Hát cho nhà giàn qua bộ đàm

11/06/2017 10:02 GMT+7

Chuyến đi của đoàn công tác số 15 thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 vào cuối tháng 5.2017 có buổi giao lưu văn nghệ thật đặc biệt, đong đầy nước mắt xen lẫn nụ cười của những người tham gia.

Theo lịch trình, đoàn công tác thăm nhà giàn DK1/14 ở bãi Tư Chính. Đây là nhà giàn duy nhất và cũng là điểm cuối cùng trong hải trình dài ngày của đoàn. Khi tàu kiểm ngư KN 491 tới khu vực nhà giàn vào buổi sáng thì nơi đây có sóng to, gió lớn và mưa khiến ca nô không thể tiếp cận nhà giàn, đành phải dời qua buổi chiều.
Tuy nhiên, đến buổi chiều, thời tiết và biển cả lại không chiều lòng người, sóng vẫn quá lớn. Phương án của đoàn công tác là cho ca nô chở quà ra và chuyển cho cán bộ, chiến sĩ qua hệ thống ròng rọc của nhà giàn, còn các thành viên trong đoàn sẽ giao lưu với lính nhà giàn qua máy bộ đàm ở trên đài chỉ huy của tàu KN 491.
“Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông”
Nghe xong thông báo của chỉ huy tàu, sự tiếc nuối hiện lên trên từng khuôn mặt các thành viên trên tàu bởi trước đó họ háo hức, mong chờ được lên thăm cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Những ánh mắt buồn bã nhìn về phía nhà giàn. Các thành viên trên tàu không nghĩ trải qua hơn 1.100 hải lý (gần 2.000 km) trong suốt chặng hành trình dài mà giờ đây chỉ cách vài trăm bước chân lại không thể lên ôm lấy từng người lính.
Những bước chân chậm rãi tiến về đài chỉ huy tàu, nơi duy nhất có thể kết nối tình cảm, cảm xúc với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn trong lúc này. Khi sóng được nối, chiếc bộ đàm bé tí bật lên tiếng hát lớn khàn rè của những chiến sĩ bên kia nhà giàn như cố át tiếng sóng: “Sóng gió và sóng gió. Lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh và chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông…” thì những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt các thành viên trong đoàn.
Hát cho nhà giàn qua bộ đàm1
Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí (giữa) thay mặt lãnh đạo đoàn hỏi thăm, động viên chiến sĩ nhà giàn
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Huyền Phin, Phó đoàn ca múa kịch Thái Bình, cầm chiếc bộ đàm bé xíu, giọng nghẹn ngào: “Chúng tôi ra đây mà không thể lên thăm các anh được vì thời tiết quá xấu. Xin được gửi tặng những bài hát mà các anh yêu cầu”. Phía bên kia đáp lời mà qua bộ đàm nghe lúc được lúc mất. Rồi chị Phin cầm bộ đàm cùng với các ca sĩ hát bài Khúc quân ca Trường Sa. Ngó qua bên kia nhà giàn, các chiến sĩ chỉnh tề, thẳng hàng đang cầm cờ vừa vẫy vừa lắc lư theo tiếng sóng lẫn điệu hát.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.Đà Nẵng Võ Công Trí thay mặt lãnh đạo và thành viên đoàn công tác xúc động nhắn nhủ: “Các chiến sĩ bên nhà giàn DK1/14 có nghe rõ lời chúng tôi nói không? Chúng tôi rất tự hào về các anh. Chúng tôi rất tiếc do thời tiết xấu nên không thể sang nhà giàn tay bắt mặt mừng với các anh.
Qua hệ thống bộ đàm này, chúng tôi xin chúc các anh sức khỏe, vững chãi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước”. Ông Trí cũng tâm sự đây là lần đầu tiên ông đặt chân tới Trường Sa, nhà giàn DK1. Từng dự rất nhiều cuộc họp, cuộc giao lưu văn nghệ nhưng chưa lần nào đem lại cho ông những cảm xúc mãnh liệt như khi trò chuyện với chiến sĩ nhà giàn DK1/14 qua sóng bộ đàm.
Hát cho nhà giàn qua bộ đàm2
Thành viên trên tàu vẫy tay theo điệu nhạc chào chiến sĩ nhà giàn

