Dồn sức chống lũ
Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết mực nước cuối tháng 9.2011 tại thị xã Ngã Bảy đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Qua kinh nghiệm nhiều năm cho thấy nếu lũ thượng nguồn sông Cửu Long vượt báo động 3 (BĐ3) thì lũ ở hạ nguồn Hậu Giang sẽ hết sức phức tạp, ngập kéo dài trong nhiều tháng. Đợt triều cường lớn trong tháng 10 âm lịch tới đây sẽ tiếp tục gây khó tại nhiều nơi. Các vườn cây ăn trái ở H.Châu Thành và thị xã Ngã Bảy; mía ở H.Phụng Hiệp và diện tích lúa chưa thu hoạch ở các huyện còn lại đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại nặng nề.
Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành Nguyễn Văn Phiên cho biết huyện đã cho di dời khẩn cấp những hộ sống nơi có nguy cơ sạt lở cao và thành lập các đội ứng phó, trực 24/24 tại vùng xung yếu nhất. Tường gạch ngăn nước cũng đã được xây tại nhiều nơi nhằm bảo vệ công trình, nhà cửa, vườn cây. Tuyến đê cặp kênh Hai Chấm tại ấp Tân Long (xã Đông Phước A) dài 620m, rộng 6m đang tiếp tục tôn cao để bảo vệ hơn 300 ha vườn cây ăn trái trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT H.Phụng Hiệp nhấn mạnh trong số 4.711 ha vườn của huyện thì 2.092 ha cây có múi cần được bảo vệ nghiêm ngặt bởi nếu để nước lũ ngập sâu là cây sẽ chết tràn lan. “Mới đây, thường trực UBND tỉnh đã kêu gọi Hiệp hội mía đường Việt Nam cho phép 10 nhà máy đường khu vực ĐBSCL tăng cường suất hoạt động để cùng chia sẻ vùng nguyên liệu hơn 6.000 ha mía của Hậu Giang. Tỉnh đã chỉ đạo huyện Phụng Hiệp phải xem xét kỹ những vùng nào mía bị ngập sâu dài ngày có nguy cơ thiệt hại lớn thì hướng dẫn các nhà máy thu mua càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết.
Thiệt hại tăng cao
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn cho rằng ngập lụt diễn ra trên địa bàn Hậu Giang hết sức phức tạp, mức độ rất nghiêm trọng. Mưa nhiều trên diện rộng. Lượng mưa lớn kết hợp nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về cùng với triều cường biển Đông đã làm mực nước dâng cao gây ngập lụt trên toàn tỉnh, làm thiệt hại về cơ sở hạ tầng nông thôn, lúa thu đông, vườn cây ăn trái, mía, thủy sản. Cụ thể, lũ lớn đã gây sạt lở đất tại 9 điểm (chiều dài 285m, mất đất bờ sông 2.162m2), làm ngập 5.400 ha lúa thu đông (545 ha mất trắng), 1.893 căn nhà, 8 nhà thông tin, 15 điểm trường. Nước tràn trên độ dài 102.420m (lộ, đê, cống, đập) gây hư hại nhiều nơi. 2.843 ha vườn cây ăn trái, hoa màu, thủy sản bị ngập. 6.220 ha mía ngâm trong nước với độ sâu từ 10-30 cm (3.500 ha bị thiệt hại nặng). Đến thời điểm này toàn tỉnh ước tổng thiệt hại khoảng 124 tỉ đồng.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư dự báo từ ngày 24-29.10, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục biến đổi chậm. Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) lên theo kỳ triều cường. Đến 27.10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu (sông Tiền) là 4,7m (trên BĐ3: 0,2m), tại Châu Đốc (sông Hậu) ở mức 4,25m (trên BĐ3: 0,25m); các trạm chính vùng nội đồng ĐTM, TGLX lên mức BĐ3, có nơi trên BĐ3 từ 0,1- 0,4m… “Lũ đầu nguồn sông Cửu Long nếu duy trì cao như vậy thì vùng hạ nguồn Hậu Giang ngập lụt ngâm rất lâu. Tổn thất vì thế sẽ rất khó lường”, ông Nguyễn Văn Đồng lo lắng.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)