Hành trình 'vượt' điểm đen kẹt xe khổ sở mỗi ngày của người dân Nam Sài Gòn

Phạm Hữu
Phạm Hữu
24/10/2018 09:36 GMT+7

Với nhiều người sống ở khu vực phía Nam TP.HCM nhưng phải làm việc ở trung tâm, mỗi ngày là một hành trình "vượt chướng ngại vật" để thoát khỏi các điểm "đen" kẹt xe.

Khu vực phía Nam TP.HCM gồm các quận 4, 7, 8 và H.Nhà Bè… Những cây cầu chính nối khu Nam với trung tâm gồm cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu Khánh Hội...
Mỗi ngày, vào giờ cao điểm lượng phương tiện từ các quận này đi vào trung tâm khá lớn. Một vài nơi thường xuyên trở thành điểm "đen" kẹt xe của thành phố.
VIDEO: Những tuyến đường độc đạo ở các cửa ngõ TP.HCM
PV Thanh Niên đã ghi nhận một vài ý kiến của người dân đang chứng kiến cũng như đang “trải nghiệm” mỗi ngày về vấn đề kẹt xe ở các khu vực lân cận trung tâm TP.HCM.
Anh Lê Thanh Phong, một công nhân viên chức ngụ ở Q.7 cho biết, anh là "nạn nhân" của tình trạng kẹt xe, ùn tắc tại các cửa ngõ phía Nam vì cơ quan anh nằm ở trung tâm thành phố.
Đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) luôn trong tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm Ngọc Dương
Do trên đường Nguyễn Hữu Thọ có nhiều giao lộ chính, nên lượng xe cắt mặt khá đông tạo nên điểm ùn tắc Ngọc Dương
Theo anh Phong, thời điểm xe ùn tắc nhiều nhất là từ 6 giờ 30 đến khoảng 8 giờ 30 mỗi sáng. Điểm kẹt thường nằm ở các giao lộ kết nối giữa các quận giáp ranh. Cụ thể, có 3 khu chính thường bị kẹt xe là khu vực nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ gần cầu Kênh Tẻ (Q.7), khu vực đường Nguyễn Tất Thành nối dài từ cầu Tân Thuận đến gần cầu Khánh Hội (Q.4), khu vực đường Dương Bá Trạc (Q.8) gần cầu Nguyễn Văn Cừ.
Do đó, để có thể đi đến cơ quan nhanh nhất, anh Phong không còn cách nào khác là đi sớm hơn bình thường. Trên lộ trình di chuyển, anh Phong sợ nhất tuyến đường Nguyễn Tất Thành nên thường chọn đi đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ. Tuy nhiên, đoạn cầu Kênh Tẻ cũng thường xuyên kẹt xe nên có lúc giải pháp tình thế của anh là cho xe chạy thẳng lên lối đi bộ trên cầu dù biết vậy là sai luật. Còn nếu thong thả hơn thì anh đánh vòng, cho xe chạy qua cầu chữ Y cách đó khoảng 2 km.
“Đi như vậy có xa hơn thật nhưng để cho mình không bị mệt mỏi khi phải hít khói bụi, phơi nắng giữa trời khi bị kẹt xe”, anh Phong cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tâm, ngụ ở đường Nguyễn Bá Trạc (Q.8) cho rằng, ông chứng kiến cảnh ùn tắc tại con đường này mỗi  ngày. Đoạn kẹt thường kéo dài từ cầu Nguyễn Văn Cừ đến vòng xoay Trung Sơn vào giờ cao điểm. Với ông Tâm, kẹt xe trên đường không "ngán" bằng kẹt xe trên cầu.
Cầu Nguyễn Văn Cừ luôn trong tình trạng kẹt xe giờ cao điểm Độc Lập
Mật độ giao thông tại khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) gần cầu kênh Tẻ rất đông Ngọc Dương
Ông Tâm cho biết, ở khu vực này vào giờ cao điểm sáng - chiều, hàng ngàn xe cộ từ Nhà Bè, Q.7 đổ xô về phía cầu Nguyễn Văn Cừ để qua Q.1. Vì vậy đoạn đường gần như luôn trong tình trạng quá tải và trên cầu luôn bị kẹt cứng. Bởi các nhánh rẽ từ Q.4 lên cầu gây xung đột với các luồng xe đi thẳng tạo thành điểm kẹt.
“Có khi tôi ở chân cầu bên phía Q.8 chạy qua cầu mà mất đến hơn 15 - 20 phút chứ ít gì. Cây cầu dài có khoảng trăm mét chứ có nhiêu đâu”, ông Tâm thở dài.
"Chịu trận khi bị kẹt xe" là phản ứng bình thường của ông Nguyễn Văn Đạt, ngụ ở H.Nhà Bè vì đoạn đường duy nhất và gần nhất để vào trung tâm của ông là trục Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành.
Khu vực đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) bị ùn tắc kéo dài Độc Lập 
Theo ghi nhận thực tế, vào giờ cao điểm các đoạn đường này tập trung rất đông phương tiện di chuyển. Riêng đường Dương Bá Trạc và cầu Nguyễn Văn Cừ, mật độ xe luôn dày đặc. Ở mỗi giao lộ đều phải có lực lượng chức năng túc trực phân luồng.
Nguyên nhân chính là do ở giữa các giao lộ nhiều xe liên tục quay đầu, đâm ngang để vào các con hẻm, đường nhỏ nên tạo thành điểm ùn tắc cục bộ và kéo dài. Còn đường Nguyễn Tất Thành thường xuyên tiếp nhận lưu lượng xe lớn từ Nhà Bè, Q.7, Q.4 nên luôn trong tình trạng quá tải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.