54 xã thuộc tỉnh Hậu Giang tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có 11 xã điểm. Mới đây, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh Hậu Giang đã sơ kết công tác giai đoạn 2010 - 2012 và triển khai kế hoạch 2013 - 2015.
Mô hình đa dạng
Bộ tiêu chí (TC) quốc gia về NTM gồm 19 TC, trong đó nhiều TC muốn xây dựng đạt chuẩn không phải dễ. Cụ thể đó là TC 6 (cơ sở vật chất văn hóa), TC 10 (thu nhập), TC 12 (cơ cấu lao động), TC 13 (hình thức tổ chức sản xuất), TC 17 (môi trường)… Hơn 2 năm qua, 11 xã điểm và 43 xã diện xây dựng NTM của Hậu Giang đã nỗ lực rất lớn nhằm mang lại bộ mặt mới cho nông thôn. Nói về việc thực hiện TC 17, bà Nguyễn Thị Thắm (ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, H.Châu Thành) nêu cách thức xây dựng hố rộng 1,5 m, sâu 1,5 m, dài 2 m, bên trên có nắp đậy kín để thực hiện mô hình hố rác gia đình. Rác sau khi phân loại, bỏ vào hố ủ lâu ngày sẽ trở thành phân bón cây, trồng rau rất tốt. Ấp Phước Thạnh đến nay hầu hết các hộ đều tham gia làm hố rác gia đình, hố rác liên gia hợp vệ sinh, đảm bảo môi trường. Ông Lê Văn Buôl, hội viên Hội Nông dân xã Vị Thanh (H.Vị Thủy) cho biết phương thức thực hiện xây dựng nhà dân cư đảm bảo cuộc sống theo TC 9. Theo đó, các hội viên thành lập tổ hùn vốn cất nhà với trên 20 thành viên. Sau mỗi vụ lúa, các thành viên góp tổng cộng hơn 200 triệu đồng (không tính lãi) giúp cho một hộ thành viên khó khăn nhất cất nhà và cứ thế xoay vòng. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND H.Châu Thành, kinh tế tập thể bao gồm tổ hợp tác và hợp tác xã là chỗ dựa vững chắc cho nông dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình cụ thể. Thời gian qua, trên địa bàn H.Châu Thành đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả theo TC 13. Đó là các mô hình: sản xuất bưởi hồ lô (xã Phú Tân, thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm), trồng chanh không hạt (xã Đông Thạnh, thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm), trồng mít Thái (xã Đông Phước A, thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm), sản xuất dưa hồ lô (xã Đông Phú, thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm)…
|
Khó mấy cũng phải làm
Ông Phạm Văn Mun, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến (TP.Vị Thanh) tâm sự rằng người dân nông thôn vẫn chưa thể bỏ ngay được tập quán đi “cầu cá”. Do vậy, chính quyền kêu gọi dân làm hố xí tự hoại, bỏ rác đúng chỗ cho hợp vệ sinh là cả một quá trình dài và cần phải kiên trì. Muốn dân làm hố xí hợp vệ sinh, chính quyền xã phải đi liên hệ ngân hàng chính sách xã hội và vận động hộ dân làm thủ tục vay vốn trả dần trong 5 năm với lãi suất ưu đãi để thực hiện. Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND H.Vị Thủy thông báo đối với TC 6 và TC 17 địa phương đã lên kế hoạch cụ thể tuy nhiên vẫn chưa có vốn để thực hiện. Kinh phí cho xây dựng NTM quả là một bài toán khó.
|
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng ban Ban chỉ đạo NTM tỉnh Hậu Giang, nguồn vốn hằng năm bố trí cho chương trình còn hạn hẹp, quá thấp so với nhu cầu kinh phí mỗi năm của địa phương trên cơ sở các đề án đã được duyệt. Qua 2 năm, kinh phí trực tiếp bố trí cho chương trình từ T.Ư đối với Hậu Giang chỉ có trên 18,3 tỉ đồng, so với nhu cầu vốn ngân sách hằng năm cho xây dựng NTM đã đến 2.500 tỉ đồng. Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng bên cạnh khó khăn về vốn, một số tiêu chí NTM do T.Ư quy định lại khó áp dụng đại trà. Thông tư hướng dẫn xây dựng NTM của T.Ư nhiều chỗ lại không rõ ràng. Cơ chế phối hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia chưa thật sự tốt. Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng chưa vào cuộc với NTM một cách quyết liệt… “Khó khăn vẫn còn nhiều song Hậu Giang quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 sẽ có ít nhất 11 xã điểm NTM đạt chuẩn quốc gia”, ông Chánh tuyên bố.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)