Hậu trường eSports: Bản lãnh truyền thông và nấc thang chuyên nghiệp

Hạ San
Hạ San
26/08/2016 16:00 GMT+7

Bản lãnh truyền thông, khả năng ứng đối với báo giới... là kỹ năng quan trọng của bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào tại Việt Nam. Dù vậy, với bộ môn non trẻ thể thao điện tử (eSports), cá nhân tuyển thủ lẫn các đội tuyển đều chưa thật sự đặt nặng vấn đề này.

Năm 2014, lứa tuyển thủ U19 Việt Nam của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tỏa sáng tại đấu trường Đông Nam Á, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn... trở thành từ khóa có độ phủ sóng bậc nhất trên rất nhiều trang báo, trang tin lớn tại Việt Nam. Nhu cầu của độc giả là vô cùng khổng lồ, khiến việc "săn lùng" tin tức liên quan đến U19 trở thành mảng công việc được ưu tiên hàng đầu.

Giữa cơn "bão" truyền thông đó, những tuyển thủ xuất thân từ "lò đào tạo Bầu Đức" vẫn điềm tĩnh, cân bằng và cư xử chuyên nghiệp trước hàng triệu đôi mắt, đôi tai đang dò xét từng bước chân của họ. Không hề có một câu nói hớ hênh, chẳng có hành động quá lố nào, thậm chí ngay đến một status mạng xã hội "trẻ con" thường thấy ở độ tuổi của họ cũng chẳng được đăng tải. Ngược lại, các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai thể hiện phẩm chất vô cùng chuyên nghiệp khi đối đáp với hàng chục chiếc micro và ống kính đang chĩa về phía mình.

Hoàng anh gia lai

Dĩ nhiên, bản lãnh truyền thông của các thành viên U19 Hoàng Anh Gia Lai không xuất hiện một cách tự phát, mà đến từ quá trình đào tạo, chuẩn bị rất chu đáo của ban lãnh đạo học viện Hoàng Anh Gia Lai. Nhìn rộng hơn, trong môi trường thể thao chuyên nghiệp, kỹ năng, bản lãnh truyền thông là một trong những yếu tố luôn song hành, đóng vai trò quan trọng đối với các vận động viên.

Vậy với thể thao điện tử (eSports) - bộ môn non trẻ nhưng thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, câu chuyện "bản lãnh truyền thông" đã được chuyên nghiệp hóa đến nấc thang nào?

Chai nước suối và những buổi gặp "khó hơn lên trời"

Năm 2015, tôi có dịp tác nghiệp trong một sự kiện gặp gỡ fan của tuyển thủ Optimus - khi ấy đang khoác áo Saigon Fantastic 5. Đây là thời điểm Optimus đang ở đỉnh cao phong độ, được xem là một trong những tuyển thủ xuất sắc nhất tại Việt Nam khi tuổi đời vẫn còn rất trẻ. Dù vậy, người đi đường giữa tài năng này lại khiêm tốn, vui vẻ và cởi mở trong các cuộc trao đổi với chúng tôi. Bẵng đi vài tháng, gặp lại Optimus tại GPL Mùa Hè 2015, anh chàng vẫn dí dỏm, ứng đối tốt với giới báo chí, trái ngược với truyền thống "kín tiếng" của đồng đội mình tại Boba Marines (sau này là Gigabyte Marines). Trên thực tế, Optimus luôn khôn khéo, nhanh nhạy và có khả năng biến hóa như "tắc kè bông", dù đó là một cuộc phỏng vấn chính thống, hoặc buổi streaming thuần túy giải trí.

Optimus SF5

Tuy vậy, những trường hợp sở hữu khả năng làm việc với truyền thông vững vàng như Optimus có thể xem là rất cá biệt, so với mặt bằng chung tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam. Một phần đến từ sự dè chừng đối với các trang tin game - vốn thường xuyên khai thác mảng đời tư của các tuyển thủ eSports, khả năng ứng đối với báo chí không cao,... nhưng trên hết, lý do chủ yếu vấn đến từ vấn đề "quán triệt tư tưởng" không cởi mở, thấu đáo từ cấp đội tuyển, quản lý.

Không những thiếu kỹ năng làm việc với truyền thông, nhiều tuyển thủ eSports Việt còn sở hữu góc nhìn khá "lạ" về các đơn vị báo chí trong ngành thể thao điện tử. Khi liên hệ với một vận động viên khá nổi tiếng trong cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam để phỏng vấn lấy tin, chúng tôi được tuyển thủ này... treo giá 5 triệu, xem như là thù lao gặp mặt, cộng tác.

Ở một câu chuyện khác, khi tiếp xúc với tuyển thủ trẻ tuổi đang thi đấu cho một đội tuyển tại giải VCSB, chúng tôi được anh chàng yêu cầu phải... ngồi bệt xuống đất để camera có góc nhìn từ dưới lên, khiến cho cậu ta trở nên "ngầu" hơn trong ống kính.

