Hấp dẫn lúa Nhật

14/06/2014 10:03 GMT+7

Vụ đông xuân năm nay, người trồng lúa Nhật ở An Giang hết sức vui mừng vì trúng mùa, năng suất lúa tươi bình quân lên đến 8 tấn/ha.

Hấp dẫn lúa Nhật
Cây lúa Nhật giúp nông dân cải thiện cuộc sống - Ảnh: Anh Phan

Biết giá mới ký hợp đồng

Ông Nguyễn Lợi Đức (ngụ xã Lương An Trà, H.Tri Tôn, An Giang) cho biết do được Công ty TNHH Angimex - Kitoku cam kết đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng với giá từ 6.700 - 8.400 đồng/kg (tùy thuộc vào ẩm độ, nơi giao lúa tại đồng hoặc tại kho...) nên ông đã quyết định chuyển 30 ha đất chuẩn bị sản xuất lúa chất lượng cao sang trồng lúa Nhật. “Tham gia trồng lúa Nhật được công ty ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra ổn định, không sợ bị rớt giá như các loại lúa khác. Hiện địa phương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, sắp tới chúng tôi sẽ vận động các thành viên tăng diện tích lên khoảng 150 - 200 ha”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Thành An (ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Tuyến, H.Tri Tôn) cho biết: “Tôi từng ký hợp đồng sản xuất lúa giống với nhiều doanh nghiệp nên khi trồng lúa Nhật cũng không mấy khó khăn. Hơn nữa, do biết giá trước, mình cầm chắc có lời, còn chuyện trúng hoặc thất là do mình canh tác”. Theo ông Lý Văn Chính, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn, việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng của Angimex - Kitoku làm bà con nông dân yên tâm, do đó, trong tương lai diện tích lúa Nhật trên địa bàn huyện có thể tăng lên 1.000 ha.

 

Tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng và có báo giá trước là ưu thế nổi trội của mô hình sản xuất lúa Nhật ở An Giang. Bởi lẽ, xây dựng mô hình liên kết theo cánh đồng lớn, duy nhất chỉ có Angimex - Kitoku thực hiện trọn gói

Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Ông Trần Minh Sơn, Trưởng bộ phận lúa Nhật (Công ty TNHH Angimex - Kitoku), cho biết đối với các tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, công ty tổ chức họp nông dân trước khi chuẩn bị mùa vụ mới, trao đổi ý kiến cần bổ sung, khắc phục những vấn đề còn hạn chế. Mọi người đồng thuận, ký hợp đồng, bắt tay vào sản xuất. “Việc sản xuất lúa giống của Công ty Angimex - Kitoku đã tiến bộ so với những năm đầu thành lập. Mạng lưới cung cấp giống cũng có bước cải tiến, chú trọng chiều sâu đảm bảo năng suất và chất lượng hạt gạo lúa Nhật”, thạc sĩ Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đánh giá.

Phát huy vai trò hợp tác

Ông Nguyễn Văn Bình (ấp Tân Huệ, xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn) cho biết đất ông chỉ có 5 ha, mỗi vụ phải mướn thêm từ 10 - 15 ha để trồng lúa Nhật. “Tôi thấy làm lúa Nhật có lợi là biết giá bán trước khi ký hợp đồng, ổn định cả năm, làm mình yên tâm đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, phải làm đúng theo quy trình được hướng dẫn, nhất là sử dụng giống, gieo cấy, chăm sóc, khử lẫn, phơi khô, giê sạch... Nếu làm tốt theo hợp đồng còn được công ty thưởng thêm tiền trên từng ký lúa, những người nhiều năm tham gia hợp đồng sản xuất cũng được thưởng thêm”, ông Bình bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân P.Mỹ Hòa (TP.Long Xuyên), cho biết địa phương đã thành lập được 16 tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật, với hơn 60 thành viên sản xuất trên 560 ha, được Quỹ Hỗ trợ nông dân T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ vốn sản xuất và mua sắm thiết bị phục vụ. Ông Võ Văn Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Xuyên, khẳng định mô hình “Liên kết sản xuất lúa Nhật” chính là giải pháp giúp nông dân ngoại thành tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao. Đây còn là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển nông nghiệp ở Long Xuyên.

Mô hình “Liên kết sản xuất lúa Nhật” trên địa bàn An Giang có tổng diện tích 8.110 ha, triển khai tại 18 xã của các huyện Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP.Long Xuyên, với hơn 4.000 nông dân tham gia; tổng sản lượng thu mua đạt trên 30.000 tấn lúa hàng hóa và 2.000 tấn lúa giống. Ông Akira Omori, Phó giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku, cho biết: “Đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân, năm nay, công ty tổ chức kho tại Ba Thê (H.Thoại Sơn) để mua lúa trong khu vực”.

Anh Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.