Háo hức xin chữ đầu năm tại hội chùa Keo

Cù Hiền
Cù Hiền
15/02/2024 08:03 GMT+7

Khai bút đầu năm là tập tục truyền thống thể hiện nét đẹp trong ngày lễ, tết tại Việt Nam. Tại lễ hội chùa Keo, dịp xuân Giáp Thìn, rất nhiều du khách xin chữ 'thuận', 'phúc', 'an'… cầu mong một năm mới bình an, thuận hòa và hạnh phúc.

Ngày 14.2 (tức mùng 5 tết Giáp Thìn), chương trình khai bút đầu xuân tiếp tục được tổ chức long trọng tại chùa Keo (xã Duy Nhất, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), ngôi chùa có 400 năm tuổi, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Du khách háo hức chờ khai bút đầu năm tại lễ hội chùa Keo- Ảnh 1.

Chương trình khai bút được tổ chức trang trọng tại chùa Keo

CÙ HIỀN

Theo đại đức Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Keo, lễ khai bút hay còn gọi là "Minh niên khai bút" được thực hiện vào đêm giao thừa 2024.

Sau khai bút, 4 bức đại tự "Nam thiên thánh tổ", "Lý triều quốc sư", "Quốc thái dân an" và "Phong hòa vũ thuận" đã được dâng trình đức Thánh trong cung cấm và được thờ ở đó. Đến ngày hôm qua (mùng 4 tết), ban tổ chức xin treo 4 bức lên cột phướn ở sân tam quan ngoại, để hôm nay (mùng 5 tết) tổ chức hoạt động khai bút ban chữ cho người dân, phật tử và du khách.

Tại sự kiện sáng nay, UBND H.Vũ Thư đã trao thưởng các học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Du khách háo hức chờ khai bút đầu năm tại lễ hội chùa Keo- Ảnh 2.

Đại đức Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Keo, trao quà cho những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh

CÙ HIỀN

Tại khuôn viên chùa Keo, nhiều du khách tập trung rất đông xung quanh quầy giấy, mực của các thầy đồ chờ xin chữ.

Du khách háo hức chờ khai bút đầu năm tại lễ hội chùa Keo- Ảnh 3.

Thầy đồ Bùi Đăng Trà (trú tại H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang cho chữ

CÙ HIỀN

Là một kiến trúc sư lành nghề, nhưng do yêu thích thư pháp đã lâu nên thầy đồ Bùi Đăng Trà (trú tại H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thường xuyên có mặt tại các chương trình viết thư pháp của tỉnh.

Không giấu nổi sự háo hức khi cho chữ, ông chia sẻ, năm nay, xuân Giáp Thìn, người người đã xin chữ 'thuận', 'Phúc', 'Bình An'… để mong cầu một năm mới bình an, thuận hòa và hạnh phúc.

Du khách háo hức chờ khai bút đầu năm tại lễ hội chùa Keo- Ảnh 4.

Nhiều học sinh cũng xếp hàng chờ xin chữ đầu năm

CÙ HIỀN

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thu (40 tuổi, trú tại TP.Nam Định) đang xếp hàng chờ xin chữ cho biết: "Xin chữ cũng là cách gửi gắm những lời hay, ý đẹp được viết bằng chữ quốc ngữ để trao tặng người thân. Năm nay, vợ chồng tôi xin chữ 'an' để tặng cho gia đình mình với mong cầu một năm mới an vui, vượt qua mọi sóng gió".

Khai bút đầu năm là tập tục truyền thống thể hiện nét đẹp trong ngày lễ, tết tại Việt Nam. Lễ khai bút đầu năm của người xưa được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều.

Du khách háo hức chờ khai bút đầu năm tại lễ hội chùa Keo- Ảnh 5.

Xin chữ cũng là cách gửi gắm những lời hay, ý đẹp để trao tặng người thân

CÙ HIỀN

Chùa Keo là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa. Trong quần thể kiến trúc của ngôi chùa có tuổi đời 4 thế kỷ này thì công trình nổi bật nhất phải kể đến là gác chuông nằm phía sau chùa, đây được đánh giá là gác chuông to, đẹp vào hàng bậc nhất trong các gác chuông của chùa cổ ở Việt Nam.

Lễ hội chùa Keo được tổ chức 2 lần hằng năm, lần đầu vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, ngày hội chính tổ chức vào giữa tháng 9 âm lịch.

Trong ngày hội thường tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.