Hoàng luân

Đáng chú ý, những tình huống "dở khóc dở cười" mà chúng tôi va chạm trong quá trình tác nghiệp, đều diễn ra đối với thế hệ tuyển thủ trẻ tuổi. Những tên tuổi đàn anh của làng eSports Việt như Nixwater, Safety, Junie, BaRoiBeo, Hoàng Luân, Bá Nhật... đều là những người có phong thái chuyên nghiệp, bản lãnh, thậm chí ngay cả trong tình huống họ phải làm việc "bất đắc dĩ" với giới báo chí.

Ở cấp đội tuyển, ban quản lý Saigon Jokers có thể xem là những người thật sự hướng tuyển thủ của mình theo hướng chuyên nghiệp nhất, thể hiện qua cách làm việc của đội tuyển với báo chí, mà cụ thể là chúng tôi.

Bản lãnh truyền thông

HLV Lee In-Choel luôn lịch thiệp, chân thành và dành sự tôn trọng lớn cho giới báo chí Việt, cả người quản lý đội và từng thành viên của Saigon Jokers cũng thế. Trong đó, hai thành viên tôi ấn tượng nhất chính là Lovida và Warzone - những người đi đường giữa hàng đầu trong lịch sử đội tuyển Saigon Jokers. Ngoài sự chuyên nghiệp và cởi mở, cả hai đều gây ấn tượng bởi nét chân thành, gần gũi. Có lần, sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, Warzone nhận nước từ Ban tổ chức và chủ động mời các anh/chị phóng viên có mặt trong phòng. Hành động này tuy nhỏ, nhưng nó cho thấy sự tinh tế, cầu tiến và chuyên nghiệp của chàng chai trẻ tuổi. Cũng chính vì tính cách này, không ai ngạc nhiên khi Saigon Jokers vừa chiến thằng ván thứ 5 trước Bangkok Titans tại kỳ GPL vừa rồi, Warzone đã "quẳng" chiếc cup lại sàn đấu, chày ùa đi tìm Lovida để kéo đồng đội của mình lên sân khấu cùng ăn mừng.

Kỹ năng ứng xử: Câu chuyện hai chiều

Dù vấn đề bản lãnh báo chí của tuyển thủ/đội tuyển vẫn được xem là mặt yếu của nền thể thao điện tử Việt. Tuy nhiên, câu chuyện này không đơn thuần xuất phát từ phía vận động viên, mà còn chịu ảnh hưởng một phần bởi các tờ báo, trang tin... tác nghiệp trong ngành game.

Khác với nhiều bộ môn thể thao khác, vận động viên eSports có tính tương tác rất cao với khán giả và game thủ, nhờ vào các kênh streaming, mạng xã hội, cũng như đặc thù cộng đồng của ngành game. Nhất cử nhất động của các tuyển thủ - đặc biệt trong bộ môn Liên Minh Huyền Thoại - đều ít nhiều nhận được sự quan tâm lớn. Như một hệ quả tất yếu, mức độ thông tin về các tuyển thủ càng dày, càng đa dạng, thì càng dễ xảy ra những câu chuyện "lùm xùm", tin đồn không chính xác, hoặc những chiêu trò truyền thông. Đây là điều đã và đang xảy ra hàng ngày trong cộng đồng eSports Việt Nam.

Saigon Jokers

Chính những sự tương tác theo tính chất khá tiêu cực này, tuyển thủ eSports càng lúc càng e dè, xa cách với giới báo chí, ngay cả những đơn vị quản lý cấp đội tuyển, đơn vị tài trợ... cũng sở hữu cách ứng xử tương tự, đặc biệt trong thời điểm xảy ra những cuộc "khủng hoảng truyền thông". Không ít lần, các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam đã tìm cách thoái thác những cuộc phỏng vấn của chúng tôi, mặc dù, cái lợi mà truyền thông mà báo chí mang lại cho đội là vô cùng rõ ràng.

Ngoài những đội tuyển được định hướng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp như Saigon Jokers, ít có đội tuyển nào khác tại Việt Nam có được sự năng nổ, khôn khéo tận dụng yếu tố truyền thông. Như một hệ quả tất yếu, "độ phủ sóng" của Saigon Jokers là "vô đối" ở thời điểm hiện tại trên các trang báo, ngay cả những tuyển thủ của họ cũng khắc họa được dấu ấn, điểm nhấn riêng, có được hình ảnh "sạch sẽ" và ít nhiều được khán giả cả nước nhận diện theo hướng tích cực. Đây hoàn toàn là điều chỉ có lợi, cần thiết cho sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp của bất kỳ vận động viên eSports nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.