Hậu sự phi tần triều Nguyễn: Những nấm mộ bị 'lãng quên'

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
25/04/2018 09:29 GMT+7

Sau sự cố mộ phi tần bị san phẳng để làm bãi đỗ xe, dư luận quan tâm nhiều hơn đến chốn tam cung lục viện triều Nguyễn và bất ngờ phát hiện vẫn có những nấm mồ hoang phế...

Dân gian xứ Huế vẫn lưu truyền câu ca dao: Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng tám lầu xanh/ Ba cửa thẳng hai cửa quanh/ Sinh em ra làm phận con gái/ Chớ nên hỏi chốn kinh thành làm chi. Lại có câu khác, gọn ghẽ hơn: "Đưa con vô Nội". Tất cả ngụ ý đến thân phận “một đi không trở lại” của các cung tần mỹ nữ chốn hậu cung triều Nguyễn. Bởi một khi đã vào cung, họ là người của vua; khi chết cũng được chôn cất, xây dựng lăng mộ theo điển chế triều Nguyễn.
Theo TS Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế, quy định chốn nội cung triều Nguyễn từ thời Minh Mạng trở đi có 9 bậc. Bao gồm: Nhất giai (gồm quý phi, hiền phi, thần phi); Nhị giai (gia phi, thục phi, huệ phi); Tam giai (quý tần, hiền tần, trang tần); Tứ giai (đức tần, thục tần, huệ tần); Ngũ giai (an tần, hòa tần, lệ tần); Lục giai (tiệp dư); Thất giai (quý nhân); Bát giai (mỹ nhân); Cửu giai (tài nhân). Trên Nhất giai, đặt một hoàng quý phi để giúp hoàng hậu giữ nội chính cho được tề chỉnh. Tên thụy cũng có phép tắc. Chưa kể, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục (thời Minh Mạng) quy định cách thức nhà thờ ở lăng và mộ các phi tần. Trong đó, từ tiệp dư (hàng Lục giai) trở xuống, các mộ phía trong xây tường gạch cao 3 thước 2 tấc, dài 2 trượng 1 thước, chiều ngang 1 trượng 8 thước; bên ngoài tường gạch cao 4 thước, dài 3 trượng 6 thước, chiều ngang 3 trượng 2 thước…
Bỏ sót?
Trở lại vụ san ủi mộ bà phi tần của vua Tự Đức hồi tháng 6.2017 (Thanh Niên đã phản ánh), UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có chủ trương di dời nhưng con cháu Nguyễn Phúc tộc vẫn đang phản đối. Cả họ Nguyễn Bặc (thủy tổ của họ Nguyễn VN, ở Ninh Bình), họ Nguyễn Công chi Gia Miêu, Thanh Hóa (cội nguồn vương triều nhà Nguyễn) cũng lên tiếng ủng hộ con cháu Nguyễn Phúc tộc ở Huế.
Trong công văn ngày 19.7.2017, Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học và Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc để có phương án thích hợp, vừa phát huy giá trị di tích vừa tìm được sự đồng thuận giữa các bên. Nhưng đến hôm qua 24.4, việc xử lý đối với ngôi mộ bà phi tần họ Lê vẫn chưa đạt được sự “đồng thuận” sau hơn 9 tháng phát lộ.
Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh (trú tại Vỹ Dạ, TP.Huế) cũng vừa tìm thấy nhiều mộ phi tần triều Nguyễn hoang phế. Như ngôi mộ nằm tại số nhà 56 Huyền Trân Công Chúa (P.Thủy Xuân, TP.Huế) của bà Tài nhân họ Trương, không rõ niên đại. Ngoài ra, theo các thành viên Nguyễn Phúc tộc, ngôi tẩm mộ của bà Tam giai họ Hồ nằm ở vòng ngoài gần cổng sau lăng Tự Đức cũng trong tình trạng hoang phế… Những "sự cố" nêu trên đang đặt ra cho các cơ quan chuyên môn tại Thừa Thiên - Huế sự cần thiết phải quan tâm nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ và đề xuất hướng bảo tồn… đối với mộ phi tần triều Nguyễn.
Từ lâu, triều Nguyễn đặt ra cách quản lý lăng mộ phi tần, trong đó “khoanh vùng” 8 trượng, trồng cỏ hoa; cho đắp đường riêng từ bến đò đến nhà thờ ở lăng mộ để tiện cho việc viếng thăm… Dân sở tại bị nghiêm cấm chôn trộm phần mộ, thả trâu dê trong vùng giới hạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.