>> Kỳ 1: Tutankhamen - ông tổ người châu u?
Ít người biết đến Yakov Dzhugashvili - con trai cả của lãnh tụ Xô Viết Joseph Stalin - số phận đầy nghiệt ngã.
Tình duyên trắc trở
Sinh ngày 18.3.1907 tại làng Borji, Georgia, cho tới năm 14 tuổi Yakov Dzhugashvili mới được nhìn thấy mặt cha. Yakov là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Stalin với Ekaterina Svanidze. Khi Yakov chưa đầy 1 tuổi thì Svanidze qua đời vì bạo bệnh. Sau khi chôn cất vợ, Stalin đã để họ hàng nuôi Yakov và ông hầu như không ngó ngàng đến cậu bé.
Năm 1921, khi dì Aliosa Svannidze đưa Yakov lên Moscow gặp Stalin, nhà lãnh đạo không biểu lộ vẻ mừng vui và bố trí cho con trai ở một phòng khá lạnh lẽo với đồ đạc hết sức đơn giản. Yakov cảm thấy xa lạ trong nhà người cha, nhưng may mắn khi ở đó có Nadezhda Sergeevna Alliluyeva, người vợ thứ hai của Stalin. Alliluyeva hơn Yakov 10 tuổi và bà đối xử với đứa con riêng của chồng rất tốt.
Vào năm 1925, Yakov muốn cưới vợ nhằm có cuộc sống độc lập, nhưng Stalin cấm con thực hiện điều này và buộc chàng trai trẻ trước hết phải học xong đại học. Bị cha cấm đoán và ghẻ lạnh, nên đã có lúc Yakov tự tử hụt. Sau vụ việc này, Stalin nổi giận, nói với Alliluyeva: “Kệ nó, muốn sống thế nào, ở đâu và với ai cũng được”. Yakov cùng người tình là Zoya đến Leningrad ở nhà người họ hàng của Alliluyeva. Tại đây, Yakov học và trở thành công nhân sửa chữa điện. Năm 1929, Zoya sinh con gái, nhưng đứa bé chết ngay sau đó, rồi cuộc hôn nhân của Yakov đổ vỡ.
Đầu hàng số phận, Yakov trở lại Moscow và thi đỗ vào Đại học Giao thông. Stalin hầu như không can thiệp vào đời sống của con trai, ngoại trừ một lần khi Yakov nhập học, ông gọi điện thoại hỏi hiệu trưởng của trường rằng có ai phàn nàn kêu ca gì về Yakov Dzhugashvili không. Vị hiệu trưởng gần như chết lặng và chỉ trả lời là không có ai kêu ca gì.
Vào năm 1934, Yakov làm quen rồi yêu cô gái đẹp Olga. Cuộc tình này cho ra đời đứa con trai ngoài giá thú là Evgeni Dzhugashvili. Olga về quê nhà ở Yryupinsk nuôi con và khi Evgeni được 2 tuổi thì cô mang con lên Moscow gặp Yakov. Đáng nói đây là lần gặp duy nhất, Evgeni còn quá nhỏ nên hầu như không nhớ được điều gì về cha.
Vào thời gian này, Yakov đã cưới nữ nghệ sĩ Yulia Meltzer và hai người có một con gái. Yulia Meltzer từng đề nghị Olga để Evgeni lại Moscow để cô nuôi dưỡng, nhưng Olga không đáp lại thiện chí này. Olga lo sợ rằng, nếu để Evgheni cho vợ chồng Yakov - Yulia, nhiều khả năng sau đó họ sẽ gửi con cô vào trường nội trú.
Đáng chú ý, Yulia Meltzer là người Do Thái, nên Stalin không mấy có thiện cảm và hầu như không thừa nhận cô. Sau này khi Yakov bị phát xít Đức bắt làm tù binh thì Yulia cũng bị phía Liên Xô bắt giam ngay lập tức.
|
Binh nghiệp ngắn ngủi
Ngay trước khi Thế chiến 2 nổ ra, Yakov Dzhugashvili tốt nghiệp Học viện Pháo binh ở Leningrad. Ngày 23.6.1941, trung úy Yakov lên đường ra mặt trận, anh không nhận được lời động viên nào từ cha, qua điện thoại Stalin chỉ nói ngắn gọn: “Hãy đi và chiến đấu”.
