Hát bội không bị lãng quên

Tố Tâm
Tố Tâm
28/02/2018 00:00 GMT+7

'Vị thần hát bội' với ánh mắt suy tư, ngồi lặng lẽ bên cánh cửa hé mở một vệt sáng giữa màn tối sâu hun hút... Bức tranh Cánh cửa của tác giả Phạm Hoàng Giang như gửi đến người xem nỗi băn khoăn 'Hát bội liệu có bị lãng quên?'.

Câu hỏi có lẽ đã được giải đáp khi có hơn 4.000 người đến với dự án Vẽ về hát bội, vừa diễn ra trước Tết âm lịch tại Garden Mall (Q.5, TP.HCM). Đáng nói hơn, 90% trong số đó là những bạn trẻ, đối tượng mà nhóm thực hiện dự án muốn tiếp cận để chuyển tải thông điệp: các bạn trẻ hôm nay sẽ là những người có trách nhiệm giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Những bức vẽ - những cầu nối
Hơn 50 tác phẩm tại triển lãm thực sự là những chiếc cầu nối giữa thế hệ trẻ về với văn hóa hát bội. Không ít người bần thần trước hình ảnh nghệ sĩ xé toạc lồng ngực, để từ trái tim từng đàn bướm bay ra, tuôn trào đến mức vỡ cả kính bức tranh, như cách người nghệ sĩ hát bội hết lòng với nghề (bức Tằm nhả tơ của Khoa Lê). Hay như bức chân dung An Tư công chúa (tác giả Nguyễn Nhựt) cũng đã nhận được lời khen của chính đạo diễn vở hát bội An Tư công chúa là NSƯT Hữu Danh, vì đã khắc họa rất thành công thần sắc của nhân vật này.
Các họa sĩ trẻ của Vẽ về hát bội đã thể hiện tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau, rất hiện đại và thú vị, như xếp giấy, xé dán, lego… Phạm Rồng, 23 tuổi, một trong những họa sĩ trẻ tuổi nhất tham gia dự án, đã tìm kiếm và lựa chọn những trang sách, báo viết về hát bội, sau đó scan lại, in ra rồi xé dán thành bức Châu Thương (bức tranh dựa trên vở Quan Công hồi cổ thành) rất ấn tượng. Còn Huỳnh Kim Liên (27 tuổi), nữ họa sĩ có 3 bức tranh tham gia dự án, chia sẻ: “Mình ấn tượng với nghệ thuật vẽ mặt của hát bội, từ cách phối màu đến ý nghĩa của từng khuôn mặt. Trang phục diễn viên cũng có họa tiết rất đẹp, lộng lẫy. Vẻ đẹp đó đã tạo cảm hứng cho chúng mình dù khác thời đại. Chúng mình không phải chỉ vẽ lại hình ảnh của các vai diễn mà còn đưa nó vào một nguồn sáng tạo mới, hiện đại hơn”. Trong bức Hồ Nguyệt cô hóa cáo, Liên đã vẽ một nửa mặt lúc là người, nửa mặt khi đã biến thành cáo, trên mỗi nửa có nét vẽ và bộ trang phục khác nhau.
Không để hát bội… chết
Hát bội không bị lãng quên
Bức Cánh cửa của Phạm Hoàng Giang
“Hát bội rồi cũng sẽ chết thôi!”, cảm thán của NSND Đinh Bằng Phi trong một buổi nói chuyện về nghệ thuật hát bội tại TP.HCM cách đây hơn
3 tháng mà Phùng Nguyên Quang (29 tuổi) và Huỳnh Kim Liên tham dự, đã khiến họ giật mình nhận ra cần phải làm ngay điều gì đó để giữ cho môn nghệ thuật truyền thống này không bị mai một. Dự án Vẽ về hát bội bắt nguồn từ đó.
Ban đầu, Quang và Liên, vốn là họa sĩ tự do, dự định sẽ cùng những người bạn vẽ những bức tranh về hát bội để làm một triển lãm nhỏ như món quà tặng NSND Đinh Bằng Phi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhóm đã thu hút ngày càng nhiều bạn khắp nơi tham gia, có cả những bạn ở nước ngoài cũng gửi tranh về. Hơn 50 tác phẩm của hơn 40 họa sĩ đã được hoàn thành sau 3 tháng. Nhóm cũng đã nhờ sự tư vấn của NSND Bằng Phi, NSƯT Hữu Danh và các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM giám định chuyên môn các bức tranh, để đảm bảo sự sáng tạo của họ không vượt quá giới hạn, làm mất đi nét văn hóa truyền thống.
Trong thư cảm ơn gửi đến khán giả, ê kíp Vẽ về hát bội chân thành bày tỏ: “Hơn 4.000 người tham quan, một con số mà thật tâm chúng mình chưa bao giờ dám nghĩ tới khi bắt đầu dự án. Sự ủng hộ của các bạn đã giúp chúng mình có được câu trả lời cho sự hoài nghi bấy lâu nay: Liệu người trẻ có còn quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống hay không?”.
Dự án Vẽ về hát bội có sự tham gia của hơn 40 họa sĩ từ 23 - 29 tuổi và gần 100 nhân sự làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, thực hiện một chuỗi sự kiện liên quan đến hát bội như triển lãm tranh, biểu diễn các vở hát bội, lớp học vẽ ứng dụng, các buổi trò chuyện với nghệ sĩ... Ê kíp thực hiện mong muốn sẽ tìm được nguồn hỗ trợ để có thể tiếp tục đưa dự án đến nhiều nơi khác ở VN hoặc xuất bản sách về hát bội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.