Theo thạc sĩ Đỗ Thị Hà Giang - chuyên viên Sở GD-ĐT Bắc Giang: “Những điều xấu đang hằng ngày diễn ra trong môi trường học đường khiến người ta không khỏi bàng hoàng: giáo viên bạo lực với học sinh; trò thì nói tục, chửi thề, gây gổ đâm chém nhau, hỗn với thầy, cô giáo... Cách hành xử này thật xa lạ với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Có lẽ vì lâu nay chúng ta đã nới lỏng việc giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường”. Dù những khẩu hiệu như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”... được treo ở các trường, nhưng dường như vẫn còn mang tính hình thức nhiều hơn.
Theo GS - Viện sĩ Trần Ngọc Thêm (ĐH Quốc gia TP.HCM), chúng ta không chỉ đòi hỏi văn hóa giao tiếp ở trò, mà còn phải đến từ người thầy. Thầy cô phải có kiến thức thực sự và ứng xử đúng với tư cách của mình, nếu bị trò phản bác không nên trù dập... Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nêu quan điểm: “Đội ngũ giáo viên, quản lý phải có uy tín chuyên môn và uy tín trong văn hóa giao tiếp đủ cho học sinh kính trọng. Người lớn phải làm gương trước. Văn hóa phải thể hiện từ trên xuống. Chúng ta có thể giúp sinh viên bộc lộ cái tôi, tạo sự bình đẳng, thoải mái cho sinh viên, nhưng khi sinh viên rủ... đi nhậu, người giảng viên có nên đi?”.
“Thực tế nhiều sinh viên khi mới ra trường rất bỡ ngỡ với yêu cầu khá cao về khả năng giao tiếp của các nhà tuyển dụng. Trong những năm đi học, họ không được học một khóa học nào về văn hóa giao tiếp tại trường. Kỹ năng giao tiếp của họ đơn thuần là do những bày vẽ rời rạc lúc này lúc khác của một vài người thân hoặc do những trải nghiệm cá nhân mà thành. Vậy tại sao chúng ta không bổ sung vào hệ thống các môn học trong nhà trường môn Văn hóa giao tiếp, bắt đầu từ cấp Tiểu học?”- thạc sĩ Đỗ Thị Hà Giang đưa ra giải pháp. Thực tế môn Giáo dục công dân mà học sinh đang được học cũng chính là môn hướng cho học sinh cách suy nghĩ, hành động, ứng xử phù hợp với đạo đức và pháp luật nhưng còn thiếu những kỹ năng về giao tiếp trong cuộc sống, trong quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con cái, bạn bè... Hơn nữa, vai trò của môn này vẫn còn bị xem nhẹ, bị coi như môn học phụ mà thôi.
Rõ ràng, bên cạnh gia đình và xã hội, nhà trường không chỉ dạy văn, dạy toán, dạy kiến thức về lịch sử, kinh tế... mà còn có vai trò hình thành văn hóa giao tiếp của học sinh - sinh viên. “Nhưng giáo dục văn hóa giao tiếp chỉ là vấn đề nhỏ, mà hình thành con người có văn hóa giao tiếp mới thực sự quan trọng - đó mới là cái gốc”- GS-TSKH Lê Ngọc Trà (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định.
* Sinh viên tạt axit thầy giáo: Sáng 24.8.2009, lớp ĐH06CK trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đang giờ học môn tiếng Anh chuyên ngành thì cựu sinh viên của trường này là Trần Xuân Thanh hất ca axit vào thầy Đặng Hữu Dũng - Phó khoa Cơ khí, giảng viên môn tiếng Anh chuyên ngành. Nguyên nhân là do Thanh thi nhiều lần không qua môn tiếng Anh của thầy Dũng. Đến ngày 5.11, thầy Dũng mới xuất viện nhưng hiện nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Khánh An (tổng hợp) |
Mỹ Quyên
Bình luận (0)