Hạt vi nhựa lẫn trong thực phẩm, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

29/11/2018 10:39 GMT+7

Có hàng ngàn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương và 90% trong số đó là những hạt vi nhựa, thậm chí có cả nano nhựa đang đe dọa ghê gớm tới sinh vật biển và sức khỏe con người.

Vậy hạt vi nhựa là gì? Tại sao hạt vi nhựa lại ảnh hưởng tới sinh vật biển và con người?
Tại sao lại có hạt vi nhựa?
Hạt vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead. Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng trôi ra biển.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có hơn 5 nghìn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương và 90% trong số đó là những hạt vi nhựa, thậm chí có cả nano nhựa đang đe dọa ghê gớm tới sinh vật biển. Bởi chúng thường bị những sinh vật phù du và những sinh vật nhỏ nhầm tưởng với “đồ ăn”. Từ đó theo chuỗi thức ăn vào những con cá, con chim lớn hơn hoặc vào cơ thể những sinh vật khác như con người.
Thử nghiệm khác cho thấy, với các mẫu nước lấy ở Anh, Pháp và Đức và Mỹ thì số lượng sợi nhựa trung bình được tìm thấy trong mỗi mẫu 500 ml dao động từ 4,8 ở Mỹ đến 1,9 ở châu Âu.
Hạt vi nhựa lẫn trong muối ăn khi chưa được xử lý
Hạt vi nhựa lẫn trong muối ăn khi chưa được xử lý
Hiểu một cách đơn giản là những rác thải từ nhựa do con người ném đi bằng cách nào đó sẽ quay lại xuất hiện trong chính bữa ăn thông qua thực phẩm như muối hoặc sinh vật biển.
Hạt vi nhựa đe dọa môi trường sống và con người như thế nào?
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế chia sẻ, ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn tỉ tấn hạt vi nhựa đổ ra môi trường. Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết, năm 2012 các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. Chỉ 1 năm sau đó, con số đã lên hơn hàng chục ngàn tấn.
Các loài sinh vật như cá, chim, hàu và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào
Các loài sinh vật như cá, chim, hàu và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào
Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ nguy hiểm. Các loài sinh vật như cá, chim, hàu và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào. Nhưng do đặc tính không tan và khó phân hủy nên hàng nghìn phân tử nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Cuối cùng, hạt vi nhựa theo đường thực phẩm đi thẳng vào dạ dày con người. Hay nói cách khác, con người cũng đã ăn các hạt vi nhựa.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện nhựa đi vào cơ thể người. Kết luận được đưa ra sau khi tất cả mẫu xét nghiệm chất thải của người tình nguyện đều chứa các hạt nhựa siêu nhỏ có kích thước bé hơn 5 mm. Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan.
Quá trình hạt vi nhựa xâm nhập cơ thể con người
Quá trình hạt vi nhựa xâm nhập cơ thể con người
Đã có tổng cộng 9 loại hạt nhựa được phát hiện trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Theo một nghiên cứu ở châu Âu thì trung bình một công dân châu Âu mỗi năm đưa vào cơ thể theo thực phẩm 11.000 mảnh vi nhựa.
Theo các nhà khoa học, cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người.
Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.
Cá mập chết khi ngậm vỏ chai nước
Cá mập chết khi ngậm vỏ chai nước
Tuy nhiên hiện nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm. Việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của vi nhựa và nano nhựa lên sức khỏe con người.
Con người cần hành động ngay để tránh hấp thụ hạt vi nhựa
Đầu năm nay, chính phủ Anh đã chính thức cấm hạt vi nhựa bởi những lo ngại rằng hóa chất trong nhựa sẽ gây ra các bệnh ngộ độc, vô sinh hay gián đoạn di truyền cho cả con người và sinh vật biển.
Còn tại Việt Nam, trong khi chờ đợi các bằng chứng rõ ràng hơn hay quy định cụ thể về việc cấm hạt vi nhựa một toàn diện trên toàn thế giới, việc cần thiết ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng các chai nhựa, ống hút một lần.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần có một chế tài đủ mạnh để việc phân loại rác nhựa tại nguồn hay tại các địa điểm công cộng được thực hiện quy củ hơn. Hạn chế tối đa việc xả thải nhựa trực tiếp ra môi trường biển là cách tốt nhất để ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường và bảo vệ tốt cho sức khỏe con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.