Nhu cầu cần người giúp việc nhà tăng cao, mỗi năm, TP.HCM cần khoảng 10.000 người giúp việc nhà; tuy nhiên, hiện nay, thị trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% trong số này.
Chị Nở đang giúp việc nhà tại gia đình người Hàn Quốc - Ảnh: Tú Sơn |
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH và Tổng cục Thống kê công bố gần đây, cả nước có đến hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp. Trong khi đó, nghề giúp việc nhà (dịch vụ gia đình) luôn cần rất nhiều lao động, thu nhập tốt lại đang bị bỏ quên.
Theo bản tin thị trường lao động năm 2015 và dự báo nhân lực năm 2016 tại TP.HCM của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, cùng với một số ngành nghề trong nhóm ngành dịch vụ - phục vụ, nhu cầu cần nhân lực trong năm vừa qua của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng đến gần 20% trên tổng số ngành nghề. Số liệu này đã tăng khá cao so với năm 2014 (khoảng 13%). Dự báo qua năm 2016, nhu cầu cần lao động của nhóm ngành này sẽ không giảm.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, thừa nhận trong xã hội tập trung, nhu cầu cần người giúp việc nhà tăng cao là điều tất yếu. Mỗi năm, TP.HCM cần khoảng 10.000 người giúp việc nhà. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% trong số này.
Nhu cầu tăng vọt
Thời điểm cuối năm, chủ nhà càng “đỏ mắt” tìm người giúp việc. Bà Thạch Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vệ sinh Khang Gia (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc nhà, cho biết trung bình mỗi ngày công ty tiếp nhận khoảng 10 khách hàng có yêu cầu tìm người giúp việc nhà, những ngày gần tết thì nhu cầu tăng vọt.
Tuy nhiên, công ty chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Bà Huyền Tôn Nữ Kim Phụng, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM) cho biết hiện nay nhu cầu tuyển giúp việc nhà tại trung tâm là rất lớn, mỗi tháng có khoảng 50 gia đình có nhu cầu tuyển công việc này. Mức lương trung bình từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng (hoặc 35.000 - 40.000 đồng/giờ, nếu làm theo giờ). Tuy nhiên số người tìm việc lại rất ít, chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tuyển.
Chị Lê Thanh Hằng (nhà ở Q.2, TP.HCM) cũng đã đăng tin tìm người giúp việc để phụ chăm sóc đứa con mới sinh của chị 3 tháng nay mà vẫn chưa tìm được. Ông Mạnh (cha chị Hằng) cho biết cả nhà đều là nhân viên, viên chức nhà nước, làm việc giờ hành chính nên ban ngày rất khó có thể sắp xếp thời gian chăm sóc cho đứa cháu. Vì vậy, dù thu nhập gia đình không khá mấy nhưng vẫn phải thuê người giúp việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng nhưng tìm hoài không được.
Anh Trần Văn Hiếu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán khi nói về người giúp việc. Anh Hiếu cho biết 4 năm trước, khi vợ anh sinh con nên cần người giúp việc, qua môi giới, khó khăn lắm anh mới tìm được một chị giúp việc khá phù hợp với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, cũng biết chăm sóc con nhỏ. Qua thời gian dài gắn bó, gia đình anh đã xem người giúp việc thân thiết như thành viên gia đình. Biết chủ nhà “cưng” nên thời gian đầu chị này làm rất tốt nhưng về sau lại “lấn tới”.
“Thích thì chị làm, không thích thì chỉ nói tôi một tiếng rồi bỏ hết công việc đi đâu chơi mấy ngày mới về. Thời gian qua đã có đến gần 20 lần như vậy. Mới đây, chị này bỏ đi cả 10 ngày nay không về. Lần này tôi phải quyết định cho chị nghỉ việc luôn”, anh Hiếu nói.
Thu nhập tăng cao
Trái với suy nghĩ của nhiều người, hiện nay thu nhập của nghề giúp việc ngày càng cao, thậm chí vượt trội hơn rất nhiều nghề khác có yêu cầu về bằng cử nhân, cao đẳng. Chị Nguyễn Thị Nở quê An Giang, lên TP.HCM gần 6 năm nay. Ban đầu chị đi làm công nhân tại một số công ty tại các khu công nghiệp. Sau đó, tình cờ chị được một người bạn giới thiệu giúp việc nhà cho người Hàn Quốc tại khu Phú Mỹ Hưng. Dần dà, khi quen việc và làm tốt, chủ nhà chị làm lại giới thiệu chị cho các chủ nhà người Hàn Quốc khác. Đến nay, chị làm theo giờ tại 4 gia đình tại các chung cư cao cấp quanh khu vực Phú Mỹ Hưng.
