Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết: theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt tính ấm; vào ba kinh tỳ, vị và thận. Nó có tác dụng bổ thận ích tinh, mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn, lưng gối mềm yếu do thận hư... Ngoài tác dụng bổ dương - cải thiện chức năng sinh dục ở nam giới, hạt dẻ là thức ăn có lợi cho bệnh nhân tim mạch, tiểu đường. Có thể sử dụng hạt dẻ chế biến thành những món ăn đơn giản để chữa bệnh:
+ Cháo hạt dẻ: hạt dẻ đã bóc bỏ vỏ 20g, gạo tẻ 50g nấu cháo. Cháo chín cho muối vừa đủ, ăn trong ngày. Món này dùng chữa chức năng tình dục suy giảm do thận hư cùng chứng trạng lưng gối đau mỏi.
+ Cháo kiện tỳ: hạt dẻ đã bỏ vỏ 30g, táo tàu 10 quả, phục linh 12g, gạo tẻ 60g nấu cháo. Cháo chín cho thêm đường trắng vừa đủ, ăn trong ngày. Món này chữa tình dục suy giảm, tiêu chảy do tỳ vị hư nhược.
+ Cháo hạt dẻ long nhãn: 10 hạt dẻ đã bóc bỏ vỏ, long nhãn 15g, gạo tẻ 50g. Cho hạt dẻ đập nhỏ cùng gạo vào nấu cháo. Khi cháo sắp chín, cho long nhãn vào đun tiếp cho tới khi cháo chín. Cho đường trắng vào đảo đều ăn điểm tâm vào buổi sáng. Cũng có thể chia ăn nhiều bữa trong ngày. Món này chữa chức năng tình dục suy giảm do tâm thận tinh huyết bất túc với chứng trạng trống ngực, tim loạn nhịp, lưng gối yếu mỏi, mất ngủ.
+ Mứt hạt dẻ hồ đào: hạt dẻ sao chín, bỏ vỏ 30-50g, hồ đào nhục 30-50g, đường trắng vừa phải. Giã nhuyễn hạt dẻ và hồ đào. Trộn đường vào là ăn được. Món ăn này có tác dụng bổ thận ích tinh, dùng chữa chức năng tình dục suy giảm do thận khí bất túc, kinh mạch thất dưỡng với chứng trạng: di tinh, xuất tinh sớm, lưng gối yếu mỏi, tai ù.
+ Thịt hầm hạt dẻ: hạt dẻ 50g, sơn dược 30g, đẳng sâm 10g cho vào hầm với thịt gà hoặc thịt lợn. Món này giúp bồi bổ sức khỏe toàn thân, tăng cường chức năng sinh dục; có tác dụng bổ trung ích khí.
Minh Ngọc
Bình luận (0)