Đến Ninh Sơn, hỏi đường vào “xóm” nón lá, tôi được người dân địa phương hướng dẫn đến nhà một số hộ chằm nón lâu năm. Thế nhưng, đến nơi thì nhiều người đã bỏ nghề, một số còn lại thì chỉ “làm thêm lúc rảnh rỗi”. Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hộ (45 tuổi), là một trong những người chằm nón lá nổi tiếng ở Ninh Sơn. Bà Hộ đang ở nhà hàng xóm- trước đây cũng là một cơ sở làm chổi bông cỏ nổi tiếng, với bộ khung và một số vật dụng, nguyên liệu chằm nón. “Ở nhà chằm nón một mình buồn quá nên sang đây ngồi”, bà Hộ nói. Theo bà Hộ, gần đây bà cũng chỉ chằm nón những khi rảnh rỗi để kiếm thêm chứ không xem đây là nghề nữa.
|
Một thời vang bóng
Theo nhiều người cao tuổi ở xóm chằm nón Ninh Thọ, xã Ninh Sơn (TX.Tây Ninh), trước đây chỉ riêng xóm này đã có ngoài trăm hộ làm nghề này. Trong đó, có nhiều hộ gia đình có thu nhập chính từ nghề chằm nón. Nón lá Ninh Sơn có thương hiệu được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. “Khoảng 15 năm trước, ở Ninh Sơn vẫn còn khoảng vài trăm người làm nghề chằm nón. Nhưng giờ bỏ nghề gần hết rồi, chỉ còn chừng vài chục người thôi. Nhiều người chọn nghề khác có thu nhập khá hơn, đỡ cực hơn”, bà Phan Thị Mãnh (78 tuổi, ngụ ấp Ninh Thọ) cho biết.
Theo lời bà Mãnh, nghề chằm nón lá Ninh Sơn theo chân những người miền Trung – chủ yếu là Bình Định vào Tây Ninh lập nghiệp và định cư ở xã Ninh Sơn khoảng hơn nửa thế kỷ trước. Từ Hoài n (Bình Định), bà Mãnh vào Ninh Sơn sống khoảng 60 năm nay. “Lúc mới vào đây, đa số chúng tôi đều nghèo khó, không đất sản xuất và cũng không có nghề nghiệp phù hợp với nơi ở mới. Do đó, nhiều người đã tận dụng nghề đặc trưng ở địa phương mình là nghề chằm nón lá để mưu sinh. Người này chỉ người kia, có nhà có chín, mười người chằm nón. Tôi cũng nhờ nghề chằm nón mà nuôi mấy đứa con khôn lớn” - bà Mãnh mơ màng xa xăm.
Giờ, tuổi đã quá “thất thập cổ lai hy” nhưng bà Mãnh vẫn cặm cụi ngồi chằm nón. “Từng tuổi này rồi mà vẫn còn chằm nón là vì muốn kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy cho con cháu, mà mình cũng đỡ buồn. Nói thật chứ tôi vừa chán, vừa ngán nghề này dữ lắm”. Hỏi lý do chán nghề, bà Mãnh cho biết, một chiếc nón chằm hoàn chỉnh, bán cho vựa chỉ được 10.000 đồng. Trừ chi phí, chưa kể tiền công chỉ còn lại 5.000 đồng. Mỗi tháng, bà Mãnh chằm chừng 40 cái, trừ chi phi chỉ thu nhập được… 200.000 đồng. “Mấy đứa em, cháu tôi chê thu nhập thấp, không bằng đi làm thuê, làm xí nghiệp hoặc bán vé số. Tụi nó chỉ chằm nón kiếm thêm những lúc rảnh rang”.
|
Ông Lê Đình Thoại - chủ vựa nón lá ở ấp Ninh Thọ cho biết: “Khoảng 10 năm trước, Ninh Sơn cũng có nhiều vựa nón lá nhưng hiện chỉ còn rất ít. Hồi trước, chỉ riêng vựa của tôi đã bán đi các tỉnh miền Tây mỗi tháng vài ngàn chiếc nón lá. Thế nhưng mấy năm gần đây, mỗi tháng tôi chỉ bán được một hai trăm nón là cùng”.
Theo ông Thoại, lý do khiến làng chằm nón lá Ninh Sơn hiu hắt và đang mai một là do quá trình… phát triển của xã hội. “Ngày trước, phụ nữ đi làm chủ yếu bằng xe đạp. Nên dù đi đến công sở hay làm nông họ đều đội nón lá. Sau này, hầu hết mọi người đều đi xe máy, đội mũ bảo hiểm nên nhu cầu tiêu thụ nón lá còn rất thấp. Mà khi mức tiêu thụ trên thị trường thấp, ít người mua thì nón lá trở nên rẻ, dẫn đến thu nhập của người làm nón thấp”.
Công Sinh
Bình luận (0)