Chương trình do Lê Hải Yến làm tổng đạo diễn, cùng sự tham gia, góp sức của những tên tuổi như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Đức Trí, tổng biên đạo Tấn Lộc, cố vấn kỹ thuật - nghệ nhân Văn Tòng, nhà thơ Vi Thùy Linh tham gia viết lời bình... Sự "liên tài" giữa những tên tuổi lớn khiến nhiều người háo hức trước chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tổng duyệt:
Suốt nhiều ngày qua, hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ cùng ê-kíp gần 500 nhân viên, kỹ thuật, hậu trường… đã làm việc, tập luyện ngày đêm để chuẩn bị cho chương trình. Theo tổng đạo diễn Lê Hải Yến, mỗi ngày, bất kể những mưa nắng, cả ê-kíp, nghệ sĩ, diễn viên… đều quy tụ đông đủ tại sân khấu tập luyện, hoàn tất các hạng mục kỹ thuật
Quá trình tập luyện những ngày qua thường bắt đầu từ đầu giờ chiều đến xuyên đêm, nhiều hôm đến 5 giờ sáng. Các nội dung của 5 chương trong vở đại nhạc kịch được đánh giá phức tạp do đan cài giữa nghệ thuật và yếu tố lịch sử, kết hợp công nghệ mới đòi hỏi mỗi nghệ sĩ, diễn viên, quần chúng đều phải tập dượt nghiêm túc
Sân khấu có sự kết hợp các yếu tố vừa hiện đại, tối tân vừa mang tính trình diễn nghệ thuật cao, nhằm mang đến một câu chuyện lịch sử của TP.HCM hoành tráng, xúc động dễ dàng làm lay động trái tim khán giả
Phim trường chuyển động liên tục, bối cảnh được thay đổi và di chuyển như phim điện ảnh, lúc ở trên bờ, lúc ở dưới sông, lúc thì trên tàu với hệ thống đạo cụ khổng lồ
Chương trình thiết kế hàng ngàn phục trang cho mỗi màn diễn khác nhau, các trang phục đều đo ni đóng giày cho từng diễn viên, nhân vật... tạo nên một không khí cực kỳ điện ảnh, mãn nhãn
Mặc dù rất vất vả trong chuẩn bị và tập luyện cho chương trình, nghệ sĩ, diễn viên đều hào hứng cho đêm diễn, mong sức lực nhỏ bé của mình có thể góp sức cho một chương trình nghệ thuật mang dấu ấn nổi bật trong phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút du lịch, trong xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp hơn
Nhạc sĩ Đức Trí trong vai trò giám đốc âm nhạc chương trình cho biết: "Từ trước tới nay tôi thường làm các chương trình giải trí, đây là lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình đặc biệt về lễ hội. Là một người dân của thành phố, thật lòng tôi thấy mình rất hân hạnh được tham gia chương trình này. Ý nghĩa lịch sử của chương trình là lý do quan trọng để tôi nhận lời"
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam với vai trò đạo diễn sân khấu chia sẻ mặc dù chương trình năm nay khó hơn, nhiều thách thức hơn về thể loại khi tổng đạo diễn Lê Hải Yến lựa chọn nhạc kịch - thể loại rất thách thức bởi nhạc kịch thường trình diễn trong nhà hát, âm thanh, hát, diễn và khán giả cần nghe - xem ở cự li gần, thì ở đây là sân khấu rộng ngoài trời, xa khán giả, phải làm thế nào để người xem vẫn thấy gần gũi, nghe, xem, cảm, hiểu được câu chuyện…
Đồng thời chương trình còn liên quan tới câu chuyện về lãnh tụ, phải làm sao giữ tính chính xác của tư liệu lịch sử, dễ cảm, lại vừa có tính khái quát ước lệ, để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả
Tổng biên đạo Tấn Lộc cho biết họ sử dụng nhiều loại hình về biểu diễn trong múa như múa đương đại, jazz, hiphop, ballet… để thể hiện các nội dung, các chương trong chương trình
Chương trình sẽ tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu. Đây được xem là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại
Chương trình huy động khối lượng đèn LED lớn nhằm nổi bật lên trên những yếu tố thị giác, thính giác, sự mãn nhãn của các yếu tố công nghệ sân khấu hiện đại
Chương trình đang bước vào những hoạt động chuẩn bị cuối cùng trước thềm đêm diễn chính thức vào tối 31.5
Nữ đạo diễn Lê Hải Yến khao khát đưa những câu chuyện lịch sử trở thành những sản phẩm văn hóa du lịch, để lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế
Bình luận (0)