng thời kiểm tra gương chiếu hậu để có tầm nhìn tốt hơn”, Tài lưu ý.

Nhiều bạn chất nhiều đồ lên xe máy khi về quê

DẠ THẢO

“Bước thứ hai là người điều khiển xe máy cần giữ tinh thần, thể trạng thật tốt. Cũng cần chú ý về thời gian di chuyển, tránh đi vào những khung giờ cao điểm, hạn chế đi đường khi trời tối”, Tài chia sẻ thêm. Anh cũng thường ngủ sớm đêm trước để có thể dậy sớm và khởi hành vào lúc khoảng 5 giờ sáng, khi đó đường sá có ít xe cộ di chuyển và thời tiết mát mẻ.

Kế tiếp là việc lên lịch trình đi hợp lý. Tài khuyên các bạn trẻ lưu ý các cung đường, thời tiết... để không bị kẹt xe, lạc đường hoặc gặp những đoạn đường xấu.

Tài thường chọn Quốc lộ 14 để chạy xe máy về quê Đăk Lắk, bởi đường đẹp, không xấu và rộng rãi. Tuy nhiên, trên tuyến đường này, Tài lưu ý có nhiều điểm vắng, khiến mọi người chủ quan “vụt ga tăng tốc”, có nguy cơ không làm chủ tay lái.

“Di chuyển lên địa hình càng cao thì không khí sẽ lạnh dần, bạn nên mặc đủ áo ấm, chuẩn bị mắt kính bảo hộ chống bụi đường. Ngoài ra, người điều khiển xe máy nên kiểm tra lại tất cả giấy tờ tùy thân và bằng lái để tránh bị xử phạt”, Tài cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.