Hào hứng với tiết học khoa học

12/07/2018 08:00 GMT+7

Chương trình dạy các môn toán, tiếng Anh, khoa học bằng tiếng Anh (chương trình tiếng Anh tích hợp) đã chứng minh hiệu quả sau 4 năm triển khai.

Ngoài trang bị nền tảng tiếng Anh, học sinh còn được phát triển năng lực toàn diện và các kỹ năng thích ứng với thời đại 4.0.
Khơi nguồn cho niềm đam mê sáng tạo, chế tác
Giờ thực hành môn khoa học tại lớp 5M Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM diễn ra sôi nổi. Học sinh hào hứng với chủ đề thực hành mô phỏng thiết kế kim tự tháp. Sau khi xem video tư liệu về cách thiết kế kim tự tháp và được giáo viên nước ngoài hướng dẫn, các em chia nhóm, cùng thảo luận cấu trúc, tính toán các thông số kỹ thuật để thiết kế tháp từ những nguyên liệu đơn giản như mì spaghetti, kẹo Marshmallow.
Tương tự, tiết học thực hành, thí nghiệm liên môn toán-khoa học- kỹ thuật- công nghệ theo định hướng phát triển giáo dục STEM của các học sinh lớp 6A7 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng kích thích sự tò mò của các em. Gần gũi và thân thiện, các giáo viên nước ngoài nhiệt tình hướng dẫn học sinh làm các thí nghiệm thú vị, gắn với cuộc sống đời thường.
Được thực hiện thí nghiệm hóa học về phản ứng nhiệt nhôm, học sinh ồ lên thích thú khi chiêm ngưỡng ngọn lửa bùng lên sáng rực. Thí nghiệm này giúp học trò hiểu rõ hơn phản ứng nhiệt nhôm cũng như ứng dụng của nó vào đời sống để hàn đường sắt tại chỗ. Còn phần thực hành mô hình sóng âm (làm từ xiên que, kẹo, băng keo) giúp học sinh hiểu sâu về cách sóng âm lan truyền trong không gian. Thí nghiệm hóa học về acid và base lại mang đến sự thích thú khi tìm hiểu về sự thay đổi màu sắc của chất chỉ thị (universal indicator) đối với các dung dịch có tính acid và base khác nhau.
Ấn tượng hơn cả là phần thực hành giải phẫu sinh học thông qua giải phẫu tim heo. Phần thực hành này giúp học sinh hiểu sâu hơn về cấu tạo quả tim và vai trò của nó đối với sự sống. Nguyễn Anh Tuấn, lớp 6A7 Trường THPT chuyênTrần Đại Nghĩa, hào hứng cho biết: “Em rất thích tiết học thực hành tích hợp các môn học. Thông qua việc thực hành, làm các thí nghiệm đa dạng, em hiểu rõ thêm kiến thức thực tiễn từ các môn vật lý, sinh học và hóa học...”.

Môi trường phát triển tư duy sáng tạo

Những buổi thực hành, thí nghiệm gắn với giáo dục STEM thông qua các tiết học toán, khoa học bằng tiếng Anh tại các trường phổ thông ở TP.HCM được triển khai trong chương trình tiếng Anh tích hợp đã mang lại hiệu quả tích cực. Phương pháp giáo dục này tạo ra đam mê, hứng thú cho học sinh trong việc khám phá kiến thức khoa học và cho phép các em được thỏa sức tư duy, sáng tạo.
STEM là viết tắt của bốn lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán (Mathematics) nhưng STEM không phải là một chương trình học riêng biệt chỉ xoay quanh bốn môn học này. Định hướng STEM là một phương pháp giáo dục mà ở đó các yếu tố về nội dung và phương pháp giảng dạy của bốn lĩnh vực này được tích hợp một cách hài hòa trong các tiết học ở các môn học khác nhau. STEM hướng đến việc đào học sinh trở thành những nhân lực chủ chốt của thế kỷ 21, có khả năng tư duy nhạy bén, vận dụng khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề của tương lai.
Ông Paul Stevens-King, Trưởng bộ môn toán - khoa học chương trình tiếng Anh tích hợp, chia sẻ: “Trong các tiết học thực hành, học sinh hiểu sâu hơn về các chủ đề được học. Hơn thế nữa, các hoạt động thực hành, thí nghiệm còn tạo cơ hội cho học sinh tự tìm ra đáp án và giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp người học nắm vững kiến thức mà còn biết ứng dụng khoa học để tự tìm tòi nghiên cứu và trình bày các kết quả của mình. Trong môi trường học tập sáng tạo, năng động, học sinh được trang bị các kỹ năng phù hợp và cần thiết cho thế kỷ 21”.
Từ nền tảng học các môn toán, tiếng Anh, khoa học theo chương trình tiếng Anh tích hợp trong trường phổ thông công lập, học sinh không chỉ được trang bị hành trang tiếng Anh cho một tương lai hội nhập sâu rộng mà còn được bổ sung các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong môi trường công việc của thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.