Tham quan làng nghề truyền thống nấu đường thốt nốt, dệt thổ cẩm, thưởng thức các món ăn do đồng bào Khmer tự tay chế biến là một nét du lịch độc đáo tại An Giang qua tour “72 giờ trong vùng Thất Sơn”.
Du khách tham gia giã cốm dẹp với đồng bào Khmer - Ảnh: Anh Phan
|
Sống lại làng nghề Saray Sakoth
Nằm trong tour du lịch nông dân, đồng bào Khmer ở Saray Sakoth (xã Văn Giáo, H.Tịnh Biên) chọn nghề nấu đường thốt nốt và dệt thổ cẩm là hai sản phẩm chính phục vụ du khách. Ông Chau Kim Sary, Trưởng nhóm Du lịch nông dân Văn Giáo, cho biết khách đi theo tour của Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ được đón tại quán giải khát đầu Tỉnh lộ 948 (có bảng chỉ dẫn). Sau khi thưởng thức nước và trái thốt nốt, du khách được xe ngựa đưa đi xem cảnh bà con Khmer nấu đường, dệt thổ cẩm và dạo một vòng quanh phum sóc... “Chúng tôi được tập huấn trang bị kiến thức và được hỗ trợ vật chất để sẵn sàng phục vụ tour du lịch nông dân. Một số anh chị em Khmer còn tham gia học tiếng Anh để có thể giao tiếp với khách nước ngoài”, ông Kim Sary nói.
Ông Chau Mum, chủ một cơ sở dệt ở Saray Sakoth, khoe năm 2013, cơ sở đón khoảng 100 khách nước ngoài đến tham quan và mua sắm, còn các đoàn trong nước thì tới thường xuyên. “Du khách đến xem nghề dệt, thấy sản phẩm đẹp nên mua về. Từ đó, nghề truyền thống phum sóc tại vùng Bảy Núi có cơ hội được quảng bá”, ông Chau Mum vui mừng chia sẻ. Hiện sản phẩm khăn choàng có dệt bông, hoa văn bán với giá 1,5 - 1,7 triệu đồng/chiếc (khổ 0,95 x 2,5 m) rất được du khách ưa chuộng. Ở làng dệt Văn Giáo, bà Neáng Nhây được xem là bậc thầy, nay thì Neáng Sa Mon được bà con Khmer trong làng tôn vinh là người kế tục. Đặc biệt, từ khi có sự tiếp sức của các ngành, các cấp trong việc thu hút khách du lịch, làng nghề dệt Saray Sakoth không còn đìu hiu như trước.
“Thu nhập chắc không bằng các nghề khác, nhưng có việc mần hoài. Khi du khách đến nhiều, người thợ dệt phục vụ tại nhà, lúc bình thường thì bà con gửi sản phẩm đi bán các nơi”, chị Neáng Sa Mon cho biết. Còn bà Neáng Som, một nghệ nhân dệt, thì nói: “Người Campuchia bây giờ xài khăn choàng của Saray Sakoth rất nhiều, sản phẩm dệt ra không kịp để bán, thu nhập người thợ dệt cũng được cải thiện đáng kể. Được vậy, một phần cũng nhờ mô hình du lịch nông dân”.
Nhộn nhịp phum Tà Păng S’leng
Phum Tà Păng S’leng (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn) có 12 hộ tham gia làm du lịch với sản phẩm chính là các loại bánh và những món ăn... đặc trưng của đồng bào Khmer. Riêng gia đình anh Chau Sóc Sann được dự án Du lịch nông dân An Giang hỗ trợ 20 triệu đồng (tương đương với 30% vốn đối ứng) để đảm đương món cốm dẹp truyền thống. “Trồng nếp sóc, giã cốm dẹp là nghề của tôi và từng nổi tiếng khắp H.Tri Tôn. Nhờ tham gia mô hình làm du lịch, có thêm nhiều người biết nên số lượng cốm bán được nhiều hơn. Thêm vào đó, mấy đứa cháu xung quanh cũng tham gia làm tiếp, kiếm thêm chút ít thu nhập. Coi như cộng hưởng từ dự án, lợi ích không chỉ cho cá nhân tôi mà cả phum sóc cũng được “chia phần” nên ai nấy đều vui vẻ”, anh Sann nói.
Hơn 3 năm trước, đồng bào Khmer ở Ô Lâm rất ngạc nhiên, thậm chí có người còn nghi ngờ khi xã được chọn làm điểm du lịch nông dân. “Thế nhưng sau khi được tập huấn, nhất là khi có nhiều đoàn khách nước ngoài tới Tà Păng S’leng, bà con mới tin tưởng vào tiềm năng du lịch của xã nhà. Năm 2013, có hơn 500 du khách nội địa và người nước ngoài đến đây càng chứng minh hiệu quả của mô hình du lịch nông dân. Đặc biệt, phum còn huy động nhiều hộ cùng tham gia, có cả trai tráng, thiếu nữ và người già hưởng ứng làm du lịch để phục vụ du khách tại nhà”, ông Nguyễn Thanh Việt, Trưởng ban Văn hóa - xã hội xã Ô Lâm, cho biết.
Ngoài ra, ở Ô Lâm còn có Đội văn nghệ Dì kê chuyên hát tuồng cổ, từng đoạt nhiều giải thưởng dù diễn viên đều là những nông dân ngày ngày lo chuyện đồng áng, gắn bó với ruộng rẫy. Anh Châu Thu Hà, thành viên Nhóm du lịch nông dân Ô Lâm, nói vui: “Coi vậy chứ khi tour có yêu cầu, anh chị em gom lại vẫn ca hát tốt. Cái chính là giới thiệu sản phẩm văn hóa phum sóc với du khách”.
Bình luận (0)