Dù phải kiếm lời an ủi con nhưng tôi cũng hỏi thử cháu: “Thế con có biết lấy ý người khác, chép lời người khác là “đạo văn” không?”. Cháu ngơ ngác: “Đạo văn là gì hả ba?”. Tôi phải giải thích đại khái: “Là lấy lời, lấy ý, lấy câu văn... của người khác đưa vào bài làm của mình. Là không phải tự mình nghĩ ra từ ngữ, câu văn để viết thành bài văn đó con...”.
tin liên quan
Kéo môn văn đến gần với cuộc sốngVề nhà, tôi xem lại bài làm của cháu. Quả thật là không trùng hoàn toàn với những gì cô giáo cháu gợi ý nhưng bài văn có những suy nghĩ khá mới, đầy cá tính. Tôi vỗ về con: “Điểm của con như thế cũng không tệ lắm. Lần sau con phải cố gắng hơn!”. Và nghĩ, phải chi cô giáo cho điểm “thoáng” hơn, tôn trọng một chút sự khác biệt hơn... Thú thật là dù điểm của con không cao như chúng bạn song tôi cũng mừng thầm vì cháu biết ý thức thể hiện suy nghĩ bản thân mình.
Nhớ mấy hôm trước, khi viết bài văn theo đề tài cô giáo đã cho để ôn thi học kỳ, cháu hỏi tôi mấy ý để viết về chủ đề kỷ niệm ngày đầu đi học. Sau một thời gian cặm cụi viết, cháu bất ngờ quay lại hỏi tôi: “Ba nói ngày đầu tiên nhập học là ngày 5.9, là “ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” nhưng theo lịch học của con thì ngày đó con đã học bán trú lâu rồi”. Tôi hỏi: “Thế ở trường cô bảo sao?”. “Dạ, ngày 5.9 ạ!”...
Khi chuyển sang đề tài viết về một người hàng xóm thân thiết, cháu trầm ngâm mãi mà không biết phải viết thế nào. Hàng xóm thì kín cổng cao tường, đầu tắt mặt tối vì công việc, chẳng có dịp mà “giao lưu” với nhau. Vả lại toàn người lớn cả, mà cháu thì trẻ con nên làm sao có bạn thân thiết. Suy nghĩ một hồi, cháu mừng rỡ reo lên: “A, con có rồi... con viết về con chó mực của nhà ông Vinh bên cạnh nhà mình. Nó với con thân lắm!”...
Chuyện dạy làm văn cho trẻ như trên không phải mới mẻ gì. Tôi tha thiết mong mỏi các thầy cô giáo chú trọng hơn đến tính chân thật trong việc viết văn của trẻ. Chớ nên quá cứng nhắc, mà hãy tôn trọng sự khác biệt, sự sáng tạo nơi chúng!
Bình luận (0)