Vô duyên với Nobel Văn học
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố chủ nhân giải thưởng danh giá nhất của làng văn học. Trái với nhiều dự đoán của giới chuyên môn, cái tên được xướng lên năm nay không phải là những tác giả của những quyển sách, tập thơ nổi tiếng mà lại là nhạc sĩ, ca sĩ huyền thoại của nước Mỹ - Bob Dylan.
Việc một nhạc sĩ nhận giải Nobel Văn học đã gây ra xáo trộn nhẹ trong văn đàn cũng như những người yêu văn học trên toàn thế giới. Với lý giải “Bob Dylan được trao giải Nobel Văn học vì đã “sáng tạo ra những biểu đạt ca từ mới cho truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ”, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đập tan mọi xì xào bàn tán về kết quả bởi những đóng góp của Bob Dylan cho nghệ thuật là minh chứng cho tất cả.
Chiến thắng của Bob Dylan tại Nobel Văn học 2016 đồng nghĩa với thất bại lần thứ 5 liên tiếp của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Bản Haruki Murakami tại giải thưởng danh giá này.
|
Dù phải đến 50 năm sau, tức là vào năm 2066, cả thế giới mới biết danh sách những ứng cử viên đã lọt vào danh sách chung khảo của Viện hàn lâm nhưng có một sự thật là trước khi người thắng cuộc được công bố, các nhà cái đã nhanh chóng chọn lựa cho mình những cái tên nổi bật trên diễn đàn văn học và tổ chức các cuộc đặt cược. Quả thật, nhiều nhà văn, nhà thơ được chọn lựa tại đây đã trở thành chủ nhân của giải thưởng danh giá này như nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich hay nhà văn người Pháp Patrick Modiano.
Tuy nhiên, mọi điều luôn có ngoại lệ và không ai khác chính là gương mặt nổi bật nhất trên diễn đàn văn học của Nhật Bản và thế giới trong những năm đầu thế kỷ 21-Haruki Murakami. Dù là một nhà văn hàng đầu trong trường phái hiện thực với những tác phẩm để đời như Rừng Na Uy, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Biên niên ký chim vặn dây cót được hàng triệu bạn trẻ mến mộ nhưng Haruki Murakami lại tỏ ra là người khá vô duyên với Nobel Văn học. Ông được đề cử 5 lần liên tiếp và trượt cả 5.
|
Sự trùng hợp thú vị với Leonardo DiCaprio
Dù thông tin các đề cử ở vòng sơ khảo và chung khảo được giữ bí mật nhưng một số nhà cái và nguồn đáng tin cậy khẳng định đây đã là lần thứ 5 Haruki Murakami lọt vào danh sách đề cử. Như mọi năm, ở Nobel Văn học 2016 này, nhà văn 67 tuổi này vẫn tiếp tục được đặt cược với tỷ lệ 4/1, cao nhất trên bảng xếp hạng của nhà cái Ladbrokes và ông lại tiếp tục…trượt giải.
“Số nhọ” của Haruki Murakami khiến nhiều người liên tưởng tới trường hợp của nam diễn viên Leonardo DiCaprio trên đường đua tới tượng vàng Oscar, cũng là một giải thưởng nghề nghiệp danh giá. Quả là sự trùng hợp thú vị khi Leo cũng thất bại ở 5 đề cử tại Oscar (4 lần cho giải diễn viên, 1 cho giải nhà sản xuất).
Nếu như Leonardo được coi là một tượng đài diễn xuất với những vai diễn khắc nghiệt nhất thì Murakami cũng là nhà văn đã dành cả đời viết sách của mình để đeo đuổi những giá trị hiện thực huyền ảo trong văn chương, là một trong những tác giả có sức ảnh hưởng nhất nền văn học hiện đại của Nhật Bản và cả thế giới.
Và cũng giống như Leo đã từng thắng rất nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như Quả cầu vàng, giải Hiệp hội điện ảnh nhà nghề Mỹ, Hiệp hội Điện ảnh Anh quốc nhưng tới thời điểm trước tháng 2.2016, anh chưa bao giờ được chạm tay vào tượng vàng Oscar. Murakami cũng vậy, cũng nhận được giải thưởng nhiều đến mức treo chật nhà, duy chỉ có huy chương Nobel Văn học, cái cao quý nhất là còn sót.
Chưa bàn tới việc sự xứng đáng của người được xướng tên, riêng việc mỗi năm Murakami đều được giới chuyên môn đưa lên tận “mây xanh” rồi lại bị Viện Hàn lâm Thụy Điển “dìm” xuống hiện tại cũng đủ khiến người hâm mộ ông đều phải thở dài tiếc nuối.
Đã không ít lần người ta đi tìm nguyên nhân của sự thật trớ trêu này nhưng vẫn chưa đưa ra được lý do xác đáng nhất. Nhiều người bảo sách Murakami…bán chạy quá nên không hợp với “khẩu vị” của ban giám khảo vốn chuộng những đề tài kén chọn độc giả, những đề tài nặng nề về chính trị, triết lý. Bên cạnh đó, không ít nhà phê bình lý luận cho rằng văn chương của ông không phải không xuất sắc nhưng thật sự đang đi vào lối mòn. Việc Murakami vẫn còn được độc giả đón nhận nhiệt tình chỉ là do ông viết những điều người trẻ cần và đó là tất cả họ yêu mến ở Murakami, vốn như trước nay vẫn vậy.
Nhưng nếu ai tin vào kỳ tích 22 năm của Leonardo thì cũng tin rằng nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Đến lần đề cử thứ 6 thì tượng vàng Oscar đã thuộc về Leonardo. Vậy nên gạt đi nỗi buồn đã qua, những người yêu văn của Murakami lại bắt đầu chờ đợi kỳ Nobel tiếp theo và hy vọng con số 6 sẽ lại hóa phép nhiệm màu.
Bình luận (0)