Hành trình xuyên Đông Dương

27/09/2013 03:05 GMT+7

Chuyến đi mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về tiểu vùng sông Mekong.

Hành trình xuyên Đông Dương
 Du khách Việt Nam tò mò khám phá ngôi đền bí ẩn Wat Phou (Lào) - Ảnh: Hoàng Việt

Người “chín” mới được cưới vợ

Chuyến presstrip này do Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông phối hợp Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức từ ngày 15 - 18.9.2013. Xuất phát từ TP.HCM, qua cửa khẩu Hoa Lư (Việt Nam) nhập cảnh Campuchia, để rồi chiều cùng ngày đoàn du khách chúng tôi thông qua cửa khẩu Dong Clo - Vuon Khame có mặt TP.Pakse (tỉnh Champasak, thủ phủ Nam Lào). Ông Trương Đức Hải - Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông nói vui: “Chúng ta đã lập kỷ lục 1 ngày ở 3 quốc gia: điểm tâm ở Việt Nam, ăn trưa ở Campuchia và ăn tối ở Lào. Hoàn thành hành trình này, trên mỗi passport du khách thu thập đủ 12 con dấu các cửa khẩu từ Việt Nam - Campuchia - Lào - Thái Lan”.

Theo ông Đặng Công Trạng, là hướng dẫn viên du lịch có hai quốc tịch Việt Nam - Lào, điểm chung của 3 quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan là lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Tại Lào, quốc gia có dân số 6 triệu người (số liệu chính thức), công dân đủ 13 tuổi được quyền đi tu (đối với nam giới) và là bắt buộc. Trước đây, thời gian đi tu ít nhất 6 tháng nhưng nay nhà chùa cũng linh hoạt, tùy điều kiện thời gian, công việc mỗi người có thời gian tu khác nhau, có thể tu 3 ngày, 3 tuần, 3 tháng… Người chưa đi tu gọi là người “sống”, dù đã hơn 70 tuổi nhưng chưa đi tu nói chẳng ai nghe, thua cả “đứa trẻ” 13 tuổi đã tu xong. Đương nhiên, người “sống” không được cưới vợ. Khi chàng trai muốn hỏi cưới cô gái nào, cha mẹ cô gái buộc chàng trai phải xuất trình giấy “chứng nhận” do nhà chùa cấp, sau đó mới tính tiếp. Người đã đi tu được gọi là người “chín”. Người “chín” có quyền… cưới vợ, có quyền ra tranh cử và tiếng nói mới có trọng lượng, được xã hội công nhận. Vì thế, ngay cả chủ tịch nước, thủ tướng trước khi tranh cử, bổ nhiệm bắt buộc phải đi tu.

Trước đó, trên hành trình đoàn chúng tôi dừng chân tại Strungtreng (Campuchia), anh Trần Hải Đăng, hướng dẫn viên Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho biết ở Campuchia có phong tục rất thú vị. Nhà nào có con gái đến tuổi lấy chồng hoặc đến tuổi rồi chưa lấy được chồng ở cửa sổ đều treo tấm màn nhỏ màu hồng làm tín hiệu. “Mấy anh muốn lấy vợ Campuchia, cứ nhìn thấy nhà nào có treo tấm màn màu hồng ở cửa sổ thì “tấn công”. Nhưng để ý giùm, tìm tấm màn nào còn mới mới, tấm nào cũ quá, nhào vô coi chừng gặp mấy bà cô 40 - 50 tuổi chưa chồng...”, anh Hải Đăng nói đùa.

Đền chùa ở quốc gia Phật giáo

Chiều ngày thứ ba trong hành trình này, chúng tôi có mặt tại chùa Luang (TP.Pakse), ngôi chùa hơn 300 tuổi, lớn nhất Nam Lào và có Trường cao đẳng Phật giáo nổi tiếng. Chúng tôi nhanh chóng tập trung tại khu vực chánh điện và chắp tay khấn vái trước bàn thờ Phật thỉnh vòng tay may mắn. Du khách xin xăm và nhờ sư giải quẻ, sư khá trẻ chừng 30 tuổi giải quẻ bằng tiếng Anh rất sành sỏi. Cũng hành trình này, du khách có thể viếng chùa ông Từ (tỉnh Ubon Ratchathani, đông bắc Thái Lan), nơi có nhiều người Việt Nam viên tự. Du khách có dịp tận mắt chiêm ngưỡng hòn đá thiêng được truyền miệng mỗi năm cao thêm vài phân. Chùa Wat Noong Bua (cũng tỉnh Ubon Ratchathani) với kiến trúc dát vàng độc đáo và nguy nga cũng là điểm tham quan thú vị.

Ấn tượng nhất của hành trình “4 ngày qua 4 quốc gia” là khám phá đền Wat Phou (Lào) kỳ vĩ và bí ẩn. Đền thờ thần Shiva, là di sản thế giới, xây dựng từ thế kỷ thứ 7, có trước đền Angkor Thom (Campuchia) và Mỹ Sơn (Việt Nam) đến vài thế kỷ. Đền xây bằng đá, đã 13 thế kỷ trôi qua vẫn còn khá nguyên vẹn, dấu ấn thời gian chỉ kịp phủ rêu xanh. Các nhà khoa học đã có phát hiện thú vị, ngôi đền này nằm trong quần thể: Đền Wat Phou - Angkor Thom - Mỹ Sơn, tạo thành tam giác cân, thánh địa Mỹ Sơn là đỉnh tam giác cân này. Liệu có điểm gì chung, trùng hợp ở 3 di tích nổi tiếng này? Bí ẩn ấy vẫn đang chờ du khách Việt Nam khám phá!

Du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của thác nước Khone Phapheng (Lào), thác lớn nhất Đông Nam Á. Sự gãy đổ địa chất đã kiến tạo nên địa hình gãy khúc khiến dòng nước Mekong đang chảy êm bỗng cuồn cuộn, tạo thành các vòng xoáy chảy xiết đủ sức “hút” mất tích những gì vô phúc trôi qua.

Hoàng Việt

>> Du khách gặp nạn tại Lào chưa được bồi thường
>> Chính phủ chỉ thị đảm bảo an toàn cho du khách
>> Triều Tiên 'sẽ đón du khách suốt năm
>> Một du khách Nga bị gãy răng khi được dạy đánh golf
>> Nữ du khách chết trong nhà nghỉ
>> Hăm dọa, hành hung du khách ở chợ đêm Đà Lạt
>> Du khách Mỹ bị đâm chết vì không chịu ngưng hát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.