Hậu Giang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

27/04/2021 13:31 GMT+7

Tỉnh ủy Hậu Giang đã có nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Lãnh đạo các cấp tham dự sự kiện

Lãnh đạo các cấp tham dự sự kiện

Ảnh: Duy Phương

Môi trường số an toàn

Hiện nay, các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền tại Hậu Giang cơ bản đã được thực hiện trên môi trường mạng từ tỉnh đến cơ sở.
Theo ông Trần Văn Huyến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, hiện 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật) đã được gửi, nhận giữa các cơ quan từ tỉnh đến huyện một cách thông suốt, an toàn. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, 119 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức độ 3, 4 tại địa chỉ (www.dichvucong.haugiang.gov.vn) công khai và minh bạch. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử. Những năm gần đây, Hậu Giang cũng có sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số. Nghị quyết lần này nhằm chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong cơ quan Đảng, chính quyền các cấp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để hoàn thiện chính quyền điện tử, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chính về kết quả chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết nghị quyết yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa chiến lược của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. Công tác xây dựng và phát triển đô thị thông minh là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, chất lượng đời sống cộng đồng trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ số, đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác phát triển kinh tế số là giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh với hiệu quả cao. Doanh nghiệp công nghệ số là nền tảng cho phát triển kinh tế số; đồng thời là lực lượng chủ lực phát triển hạ tầng, dịch vụ, cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hạ tầng thông tin và truyền thông là nền móng trong xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh, kinh tế số. Nghị quyết lần này sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh.

Những con số vươn tới

Nghị quyết nêu rõ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% cấp xã. Các khu công nghiệp được phủ sóng 5G trong năm 2021. Tỉnh sẽ sớm đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và nâng cấp, hoàn thiện trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách thúc đẩy, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; đổi mới môi trường sáng tạo, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ số, thương mại điện tử trên toàn địa bàn. Hậu Giang khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số và đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đô thị thông minh đang là đích đến của tỉnh Hậu Giang

Đô thị thông minh đang là đích đến của tỉnh Hậu Giang

Ảnh: An Nhiên

Theo ông Lê Tiến Châu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nghị quyết yêu cầu triển khai đồng bộ các dịch vụ đô thị thông minh tại TP.Vị Thanh (Tỉnh lỵ Hậu Giang); đồng thời phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng tối đa công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập. 100% cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số. Nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sạch và tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Toàn tỉnh tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất được xây dựng phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Cơ quan hữu quan thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm…
“Cơ quan chức năng sớm rà soát, nghiên cứu, ban hành chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; từng bước hình thành hệ sinh thái phát triển kinh tế số trong đó tập trung ưu đãi về thuế, chi phí liên quan đến đất đai; hỗ trợ về hạ tầng viễn thông, internet, điện, nước; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số; chính sách nhà ở xã hội cho người lao động; các dịch vụ cần thiết khác để giúp doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trên địa bàn. Hậu Giang đẩy nhanh việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh về an ninh, trật tự an toàn giao thông; quản lý đô thị, quản lý năng lượng chiếu sáng; cung cấp các dịch vụ về giáo dục thông minh, y tế thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; thí điểm các mô hình và dịch vụ cấp cơ sở thông minh tại các trung tâm đô thị và xã nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Lê Tiến Châu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.