Lăng kính bạn đọc:

Hành vi “xấu xí”

Tường Vy
(tổng hợp)
15/02/2023 06:42 GMT+7

Không ít vụ đeo bám, chèo kéo khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đã bị báo chí lên án, phản ánh. Thế nhưng, lại xảy ra vụ việc một người đàn ông đánh giày tìm đủ "thủ thuật" để "moi" được tiền của du khách khiến bạn đọc rất phẫn nộ.

Thanh Niên thông tin, câu chuyện xảy ra tại Hà Nội. Theo đó, một người đàn ông đánh giày chạy theo để chèo kéo khách du lịch nước ngoài tại bờ hồ Hoàn Kiếm (Q.Hoàn Kiếm). Khi bị khách từ chối, thay vì tìm người khách khác có nhu cầu, người đàn ông này cố tình dán keo vào đế giày du khách. Vị khách du lịch đã đưa cho người đàn ông 10.000 đồng để mong được yên chuyện, nhưng người đánh giày vẫn quyết không tha, cho đến khi du khách đưa 20.000 đồng cho người đánh giày.

Lăng kính bạn đọc: Hành vi “xấu xí” - Ảnh 1.

Hình ảnh người đánh giày đeo bám, gắn keo vào giày khách du lịch

CHỤP MÀN HÌNH

CHẾ TÀI CHƯA NẶNG ?

"Một hành vi quá xấu xí, lại xảy ra tại điểm du lịch nổi tiếng của cả nước - nơi có rất nhiều khách du lịch, trong đó có không ít khách nước ngoài đến tham quan. Dù dưới góc độ nào, cũng không thể thông cảm được với hành vi của người đánh giày, nhất là ý muốn thực hiện hành động để cuối cùng lấy được tiền của du khách mới chịu dừng", bạn đọc (BĐ) Lam Nguyen nêu ý kiến.

"Cũng qua thông tin trên Báo Thanh Niên, vào cuối năm ngoái (tháng 12.2022), tôi có đọc được thông tin vụ "ăn 4 củ khoai mất 320.000 đồng" liên quan đến một phụ nữ bán hàng ở hồ Gươm (cũng thuộc Q.Hoàn Kiếm). Người bán hàng này tuy không bị xử phạt về hành vi "chặt chém" nhưng đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh - dù bán hàng với giá "trên trời" mới là hành vi bị dư luận lên án mạnh mẽ nhất. Tưởng rằng, những thông tin nêu trên sau khi được công khai sẽ làm cho một số người bán hàng rong, đánh giày có ý thức hơn về việc tuân thủ pháp luật, không chèo kéo, gây hấn với khách du lịch nhưng "mèo vẫn hoàn mèo". Phải chăng, mức chế tài chưa thật nặng, nên nhiều người vẫn cố tình phớt lờ?", BĐ Minh Trí cho biết.

ĐỂ DU KHÁCH THIỆN CẢM

Trở lại câu chuyện của người đánh giày cố tình dán keo vào đế giày du khách và cố vòi tiền, BĐ rất đồng tình vì cơ quan chức năng đã xử phạt người này 2 triệu đồng vì vi phạm quy định trong lĩnh vực du lịch. Thế nhưng, nhiều BĐ cũng đặt nhiều kỳ vọng hơn về ý thức của một số người trong quá trình mưu sinh, không vì lợi ích của bản thân mà góp phần làm mất đi thiện cảm của du khách, đặc biệt du khách quốc tế khi đến với các điểm du lịch nổi tiếng ở VN. Bên cạnh đó, BĐ cũng cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của lực lượng chức năng như: trật tự đô thị, công an…

Có một nguyên tắc "vàng" đối với người kinh doanh, người làm dịch vụ nhưng có vẻ nhiều người đã không chịu theo nguyên tắc này, đó là "hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Một khi đã có hành vi "xấu xí" đối với du khách rồi, tiếng "xấu" cũng theo đó mà được truyền đi rất xa…

Nguyễn Văn Khoa

Tốt nhất, ở những điểm du lịch nổi tiếng, có tính biểu tượng như hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), cơ quan chức năng nên quy định khu vực dành riêng để buôn bán, cung cấp dịch vụ cho du khách, người dân… Còn nếu vẫn để cho nạn đánh giày, hàng rong hoạt động tự phát, sẽ khó tránh khỏi cảnh chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách.

Tran Chung

Phải kết hợp 2 giải pháp, đó là tuyên truyền - giáo dục và chế tài. Nếu tuyên truyền nhiều rồi mà vẫn vi phạm, thì phạt "kịch khung".

Tran Ngoc Khanh

BĐ Truong Minh Hung hiến kế: "Lực lượng chức năng chịu trách nhiệm quản lý địa bàn, địa điểm du lịch, có đông du khách tham quan, vui chơi, giải trí, cần bố trí cán bộ đến những nơi này để nắm bắt tình hình. Sẽ không quá khó để nắm bắt được số lượng người buôn bán, kinh doanh thậm chí những người bán hàng rong, đánh giày hoạt động trên địa bàn do mình quản lý, nếu cán bộ chịu bám sát cơ sở. Từ đó, có thể lập danh sách để theo dõi nhằm triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời. Và tùy mức độ vi phạm, nếu những người này có hành vi chèo kéo, "chặt chém", đeo bám, làm phiền du khách… thì có thể áp dụng các biện pháp từ nhắc nhở, xử phạt hoặc cho đến những biện pháp nghiêm khắc hơn để giáo dục, răn đe. Ở những địa điểm du lịch, chính quyền địa phương nên có những buổi gặp gỡ với các tiểu thương, những người buôn bán, làm dịch vụ… để tuyên truyền, vận động nhằm thông qua họ, phát đi thông điệp về hình ảnh con người thân thiện, lịch sự, văn minh… đến với du khách thập phương".

Còn BĐ Lương Quốc Thái góp ý: "Cơ quan chức năng nên cung cấp hoặc treo số điện thoại đường dây nóng ở những điểm du lịch để du khách có thể phản ánh các hành vi vi phạm. Quan trọng hơn, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chứ không chỉ khi "xảy ra chuyện" thì mới vào cuộc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.