Tiếp xúc với chúng tôi tại một căn hộ chung cư của chủ nhà Hàn Quốc, chị kể chuyện với vẻ khá mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Trước đó, khi đi làm công nhân, hầu như có rất ít thời gian dành cho gia đình vì phải tăng ca liên tục. Thu nhập trước đó cũng khá thấp. Trong khi hiện tại, chị giúp việc nhà với tiền công dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/giờ. Không phải tất cả các gia đình đều cần làm hằng ngày nhưng thu nhập của chị cũng nằm trong khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Chưa kể, chị còn thời gian đưa đón con đi học, chăm lo việc gia đình.
Chị Thanh Ni từ Thừa Thiên-Huế vào TP.HCM cách đây 3 năm, từng đi làm công nhân, bán hàng tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (Q.1), nhưng thu nhập vẫn khá thấp. Sau đó, chị Ni đã quyết định bỏ thời gian đi học tiếng Anh. Sau đó, chị chuyển qua làm dịch vụ dọn phòng tại các chung cư cao cấp. Dần dà, chị quen biết với các gia đình người gốc Mỹ, Úc. Khi các gia đình này mua nhà, chuyển chỗ ở, chị được họ mời về phụ giúp việc nhà. Vốn có năng khiếu nấu ăn, chị lại nhìn người khác nấu món ăn Tây và học hỏi, bắt chước. Dần dà, từ dọn dẹp nhà chị chuyển sang việc nấu nướng với thu nhập cao hơn.
Hiện tại, chị chỉ làm tại 2 gia đình người nước ngoài, 3 buổi/tuần, 4 giờ/ngày đã có tổng thu nhập 8 triệu đồng. Thu nhập của người giúp việc nhà theo tháng, ở tại nhà chủ cũng tăng lên nhanh chóng. Các công ty cung cấp dịch vụ này đang đưa ra mức giá từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.
“Chê” nghề giúp việc
Ngày 21.1, chúng tôi đã tiếp xúc với một số người tìm việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Trước câu hỏi “Bạn suy nghĩ gì về nghề giúp việc?” thì 100% những người được hỏi đều trả lời: “Phải xem nghề giúp việc như một nghề nghiệp bình thường và bình đẳng với các nghề khác”.
Nhiều người còn cho rằng đây là một công việc rất tiềm năng, nhu cầu xã hội rất lớn mà lương lại cao. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy nếu có người thuê bạn làm công việc giúp việc nhà cho họ với mức lương khá bạn có làm không?” thì hầu hết đều cười và lắc đầu!
Một nữ công nhân làm ngành may mặc tên Thy cho biết nghề giúp việc có thể có mức lương cao hơn mức mà cô từng làm trước đó, nhưng cô vẫn không nghĩ là mình sẽ làm nghề này. Thy giải thích: “Em nghĩ nghề này chỉ dành cho những người lớn tuổi, không có công việc làm ổn định thôi”.
Còn Hạnh, một nhân viên làm nghề kế toán, thì lại cho rằng nghề giúp việc chỉ dành cho những người không có bằng cấp và trình độ chuyên môn vì công việc của họ chủ yếu là làm việc chân tay.
Bên cạnh đó, tại TP.HCM hiện có khá ít trường, trung tâm có các khóa đào tạo kỹ năng và tạo việc làm cho người giúp việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, học viên cũng “chê” những nơi này.
Trung tâm không có người học
Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng, cho biết lớp trung cấp đào tạo nghề này chiêu sinh, quảng bá rộng rãi nhiều năm nay nhưng không có người theo học nên không thể mở lớp. Từ năm 2013 đến nay, lớp sơ cấp nghề cũng lâm vào tình trạng tương tự. Mặc dù trường là nơi được Tổng cục Dạy nghề giao nhiệm vụ xây dựng chương trình, giáo trình và còn xin tiền tài trợ từ các đề án, mở lớp đào tạo miễn phí cho người giúp việc tại quận, huyện, hỗ trợ tiền, giới thiệu cả việc làm, nhưng chỉ có ít người giúp việc tham dự và cũng chỉ làm thời gian ngắn.
Bà Phạm Ngọc Hiền, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, cũng cho biết các khóa học dành cho người giúp việc nhà mà trung tâm mở tại các quận, huyện vẫn còn ít người tham gia.
|
Bình luận (0)