Chiều ngọt là bộ phim được chọn chiếu trong buổi lễ tốt nghiệp của khóa 6 - khóa đào tạo biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh cuối cùng của dự án do Quỹ Ford tài trợ. Phim do sinh viên của khóa thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo nước ngoài - đạo diễn Stephane Gauger. Phim dài 20 phút, kể câu chuyện nhẹ nhàng và tinh tế về những phút giây ngọt ngào của hai ông cháu và ba người khách của họ. Không quá duy mỹ, thoại ngắn, hình ảnh trong trẻo, phim khiến người xem bất giác nhớ lại một buổi chiều nào đó của chính mình, và một buổi chiều hè thẳng đứng năm nào của Trần Anh Hùng.
Một bộ phim xinh xắn như thế quả là một chiều ngọt ngào sau “cái chớp mắt” 6 năm đào tạo điện ảnh. Đặc biệt là đào tạo tại nơi chưa từng dạy điện ảnh là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, trên nền khó khăn rộng hơn của điện ảnh nước nhà. “Chúng tôi đã xoay xở để có thể dạy các em bằng những giáo trình đang sử dụng ở Mỹ. Nhờ đó, số tiền để đưa 1 học viên sang học điện ảnh ở Mỹ có thể đủ cho 100 người với chất lượng tương đương”, thầy chủ nhiệm dự án Trần Hinh cho biết.
Lần lượt, các giảng viên của nền điện ảnh Mỹ đã đến như nhà biên kịch Vincent Ngo, GS Michel Renov chuyên về phim tài liệu, GS Zang Zen với chuyên đề điện ảnh Trung Hoa đại lục từ những năm đầu thế kỷ 20, GS David James với chuyên đề các trào lưu phim và đạo diễn Stephane Gauger hướng dẫn làm phim ngắn, bên cạnh các khách mời trong nước. “Sinh viên có hoạt động thực tế tại công ty Megastar, Cinématheque, Viện Phim Việt Nam... Mỗi khóa có 5 phim được tài trợ thực hiện. Học viên cũng đã có phim được chiếu trên BBC”, thầy Trần Hinh nói. Bản thân giáo trình nước ngoài cũng đã được Việt hóa. Chưa kể những bộ phim được trích dẫn trong đó cũng được học viên của dự án làm phụ đề tiếng Việt cho thư viện điện ảnh.
Mời giáo viên điện ảnh nước ngoài không phải bao giờ cũng tốn tiền, và giáo viên tốn tiền chưa chắc là giáo viên tốt
|
|
TS Phạm Xuân Thạch |
Giờ đây, sau cái chớp mắt, dự án điện ảnh sẽ mất đi nguồn tài chính từ Quỹ Ford và phải tự cân đối cho mình. Nói cách khác, dự án sẽ trở về hoàn toàn với đời sống điện ảnh trong nước.
“Có người lo sẽ không còn nguồn tiền để mời giáo viên nước ngoài. Nhưng có thể an tâm về điều đó”, TS Phạm Xuân Thạch - một giảng viên của dự án nói. “Mời giáo viên nước ngoài không phải bao giờ cũng tốn tiền, và giáo viên tốn tiền chưa chắc là giáo viên tốt. Chẳng hạn, ngân sách đại học châu u thường chi trả cho giáo sư đi giảng dạy ở nước ngoài một năm 1-2 lần. Do đó, nhiều giáo sư đến Việt Nam không lấy tiền, kể cả tiền ăn ở. Những giáo sư có uy tín có đủ ngân quỹ để làm điều đó. Nói cho cùng, tiền mời giáo viên nước ngoài không phải chuyện đáng sợ”.
Bản thân nỗi lo thiếu tiền mời giáo viên bắt nguồn từ điều rất “điện ảnh Việt Nam” - luôn phụ thuộc vào tiền bao cấp. Vì thế, dự án đã định và sẽ đi tiếp con đường “tay trắng dựng cơ đồ” của mình, của học viên. Những nhà làm phim độc lập như Phan Đăng Di đã đến để giảng dạy không chỉ cách làm phim. Di luôn chuẩn bị tư tưởng cho các em rằng mình rồi sẽ phải tự đi xin tài trợ, thuyết phục nhà sản xuất một cách chuyên nghiệp.
“Chương trình giảng dạy thời hậu Ford sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Hiện do ảnh hưởng của Phan Đăng Di nên các em được học nhiều về phim độc lập. Nhưng hàng ngàn người làm nghề điện ảnh mới có thể có một nhà làm phim độc lập. Những người khác, tuân theo quy luật của thị trường sẽ trở thành những người làm nhiều thể loại khác để phục vụ xã hội, chẳng hạn phim tài liệu, phim truyền hình” - TS Thạch cho biết.
Ngô An
Bình luận (0)