“Chúng cháu thèm nghe giọng nói của đất liền”
Bà Lâm Kiên Định, đoàn Quỹ học bổng Vừ A Dính, thành viên của đoàn công tác số 15, cho biết đây là buổi văn nghệ xúc động nhất mà bà được chứng kiến. Bà Định tiết lộ khi biết không lên được nhà giàn, một số người trên tàu đã ghi số điện thoại trên gói quà rồi gửi sang nhà giàn với dòng nhắn nhủ: “Nếu nhận được xin nhắn tin lại”. Sau buổi văn nghệ, các chiến sĩ nhà giàn đã nhắn vào số điện thoại. Lúc này, bà Định gọi điện thoại sang, giọng của một chiến sĩ trẻ tâm sự: “Mấy ngày này nghe tin đoàn ghé thăm, chúng cháu mong từng ngày mà giờ đoàn không lên nhà giàn được nên ai cũng buồn. Ở nhà giàn, chúng cháu thèm tình cảm, thèm nghe giọng nói của đất liền. Cô hát cho chúng cháu nghe đi”. Trò chuyện mà nước mắt của hai cô cháu đều rơi. Nhiều người đã hát qua điện thoại cho chiến sĩ nhà giàn nghe.
Hát tặng mỗi chiến sĩ bài hát về quê hương
Trở lại buổi văn nghệ đặc biệt này, nghệ sĩ Huyền Phin tận tình hỏi chiến sĩ quê ở đâu và đoàn sẽ hát tặng mỗi chiến sĩ bài hát về quê hương. Bên kia đầu dây, thượng úy Võ Quang Thường, chỉ huy phó nhà giàn, cho biết các chiến sĩ đến từ mọi miền đất nước nhưng nhiều nhất ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…
Nghe xong, những ca khúc Nắng ấm quê hương, Nhớ về Hải Dương, Thành phố hoa phượng đỏ, Quảng Bình quê ta ơi, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh… được cất lên như kéo tàu và nhà giàn xích lại gần hơn.
Các chiến sĩ cũng tặng đoàn công tác bài Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn. Đặc biệt chiến sĩ Đỗ Chính Huy, quê ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) hát bài Tổ quốc gọi tên mình. Dù nghe qua bộ đàm nhưng giọng anh Huy trầm ấm như át tiếng sóng biển ngoài kia đang dữ dội, làm ngất ngây các thành viên ở trong ca bin tàu. Ngoài boong tàu, nhiều thành viên trong đoàn dùng khăn vẫy theo nhịp gửi gắm tình cảm yêu thương sang chiến sĩ bên kia nhà giàn đang vẫy cờ Tổ quốc, dõi mắt ngóng sang tàu. Nhiều người vì quá mê say giọng hát nên yêu cầu anh Huy hát lại lần nữa.
Ngoài những bài hát về quê hương, biển đảo, chương trình giao lưu cũng không thiếu những bài hát về tình yêu đôi lứa vốn là “đặc sản” văn nghệ ở biển đảo để các chiến sĩ gửi tình thương, nỗi nhớ cho vợ và người yêu ở đất liền. Cảm động nhất khi gần kết thúc chương trình, thượng úy Võ Quang Thường xin phép thông báo một chiến sĩ quê Nghệ An “khiếu nại” đoàn hát còn thiếu bài hát về quê hương của anh. Ngay lập tức ca sĩ Quang Hào, quyền Giám đốc Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), gửi tặng bài hát Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh mang âm hưởng dân ca ví dặm: “... Giọng em ngân lên. Rằng thương nhau cho trọn. Rằng qua lận đận. Mới hiểu tận lòng nhau...”. Lời bài hát như muốn nhắn nhủ rằng trong muôn vàn gian khổ, dù sóng to gió lớn hay biển cả có ầm ào thì đất liền luôn nhớ thương, trọn tình trọn nghĩa với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và luôn dành cho các anh những tình cảm thân thương nhất.
Ca sĩ Quang Hào cho hay đây là lần thứ 2 ra Trường Sa, nhưng cả hai lần anh đều không được đặt chân lên nhà giàn. Lần đầu tiên tới nhà giàn vào năm 2006, khi đó anh đang là sinh viên tham gia chuyến tàu ra thăm Trường Sa. Tàu tới nhà giàn vào lúc thời tiết xấu, phải giao lưu qua sóng bộ đàm giữa biển trời sóng dữ, chàng sinh viên Hào của cách đây hơn 10 năm vừa hát vừa khóc vì thương người lính nhà giàn gian lao, vất vả.
Với anh, kỷ niệm về chuyến đi lưu dấu nhiều cảm xúc khó phai; và hôm nay cảm xúc mãnh liệt đó lại trào dâng khi một lần nữa anh hát cho người lính nhà giàn nghe giữa biển khơi sóng vỗ qua sóng bộ đàm. Anh Hào tâm sự lần này anh vừa hát vừa nén nước mắt vào lòng vì không muốn cán bộ, chiến sĩ nhà giàn buồn. Anh cũng ước mơ sẽ thêm một lần nữa được ra Trường Sa và lần đó chắc chắn anh sẽ đặt chân lên nhà giàn, được trực tiếp hát tặng lính nhà giàn cho thỏa nỗi mong chờ.
Tàu chúng tôi neo lại bên nhà giàn đến khuya mới rời đi. Tối hôm đó, những ánh sáng của màn hình điện thoại từ các thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cứ chớp tắt, lấp lánh giữa Biển Đông như nhắn nhủ yêu thương với đất liền giữa muôn trùng sóng vỗ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.