Yakov chỉ huy một đại đội thuộc Trung đoàn pháo số 14 và bắt đầu tham chiến vào ngày 27.6, chống lại tập đoàn xe tăng số 4 của phát xít Đức. Đến ngày 4.7, đại đội của anh bị bao vây tại khu vực Vitsyebsk, Belarus. Mặc dù Yakov được cấp trên quan tâm đặc biệt, đề nghị giải cứu riêng nhưng anh từ chối. Đến ngày 16.7, Yakov bị Đức bắt làm tù binh. Chiến tranh với anh đã kết thúc, nhưng những thử thách nặng nề nhất lại đang ở phía trước.
Yakov bị bắt làm cả hai phía tham chiến có những phản ứng dữ dội nhưng trái ngược. Vào ngày 20.7, trong khi Đài phát thanh Berlin (Đức) mừng rỡ loan báo tin bắt được con trai của Stalin, thì từ Tổng hành dinh Liên Xô, nguyên soái Zhukov âm thầm ra lệnh báo cáo gấp hiện trung úy Yakov đang ở đâu. Điều này cho thấy, con trai của Stalin đã mất liên lạc với Hồng quân vài ngày trước khi bị bắt.
Chỉ đến khi phía Đức công bố bức ảnh Yakov với vẻ mặt buồn bã đứng giữa vòng vây của bọn phát xít, phía Liên Xô mới tin đó là sự thật. Ngày 19.7, Yakov được phép viết thư cho cha với nội dung ngắn gọn: “Cha kính mến! Con bị bắt làm tù binh. Con vẫn khỏe, sắp tới sẽ được đưa đến một trong số các trại giam sĩ quan ở Đức. Họ đối xử bình thường. Con chúc cha khỏe và gửi lời chào đến mọi người. Yakov”.
Đến nay, tính xác thực của bức thư vẫn là dấu hỏi với các nhà sử học. Nhưng khi Stalin biết được nội dung bức thư, thì ngay sau đó Sắc lệnh số 270 ra đời. Sắc lệnh này khẳng định các sĩ quan để cho kẻ thù bắt làm tù binh bị coi như phản quốc và gia đình của họ cũng sẽ bị bắt. Chính vì thế, Yulia Meltzer bị giam vào tù ngay sau đó.
Các tài liệu lưu trữ để lại cho thấy Yakov liên tục bị hỏi cung, bị chuyển từ trại giam này đến trại giam khác. Nhưng dù có thế nào, anh vẫn giữ vững tinh thần, sự kiên định của một sĩ quan Hồng quân.
Tháng 2.1943, Yakov bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen. Khi đó, Đức có ý định đánh đổi Yakov lấy thống chế Paulus, bị Hồng quân bắt ngày 31.1.1943. Lời đề nghị này được chuyển qua ông Bernadotte, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển. Câu trả lời của Stalin đã trở nên nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống soái lấy một người lính”. Không những thế ông còn nói: “Chúng tôi không có tù binh mà chỉ có những kẻ phản bội Tổ quốc”.
Ngày 14.4.1943, Yakov chết tại Sachsenhausen mà nguyên nhân đến nay chưa được rõ. Có thể anh bị bắn chết khi trốn chạy, hoặc chết do dính điện cao thế tại hàng rào dây thép gai. Sau cái chết của con trai, Stalin ngay lập tức trả tự do cho Yulia Meltzer.
Năm 1996, ông là Chủ tịch Cộng đồng thừa kế tư tưởng Joseph Stalin (Georgia) và năm 1999 là Chủ tịch Liên minh dân tộc yêu nước Georgia; năm 2001, giữ chức Tổng bí thư đảng Cộng sản (mới) Georgia. Ông mang quốc tịch kép Nga - Georgia, vì thế lúc ông sống tại Tbilisi (Georgia), khi thì ở Moscow (Nga). |
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)