Với một ca sĩ, giọng hát là điều tiên quyết. Khi có giọng rồi, muốn theo đường dài thì không thể không cần đến chuyên môn. Chỉ có “thanh” và “sắc” (nếu may mắn sở hữu ngoại hình bắt sân khấu) mà quên rằng, nhiều kỹ năng khác như: làm sao để chọn bài hát phù hợp, cách làm việc với quản lý, ban nhạc, kỹ năng vào phòng thu hay giao lưu sân khấu, giao tiếp với truyền thông (kỹ năng độc lập cho ca sĩ)… cũng cần được hoàn thiện, thì “đường đi” hẳn sẽ ít nhiều chông chênh.
|
|
Thu âm không dễ
Trong lần ra mắt album đầu tay của Uyên Linh, nhạc sĩ Quốc Trung đã chia sẻ với báo giới về hậu trường của quá trình thu âm không mấy… tốt đẹp, rằng anh đã gửi email cùng bản thu của cô với lời nhắn “nghe lại đi, kinh lắm”. Quán quân Viet Nam Idol cũng thừa nhận không ngờ khi vào phòng thu lại gặp khó khăn đến như vậy, dù trên sân khấu cuộc thi, giọng hát của cô đã chinh phục nhiều khán giả. Ca sĩ Nam Khánh cũng cho biết, tại phòng thu của anh, không ít ca sĩ hát live rất tốt nhưng khi thu âm đã khiến anh… sững sờ vì mắc nhiều lỗi: phát âm không rõ chữ, độ cao của giọng không ổn định… “Vào phòng thu hát khó gấp 10 lần ngoài sân khấu, nên cần phải có kỹ năng, qua học hỏi hoặc quá trình tích lũy kinh nghiệm...”, anh nói.
Không chỉ vậy, ông Hoàng Tuấn, Giám đốc HT Production kiêm người quản lý của ca sĩ Đan Trường, cho biết ngoài việc định hướng, hỗ trợ về chuyên môn âm nhạc, ca sĩ của HT Production còn được ông “truyền đạt bí kíp” từ kinh nghiệm của mình để giao lưu với khán giả, báo chí. “Hát ở miền Tây sẽ tâm sự thế nào, miền Bắc giao lưu ra sao hay đi nước ngoài thì câu chuyện cần được chia sẻ là gì, tất cả đều có “bài” của nó”.
Đừng vội ảo tưởng
Nhiều ca sĩ cho rằng chỉ cần hát tốtcòn mọi sự đều nhờ cậy vào quản lý thì vẫn có thể “chạy tốt”. Nhưng đâu phải ai cũng tìm cho mình người quản lý có trình độ lẫn tầm nhìn, hay nói như nhạc sĩ Quốc Trung: “Ở VN, đa số quản lý và trợ lý lại là những người không làm nghệ thuật. Và phần lớn ca sĩ VN đều còn yếu về những kiến thức tổng hợp, các kỹ năng và hiểu biết sâu rộng để làm nên những tác phẩm có chất lượng hay những show diễn thành công. Thậm chí, ngay cả việc nhận biết khả năng mình đang ở đâu, đó cũng là vấn đề đang gặp phải của không ít các ca sĩ trẻ hiện nay”.
“Nhiều ca sĩ chỉ mới có chút danh hiệu từ chương trình này, cuộc thi nọ, được một vài lời tung hô hay được “like” vô thưởng vô phạt trên trang cá nhân… đã sớm ảo tưởng về mình. Những người mới hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc chưa ý thức được vị trí của mình đã đành, đáng buồn hơn, họ vẫn được tạo nhiều cơ hội để… tung tăng hết sân khấu này đến chương trình nọ”, ông Hoàng Tuấn bức xúc.
Vẫn biết môi trường nào sẽ có luật đào thải của nó, nhưng trong nghệ thuật-lĩnh vực mà sức ảnh hưởng tới cộng đồng cực kỳ nhanh và rộng, thì người tham gia biểu diễn hơn ai hết phải biết nhìn nhận đúng mức, hay ít nhất cũng cần được hỗ trợ để nhận biết thực lực của mình.
“Cái thiếu của ca sĩ, nhất là nhiều bạn trẻ mới vào nghề hiện nay, chính là sự trau dồi kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng sống, mà nguyên nhân có lẽ chính vì quá nóng vội, muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi cách”. Ca sĩ Ánh Tuyết “Dù người quản lý chuyên nghiệp đến mấy thì ca sĩ cũng cần trang bị những kỹ năng độc lập cho mình nếu muốn đi đường dài”. Nhạc sĩ Đức Trí “Một ca sĩ có đủ trình độ tự sáng tác hòa âm, phối khí... thì vẫn cần tới sự hỗ trợ chuyên nghiệp khác mới mong có được thành công. Nhưng việc đầu tiên là phải biết đánh giá đúng mức để nhận biết được sự cần thiết đó”. Nhạc sĩ Quốc Trung |
Nguyên Vân
>> Sao Việt với hàng nhái
>> Sao Việt & thời trang "thấy hết
>> Xe sang của sao Việt
>> Dấu ấn Sao Việt
>> Sao Việt xinh tươi trong đêm ra mắt "Giao lộ định mệnh
>> 4 ngôi sao Việt Nam giới thiệu giải thưởng âm nhạc châu Á
Bình luận (0)