'Hậu duệ mặt trời' phiên bản đời thực của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam

Tuấn Duy
Tuấn Duy
27/05/2024 16:00 GMT+7

Chấp bút bởi nhà báo Nam Kha, 'Mũ nồi xanh - Người đi gieo hạt hòa bình' ghi lại những tâm tư của trung úy lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc - Nguyễn Sỹ Công - tại Nam Sudan.

Những câu chuyện của chiến sĩ mũ nồi xanh Nguyễn Sỹ Công là minh chứng sống động giúp độc giả hình dung rõ nét hơn về cuộc sống nơi chiến tuyến, nơi mọi hiểm nguy luôn rình rập hằng giờ.

Chọn lên đường và dấn thân, trung úy Nguyễn Sỹ Công khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan đã truyền đi cảm hứng về hòa bình và hy vọng. Tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hành trình của anh không chỉ hoàn thành công việc chữa bệnh cứu người mà còn vẽ dáng hình đất nước, mang nụ cười đến cho trẻ em và người dân Phi châu.

'Hậu duệ mặt trời' phiên bản đời thực của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam- Ảnh 1.

Bìa sách Mũ nồi xanh - Người đi gieo hạt hòa bình

K.Đ

Trong tác phẩm này, những người lính không trực tiếp cầm súng mà vẫn có một cách riêng để gìn giữ hòa bình là hoàn thành tốt nhiệm vụ, lan tỏa tinh thần tích cực

Nguyễn Sỹ Công tâm niệm: “Để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh Tổ quốc với bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất là mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào”.

Chọn lấp lánh theo một cách riêng, hành trình của trung úy Nguyễn Sỹ Công tiên phong cho một tuổi trẻ dám dấn thân và trải nghiệm vì lý tưởng hòa bình và sự tiến bộ của thế giới. Trong những trang sách, qua lời kể và hình ảnh, nụ cười luôn hiện diện trên khuôn mặt anh cùng đồng đội. Tất cả như liều thuốc diệu kỳ, xóa tan những nhọc nhằn và căng thẳng nơi chiến tuyến.

Trung tá, bác sĩ khoa sản Bùi Thị Thu Trang - đồng nghiệp Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của tác giả - chia sẻ: "Các câu chuyện cảm động, chân thực đầy tính nhân văn của Công có lẽ phần nào giúp độc giả hiểu được những khó khăn nhưng đầy tự hào, những chuyện vui buồn mà có lẽ nhiều đồng đội của Công cũng sẽ chỉ trải qua một lần trong đời nhưng không bao giờ quên".

Chị nói thêm: "Cuốn tự truyện này là niềm tự hào về ông cha, anh chị đi trước cho sự cống hiến vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình của bộ đội Việt Nam. Qua lời kể của những người trẻ tuổi, câu từ có thể chưa trau chuốt nhưng đó chính là thực tâm của người kể và người viết gửi đến độc giả".

Vẽ dáng hình đất nước với bạn bè năm châu

Giữa bao la xám xịt và đắng ngắt của nghèo đói lẫn nội chiến, trong tác phẩm này, bức tranh châu Phi vẫn lấp lánh hạnh phúc bình dị trong mắt của những sứ giả hòa bình Việt Nam. Ở đó, những anh hùng không mặc áo choàng đã lan tỏa về hình ảnh một Việt Nam kiên cường bất khuất, nhưng cũng rất đỗi thân thương. 

Trong khu căn cứ, trên những cột cờ hay trong các chương trình thiện nguyện, hình ảnh quân nhân Việt Nam qua mắt bạn bè quốc tế là tích cực trong các buổi hội thao, diễu hành quân sự, trao đổi nghiệp vụ, tập huấn chung với các quốc gia khác để học hỏi lẫn nhau…

'Hậu duệ mặt trời' phiên bản đời thực của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam- Ảnh 2.

Hình ảnh từ sách

K.Đ

Qua những câu chuyện và loạt phóng sự ảnh từ Mũ nồi xanh Việt Nam - Người đi gieo hạt hòa bình, bạn đọc sẽ luôn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nền trời, bản đồ đất nước hiện diện kiêu hãnh, thấy gương mặt của mỗi người lính luôn rạng rỡ nụ cười và thấy hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ qua những hành động đẹp. 

Và ở nơi cách xa hàng vạn dặm, dáng hình đất nước vẫn hiện rõ nét qua áo dài, tết Việt Nam, tiếng hô vang “chào cờ” hay những cuộc thiện nguyện ở trường học, làng mạc được tích cực thúc đẩy. Sỹ Công cùng đồng đội đặc biệt quan tâm đến những trẻ em, những công dân nhí Nam Sudan. 

Nam Kha, người chấp bút cho cuốn sách chia sẻ: “Tôi chủ động nhắn tin liên hệ, mong muốn Sỹ Công kể cho mình nghe nhiều hơn về những khó khăn, thử thách mà người lính mũ nồi xanh phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ xa xôi, cách quê nhà Việt Nam hơn 8.500 cây số. Nghe và ghi chép - trước là để thỏa chí tò mò, thích tìm hiểu khám phá ở vai trò một nhà báo, và sau là viết lại để chia sẻ cho độc giả trẻ khắp nơi, hy vọng sẽ phần nào trả lời được câu hỏi “hòa bình là gì?”, từ đó góp phần hun đúc tình yêu đất nước trong trái tim mỗi người trẻ chúng ta”.

Gieo một ước mơ, một lý tưởng công việc hay một cảm hứng sống đẹp từ trang sách vốn là điều không xa lạ. Hành trình trong Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hòa bình mở ra và truyền cảm hứng đến biết bao thế hệ bạn đọc về một nhiệm vụ vất vả, gian lao nhưng vô cùng tự hào. Tin rằng, sau khi đặt cuốn sách xuống, sẽ có một thế hệ tân binh tình nguyện đăng ký lên đường, đến vùng tâm bão. Tất cả vì niềm tin vào một thế giới hòa bình trên mảnh đất Phi châu từ những công dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Nhân dịp tròn 10 năm thành lập lực lượng “Mũ nồi xanh” Việt Nam, vào lúc 9 giờ ngày 8.6 tới, NXB Kim Đồng sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Mũ nồi xanh Việt Nam: Người đi gieo hạt hòa bình tại sân khấu A, Đường sách TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.