Nhiều dự án mới hấp dẫn
HĐND tỉnh Hậu Giang vừa thông qua các nghị quyết thống nhất chủ trương thực hiện dự án (DA) khu đô thị mới. Theo đó, DA khu đô thị mới đường công vụ Ba Liên tại xã Vị Trung, H.Vị Thủy (rộng 37,1 ha) kinh phí 550 tỉ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp. DA khu đô thị mới KV.1, P.5 (TP.Vị Thanh) triển khai trên diện tích 42,1 ha, nguồn vốn doanh nghiệp khoảng 2.000 tỉ đồng. Cả 2 DA này hướng đến mục tiêu xây dựng khu nhà ở dân cư, kết hợp chức năng thương mại - dịch vụ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phủ kín quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước đó, HĐND tỉnh Hậu Giang cũng thống nhất chủ trương 3 DA kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại TP.Vị Thanh (trung tâm tỉnh lỵ) và 2 huyện (Châu Thành, Vị Thủy) với tổng kinh phí 4.820 tỉ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết các DA khu đô thị mới nêu trên đều có vị trí hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Cụ thể, DA khu đô thị mới 2 (ấp Phú Xuân, TT.Mái Dầm, H.Châu Thành) nằm không xa quốc lộ Nam Sông Hậu, giáp tỉnh lộ 925, có diện tích gần 11 ha, kinh phí đầu tư 120 tỉ đồng; DA khu đô thị mới tại KV.4, P.5 (TP.Vị Thanh) tọa lạc trên diện tích 27,6 ha, liền kề Khu hành chính UBND tỉnh, kinh phí 2.700 tỉ đồng; DA khu đô thị mới P.5 (TP.Vị Thanh) và ấp 7, xã Vị Trung (H.Vị Thủy) nằm cạnh quốc lộ 61C, diện tích 48,4 ha, kinh phí 2.000 tỉ đồng… Những DA này đều đảm bảo chức năng về môi trường sống tiện nghi, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn và đồng bộ đấu nối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Các DA khu đô thị mới nhằm cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh Hậu Giang về định hướng phát triển đô thị song vẫn đảm bảo hài hòa với tổng thể chung, tạo môi trường sống bền vững vì lợi ích cộng đồng. Đô thị phát triển phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Đô thị của Hậu Giang phải mang sắc thái của vùng ĐBSCL, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân. Những DA này với chức năng nhà ở dân cư kết hợp thương mại, dịch vụ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phủ kín quy hoạch đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.
|
Đô thị phát triển
Thời gian qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch chung đô thị, trong đó có đồ án quy hoạch chung TP.Vị Thanh và vùng phụ cận đến năm 2040, quy hoạch chung đô thị Ngã Bảy đến năm 2040, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Mỹ đến năm 2030, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn đến năm 2030, quy hoạch chung đô thị Xà Phiên đến năm 2030…
Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nếu như năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 15 đô thị (2 đô thị loại 3, 1 đô thị loại 4, 12 đô thị loại 5) thì đến năm 2020 đã có 19 đô thị (TP.Vị Thanh, tỉnh lỵ đô thị loại 2; TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ: đô thị loại 3; 16 đô thị loại 5). Đô thị phát triển góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ gìn, phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khỏe cho người dân. Giai đoạn 2020-2025, Hậu Giang tiếp tục triển khai chương trình phát triển đô thị trên địa bàn, trong đó tập trung đầu tư để 3 đô thị trọng điểm của tỉnh (TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, TX.Long Mỹ) trở thành 3 cực mạnh, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy thương mại, du lịch, dịch vụ phục vụ phát triển đô thị, đồng thời tăng cường phát triển các đô thị vệ tinh, phấn đấu đến năm 2025 Hậu Giang có tỷ lệ đô thị hóa đạt 27,9%...
|
Không chỉ đẩy mạnh phát triển đô thị hiện hữu, Hậu Giang còn tập trung nguồn lực lớn cho phát triển đô thị thông minh. Ngày 2.10 vừa qua, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo các cấp đã tham dự lễ công bố các hệ thống thông tin, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của tỉnh Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước. Hậu Giang xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, làm tiền đề cho việc thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
|
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng phát triển đô thị phải gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, kiến tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án phát triển đô thị, nhà ở tại những địa bàn còn nhiều khó khăn, DA phát triển nhà ở xã hội, DA xây dựng khu tái định cư, DA do nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín đề xuất với quy mô lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; Đồng thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn giúp các DA đang triển khai đảm bảo tiến bộ đã đề ra…
|
Bình luận (0)