Hầu hết trường đại học Việt Nam có cơ sở vật chất ở mức dưới 'chuẩn mực'

Quý Hiên
Quý Hiên
06/03/2023 20:29 GMT+7

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam rất thấp. Hầu hết trường đại học Việt Nam đều có cơ sở vật chất ở mức dưới "chuẩn mực" chung của thế giới.

Tỷ trọng chi cho giáo dục đại học chỉ bằng 1/5 - 1/6 ASEAN 

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT, hầu hết trường ĐH Việt Nam đều có cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu so với quy mô đào tạo nếu so với chuẩn mực chung của thế giới. Phát biểu này được bà Thuỷ nêu ra hôm nay 6.3, tại Hội nghị tổng 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. 

Hầu hết trường đại học Việt Nam có cơ sở vật chất ở mức dưới 'chuẩn mực' - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ GDĐH, hầu hết trường ĐH Việt Nam đều có cơ sở vật chất ở mức dưới "chuẩn mực"

THẾ ĐẠI

Bà Thuỷ đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ một số vấn đề trong phát triển GDĐH. Khi nói đến những khó khăn vướng mắc, bà đã nhấn mạnh đến một số vấn đề có tính chất "điểm nghẽn" của GDĐH Việt Nam hiện nay. 

Trong đó, nguồn lực và cơ chế tài chính cho GDĐH được cho đang là điểm nghẽn lớn nhất. Bởi ngay cả những thách thức về phát triển đội ngũ giảng viên; đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất; tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo (nhất là sau ĐH) cũng nằm ở sự thiếu hụt nguồn lực và bất cập trong cơ chế tài chính.

Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và nguy cơ tụt hậu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cản trở thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Bà Thuỷ cho biết, theo số liệu Bộ Tài chính cung cấp, dự toán ngân sách nhà nước chi cho GDĐH năm 2020 là 16.703 tỉ đồng (xấp xỉ 330 USD/sinh viên), tương ứng 0,96% tổng chi ngân sách nhà nước. Xét trong "miếng bánh lớn" ngân sách nhà nước chi chung cho GD-ĐT, phần chi cho GD ĐH chỉ chiếm 4,62%, và chiếm tỷ trọng 0,27% GDP, thấp nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới (chỉ bằng 1/5 đến 1/6 tỷ trọng trung bình của các nước OECD và một số nước khu vực ASEAN).

Nhưng thực chi còn thấp hơn nữa, 11.327 tỉ đồng, tương ứng 0,65% tổng chi ngân sách nhà nước (4,06% ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT, chiếm tỷ trọng 0,18% GDP).

Trong hội nghị về tự chủ GD ĐH tổ chức hồi tháng 8.2022, Bộ GD-ĐT đã chia sẻ thông tin sau:

Thống kê cho thấy chi đầu tư cho giáo dục ĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia (Hàn Quốc 1%; Pháp 1,25%; Anh 1,29%; Úc 1,54%; New Zealand 1,63%; Phần Lan 1,89%). Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam: Thái Lan 0,64%; Singapore 1%; Maylaysia 1,13%. Hoặc Trung Quốc cũng 0,87%.

Có thể thấy, đầu tư cho GDĐH chưa thực sự được coi trọng trong hệ thống GD-ĐT ở nước ta, chưa tương xứng vai trò then chốt về phát triển nguồn nhân lực và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước).

Đã vậy, cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho GDĐH hiện nay chưa chưa gắn với năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDĐH. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và đấu thầu đối với một số ngành thiết yếu chưa được thực hiện, hoặc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách tín dụng sinh viên đã nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhưng lãi suất vay còn khá cao và thời hạn trả nợ vẫn tương đối ngắn, vì vậy vẫn hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều nhóm đối tượng sinh viên.

Chi cho cơ sở vật chất chỉ xấp xỉ 5%

Cùng với đó, hệ thống cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều, quy mô đào tạo rất khác nhau, nhiều trường tư thục và trường trực thuộc địa phương có quy mô nhỏ và rất nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp và hoạt động kém hiệu quả. Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH nhằm tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của toàn hệ thống là một thách thức lớn đối với ngành.

Hầu hết trường đại học Việt Nam có cơ sở vật chất ở mức dưới 'chuẩn mực' - Ảnh 3.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

THẾ ĐẠI

Theo bà Thuỷ, về quy mô đào tạo ĐH, dù tăng trở lại khá nhiều từ năm 2019, sau quá trình suy giảm hoặc không tăng từ năm 2014 (năm có quy mô đào tạo cao nhất trong giai đoạn trước); tuy nhiên, tỷ lệ 215 sinh viên/vạn dân là còn thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối OECD. Để đạt được chỉ tiêu 260 sinh viên/vạn dân đặt ra cho năm 2030 là một thách thức rất lớn cho GDĐH Việt Nam.

Trong khi quy mô đào tạo ĐH có xu hướng tăng thì quy mô đào tạo sau ĐH ở nước ta rất thấp và không tăng trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đáng lo ngại là tỷ trọng quy mô đào tạo sau ĐH khối ngành STEM còn thấp hơn nhiều.

Hầu hết trường đại học Việt Nam có cơ sở vật chất ở mức dưới 'chuẩn mực' - Ảnh 4.

Số liệu chi ngân sách nhà nước cho GDĐH giai đoạn 2018 - 2020

NGUỒN BỘ GD-ĐT

Đội ngũ giảng viên của các cơ sở GDĐH trên toàn quốc đã phát triển nhanh cả về số lượng, trình độ và năng lực. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên và tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng cao trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, các tỷ lệ này đều rất thấp so với chuẩn mực chung của thế giới và đây là một điểm nghẽn lớn trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

Tương tự, số giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư đã tăng nhiều so với năm 2008, nhưng vẫn được đánh giá là thấp so với cả nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Về năng lực nghiên cứu khoa học, mặc dù số lượng công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH tăng rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng đạt tỷ lệ trung bình toàn quốc vẫn khá thấp so với chuẩn mực chung của các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới.

Về hạ tầng và cơ sở vật chất, so với các cơ sở GDĐH trong khu vực và thế giới trên nhiều phương diện thì hạ tầng và cơ sở vật chất của các cơ sở GDĐH Việt Nam có thể xếp vào mức thấp nhất. Về diện tích khuôn viên và diện tích xây dựng, hầu hết các cơ sở GDĐH không đáp ứng được yêu cầu so với quy mô đào tạo nếu đối sánh với chuẩn mực chung của thế giới.

Về đầu tư cơ sở vật chất, theo khảo sát của Bộ GD-ĐT năm 2022 trên 135 cơ sở GDĐH, tỷ trọng chi trung bình cho cơ sở vật chất của các trường chỉ chiếm xấp xỉ 5% tổng chi hàng năm. Trong khi suất chi trên đầu sinh viên của các cơ sở GDĐH đã là rất thấp. Với hiện trạng cơ sở vật chất còn khó khăn như hiện nay, tỷ lệ chỉ 5% này sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với các cơ sở đào tạo lĩnh vực y dược, khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Để thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức cả về lượng và chất phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần thiết phải có nghị quyết mới cho giai đoạn mới, trong đó Bộ GD-ĐT đề xuất một số định hướng giải pháp chủ chốt:

Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ của GDĐH, nhất là đối với đào tạo sau ĐH, gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDĐH.

Thứ hai, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, tăng cường đầu tư tài chính và nguồn lực cho các cơ sở GDĐH, nâng cao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH trong hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung, để ngân sách nhà nước là đầu tầu dẫn dắt đầu tư từ các nguồn khác.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.