Đất ở đền bù bằng giá đất trồng cây

15/03/2014 12:05 GMT+7

Không chỉ 'bán trộm' đất của dân, chính quyền xã Quảng Trung (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) còn tắc trách, làm thiệt hại cho người dân.

Không chỉ "bán trộm" đất của dân, chính quyền xã Quảng Trung (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) còn tắc trách, làm thiệt hại cho người dân.

Theo ông Trần Văn Bằng (thôn Thạch Tiến, xã Quảng Trung), trước năm 1980, vợ chồng ông được bố mẹ để lại một mảnh đất ở thôn Thạch Tiến diện tích 686 m2, trong đó có 316 m2 đất liền thổ và 370 m2 đất trũng thấp, ngay sát quốc lộ 1A.

Quá trình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1993, diện tích này bị ghi thiếu so với thực tế 370 m2 đất trũng thấp. Đến năm 2003, ông Bằng được cấp GCNQSDĐ bổ sung diện tích đất bị thiếu, nhưng lại bị ghi là đất trồng cây lâu năm.

Ông Bằng cho biết, cán bộ địa chính xã lúc đó đã hứa sẽ điều chỉnh sai sót này nhưng không thực hiện. Đến năm 2010, khi nhà nước giải phóng mặt bằng để cải tạo quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quảng Trung, gia đình ông phải chịu thiệt thòi vì mức đền bù 218,6 m2 ở phần đất trũng thấp bị tính là đất trồng cây.

Do ông Bằng khiếu nại, UBND xã Quảng Trung yêu cầu thôn Thạch Tiến họp đại diện chi bộ, trưởng thôn các thời kỳ và các hộ dân gần nhà ông Bằng để xác định nguồn gốc thực tế khu đất. Sau đó, tại cuộc họp ngày 12.1.2011, 100% người tham dự xác nhận 686 m2 đất ở nói trên của ông Bằng được thừa hưởng của cha mẹ từ trước năm 1980 và không có tranh chấp.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương và Ban giải phóng mặt bằng huyện Quảng Xương sau đó vẫn không chấp nhận đền bù cho gia đình ông Bằng diện tích 218,6 m2 theo diện đất ở mà theo khung đất trồng cây lâu năm.

“Chính ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã đã yêu cầu thôn, xóm họp dân xác định nguồn gốc đất, ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Quảng Xương khi xem hồ sơ đều cho rằng có đủ cơ sở để giải quyết cho gia đình tôi. Nhưng do ông Hưng không thừa nhận kết quả của cuộc họp, không chịu ký giấy đề nghị nên Ban giải phóng mặt bằng không có căn cứ điều chỉnh giá đền bù”, ông Bằng bức xúc.

Làm việc với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết không ký xác nhận đề nghị của UBND huyện Quảng Xương giải quyết cho ông Bằng là vì trong bản đồ địa chính, diện tích 218,6 m2 của ông Bằng là đất… nghĩa địa. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn, bởi thực tế, thửa đất trên đã được Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cấp GCNQSDĐ cho ông Bằng, hằng năm ông Bằng vẫn nộp tiền phí sử dụng diện tích 218,6 m2 này.

Còn ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Xương thì cho rằng, việc giải quyết đền bù cho người dân, Ban giải phóng mặt bằng đều căn cứ vào hồ sơ địa chính và những tài liệu liên quan do chính quyền cơ sở cung cấp.

"Nếu ông Bằng thấy việc đền bù không thỏa đáng, hoặc không đúng thì có thể làm đơn gửi thanh tra huyện Quảng Xương để được giải quyết. Trong trường hợp thanh tra huyện không giải quyết thì có thể làm đơn lên thanh tra tỉnh", ông Chính nói.

N.M

>> Đi bộ từ Hà Nam lên Hà Nội kiến nghị về tiền đền bù đất
>> Sốc' khi người dân bị giới đầu cơ cướp tiền đền bù đất
>> Khởi tố hàng loạt cán bộ xã lập khống hồ sơ đền bù đất
>> Hà Nội: Tăng giá đền bù đất một số khu vực quanh hồ Tây
>> Phú Yên: Đề xuất đền bù đất cho dân bằng... cổ phiếu
>> Giá đền bù đất lúa gấp đôi đất thổ cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.