Có tiềm năng…
Rượu Hòa Long (TP.Bà Rịa); bánh tráng An Ngãi, bánh hỏi An Nhứt, đúc đồng Long Điền (H.Long Điền)… là những làng nghề đặc trưng, ra đời từ hàng trăm năm nay tại tỉnh BR-VT. Những làng nghề này đã đóng góp tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét văn hóa địa phương.
Để phát triển những làng nghề đúc đồng, gần đây, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh BR-VT hỗ trợ quảng bá bằng cách in các tài liệu giới thiệu và hiện đang xúc tiến hỗ trợ làm khuôn mẫu. Theo những người làm nghề đúc đồng ở H.Long Điền, làng nghề này cũng đang được các nhà làm du lịch tìm hiểu để kết nối, tạo thêm điểm đến cho du khách. Các làng nghề khác như làm bánh tráng, làm bún… cũng đang được các hãng du lịch lữ hành thăm dò, thử nghiệm kết nối để đưa du khách đến tham quan từ nhiều năm qua.
|
…nhưng thiếu sự đầu tư
Tuy nhiên, để thu hút khách đến tham quan thì các làng nghề này vẫn chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Khách đến tham quan một lần mà khó đến lại lần nữa. Lý giải điều này, một lãnh đạo hãng du lịch tại BR-VT cho rằng, hiện nay việc kết nối du lịch với các làng nghề còn thiếu gắn kết. Thời gian qua, một số công ty du lịch lữ hành đã khảo sát và đưa các làng nghề vào tour du lịch. Nhưng theo đánh giá của các đơn vị du lịch lữ hành, các tour này chưa thật sự hấp dẫn. Đa số khách tham quan làng nghề là người nước ngoài. “Để khai thác du lịch làng nghề có hiệu quả thì nơi này cần có thêm những sản phẩm độc đáo, mới lạ và cách tổ chức sản xuất phải thực sự hấp dẫn để thu hút du khách”, vị lãnh đạo này đưa ý kiến.
Công ty lữ hành T.H (TP.HCM) mỗi năm đón hàng ngàn khách du lịch quốc tế đi bằng tàu biển đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng. Mỗi lần đón khách, công ty T.H luôn làm tour cho du khách đến các làng nghề tỉnh BR-VT tham quan. Lãnh đạo của công ty lữ hành T.H cho biết: “Khách nước ngoài rất thích tham quan các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi đón hàng ngàn khách quốc tế đi từ tàu du lịch đến Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng. Trong đó, chúng tôi đã đưa nhiều du khách đến tỉnh BR-VT để tham quan các làng nghề. Hầu hết họ khá thích thú khi tham quan những làng nghề tại đây”. Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này thì: “Lúc tham quan xong các làng nghề, khi hỏi nếu có dịp quay lại nữa hay không thì họ chỉ lắc đầu”. Vị này giải thích: “Do các làng nghề tỉnh BR-VT thiếu sự đầu từ công phu, sản phẩm còn nghèo nàn. Các chủ làng nghề chưa hiểu hết tâm lý của du khách tham quan. Khách du lịch luôn muốn được tận mắt chứng kiến và tự mình làm ra một sản phẩm. Họ cũng muốn tìm hiểu cách làm ra sản phẩm này như thế nào…Nhưng do bất đồng về ngôn ngữ nên các làng nghề khó tiếp thị được sản phẩm cho họ. Vì vậy mà tại các làng nghề nên có những lao động có kỹ năng giao tiếp với du khách”.
Ông Nguyễn Thanh Long (75 tuổi, nghệ nhân đúc đồng ở Long Điền) nói: “Nếu làng nghề kết nối được với du lịch, thì đây sẽ là kênh quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các sản phẩm của làng nghề, tạo điểm du lịch mới tại địa phương. Dựa vào du lịch, làng nghề sẽ dễ dàng tìm kiếm được thị trường kinh doanh và quảng bá các sản phẩm của địa phương mình…Để làm được điều này, các làng nghề rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng tỉnh BR-VT”.
Nguyễn Long
Bình luận (0)