Dự án này liên quan Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi Vũ “nhôm”), bị Thanh tra Chính phủ và tòa án yêu cầu thu hồi, nhằm khắc phục hậu quả thất thoát ngân sách, trong khi dự án đã bán hàng hơn 1.000 sản phẩm, thu hàng ngàn tỉ đồng.
Đây là một trong số hàng loạt dự án treo nhiều năm qua khi Đà Nẵng bị Chính phủ, bộ ngành T.Ư “tuýt còi”, với các nguyên nhân như: giao đất không qua đấu giá, hoặc thủ tục, pháp lý không đảm bảo, khiến nhiều dự án không thể triển khai, có DA kéo dài tận 10 năm vẫn trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Do hậu quả của vụ việc nêu trên, thời gian qua nhiều cá nhân liên quan đã phải trả giá, không chỉ nhiều lãnh đạo, cán bộ Đà Nẵng cùng Vũ “nhôm” phải chịu trách nhiệm và cảnh tù tội liên quan Dự án Đa Phước, mà hàng ngàn người dân và nhiều doanh nghiệp cùng hàng chục ngàn tỉ đồng và hàng ngàn héc ta “đất vàng” đang mắc kẹt, “đóng băng”.
Không chỉ vậy, nhiệm kỳ vừa qua, TP.Đà Nẵng đã mất rất nhiều thời gian để giải quyết hậu quả, lập nhiều tổ công tác tháo gỡ vướng mắc dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và bản án của tòa. Cho dù có tháo gỡ được về mặt thủ tục, thì doanh nghiệp cũng thêm thiệt hại khi phải khắc phục hậu quả, bổ sung nghĩa vụ tài chính cho ngân sách.
Sau giai đoạn phát triển nóng, có lúc “vượt rào”, đã đến lúc Đà Nẵng cũng như các địa phương, và nhất là doanh nghiệp, cần kỹ càng hơn. Bởi lẽ, nếu cơ quan nhà nước và doanh nghiệp qua loa thủ tục, thì khi “cây kim trong bọc lòi ra”, hậu quả phải gánh chịu rất to lớn và kéo dài. Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước hay các dự án “đóng băng” khác là bài học nhãn tiền.
Bình luận (0)