Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Đức Trọng, khu căn cứ kháng chiến Núi Voi là một vùng rừng núi liên hoàn trải dài hơn 10km, có độ cao từ 1.300 - 1.750m so với mực nước biển. Núi Voi là khu căn cứ hoạt động cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, khu căn cứ Núi Voi cẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích như: các hầm chiến đấu, hầm hoạt động bí mật, nơi huấn luyện tân binh của các lực lượng cách mạng đã sống và hoạt động tại đây. Năm 2013, Khu căn cứ kháng chiến Núi Voi được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh. Khu vực này, cùng với rừng già Núi Voi, nhiều năm qua đã hình thành tuyến du lịch leo núi, lội rừng hấp dẫn du khách.
Toàn bộ tuyến du lịch này dài khoảng hơn 8km, trong đó có 6km đường rừng và 2km đường bằng, điểm kết thúc hành trình là Làng Gà ở thôn Đarahoa (thuộc xã Hiệp An). Xuất phát từ chân núi phía bên Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, du khách có thể chọn cung đường mạo hiểm nhưng thú vị bằng cách men theo triền đồi trải đầy lá thông khô, thám hiểm sự hùng vỹ, kỳ thú của núi Voi. Với cung đường này, càng lên cao, du khách càng khám phá ra những điều vô cùng thú vị của thiên nhiên với những con suối nhỏ nước chảy vắt ngang lối đi, được thỏa thích ngắm những giò lan rừng đủ màu sắc treo trên những thân cây cổ thụ. Đặc biệt, trên tuyến này du khách, sẽ được tận mắt ngắm rừng thông đỏ quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam với 411 cây từ 200 - 500 tuổi và đã được đánh số, định vị tọa độ để quản lý bảo vệ nghiêm ngặt.
|
Sau khi thực tế khảo sát tuyến du lịch này, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, cho hay thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh khảo sát, lựa chọn, khôi phục, tôn tạo một số di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược tại căn cứ địa cách mạng Núi Voi; cùng với đó, sẽ chú trọng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa bản địa tại Làng Gà Đarahoa với việc phục dựng nhà rông, nhà sàn của đồng bào K’Ho, Cill, tôn tạo cảnh quan khu vực tượng gà trống, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần… phát huy nét văn hóa nghệ thuật, cồng chiêng để phục vụ du khách, phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa.
“Đây là loại hình du lịch mang tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng khi tham gia trải nghiệm. Tuyến du lịch này sẽ khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái dưới tán rừng, tham quan di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên với các hoạt động đi bộ trong rừng, cắm trại và gắn với giá trị văn hóa bản địa”, ông Phúc nói.
Bình luận (0)