Trong một rừng thông tin chằng chịt đó, nếu không tỉnh táo có khi chúng ta sẽ “ngạt” trước khi bị ngạt do... Covid-19 gây ra. Lo lắng, hoang mang, sợ hãi, bán tín bán nghi cũng từ đây mà ra. Nghĩ tới nghĩ lui, thấy mình thật lẩn thẩn. Ai đời, giặc dịch sát sàn sạt bên lưng lại ngồi mơ “kiếm báu”, trong khi bên mình đang có “con dao 5 lưỡi” khá lợi hại lại không đem ra để phòng ngừa Covid-19. Con dao ấy là gì? Đó chính là 5K mà Bộ Y tế đã đưa ra ngay từ khi đợt dịch đầu tiên bùng phát.
Dịch chẳng thể tự lây lan
Chắc nhiều người xua tay rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” khi tôi nhắc đến biện pháp 5K, nhưng có khi “truy bài” cũng không chắc mười người nhớ đủ mười. Trong tình trạng vi rút gây dịch Covid-19 thập thò, vật vờ chực chờ lây lan thì “khẩu trang” kết hợp “khử khuẩn” và giữ “khoảng cách” giao tiếp (tối thiểu 2 m) chắc chắn sẽ tạo ra “vùng xanh, vùng sạch” trong cộng đồng. Thật là đơn giản. “Không tụ tập” là biện pháp thứ tư trong 5K. Thật ra, đổ thừa dịch tự lây lan cũng... oan cho nó. Dịch không tự lây. Chỉ có người mang vi rút đi lung tung rồi lây cho nhau trong giỗ chạp, đám tiệc, hội hè... Đợt dịch nào cũng thấy ông này bà nọ bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh.
Biện pháp cuối cùng trong 5K là “khai báo y tế”. Đi từ vùng có dịch về mà lặng tiếng im hơi là rất nguy hiểm. Một ngư dân về quê Quảng Ngãi từ cảng cá ở Đà Nẵng. Thời điểm đó, Đà Nẵng đang là “vùng đỏ”. Anh ta không nói không rằng. Nghe dân báo, cán bộ y tế đến nhà đề nghị anh test nhanh và phát hiện dương tính. Trong tấm “bản đồ giao tiếp” thời gian gần nhất mà anh vẽ lại, người ta thấy ngoài cha mẹ, vợ con, còn có nhiều bạn bè. Cả xóm bị giăng dây. Một câu vè “muộn màng” xuất hiện trên vách nhà anh: Im lặng không phải là vàng/Khai báo y tế xóm làng yên vui.
Mắt có thể “nói” lời thương yêu được mà !
Bàn sâu về 5K, sẽ thấy công thức này đơn giản mà hiệu quả. Vậy mà có người làm người không, rồi còn ý này ý nọ. Chống giặc ít ra còn có chiến tuyến, định vị được địch - ta. Còn dịch thì vô hình, lẩn khuất, trà trộn, rình rập, biến chủng lung tung. Biết đâu mà tránh? Thương nhau thì nắm bàn tay. Thân ái đó mà dịch bệnh cũng đó.
|
Trong dịch, tôi chứng kiến câu chuyện của một cặp vợ chồng. Cô vợ bán tạp hóa để chai nước sát trùng bên cạnh. Khách vừa quay ra là khử khuẩn hai bàn tay ngay. Chồng khó chịu, tiền chứ có phải rác đâu mà mỗi lần cầm tiền là một lần xịt thuốc. Chảnh dữ. Vợ cự lại, em rửa tay chớ đâu rửa tiền mà anh la. Tiền đi qua hổng biết bao nhiêu là bàn tay. Có bàn tay sạch. Có bàn tay dơ. Rửa tay cho chắc. Còn anh nữa, luôn khẩu trang đi. Chứ ai lại mỗi lần có người tới nhà mới loay hoay tìm kiếm. Đã mất thời gian, còn mất lịch sự. Dịch bệnh mà xa khẩu trang như anh là không... chính quy tí nào.
Tiện thể, vợ “lên lớp” chồng sau cái nguýt ngọt ngào: “Anh à, y bác sĩ người ta đang khổ sở trăm bề để chống dịch. Mình ngồi nhà có cái khẩu trang nhẹ òm cũng đợi vợ nhắc mới chịu đeo”.
Có người đeo khẩu trang chừa cái mũi ra. Có người kéo khẩu trang xuống tận cằm để nói chuyện. Có người mắc khẩu trang trên một vành tai. Một thống kê cho thấy phụ nữ có tuổi đi ra đường, đi chợ, đi siêu thị... hay bị lây nhiễm do thói quen xài khẩu trang thiếu “bài bản” như đã nói ở trên. Ngược lại, những người tiếp xúc nhiều, đi vào tâm dịch nhiều, sống trong vùng dịch nhiều như cán bộ y tế, tình nguyện viên, phóng viên báo đài... nhưng nhờ khẩu trang đúng cách nên hạn chế tối đa bị lây nhiễm...
Riêng nữ sinh viên hoặc các cô gái nông thôn rất nghiêm túc với cái khẩu trang. Nhiều em “tút” trên Facebook rằng khẩu trang lấy đi một nửa thẩm mỹ của phái đẹp. Nghĩa là các em chỉ còn đôi mắt. Cũng chẳng sao. Mắt có thể “nói” lời thương yêu được mà. Môi hồng em xin để “chế độ tạm ẩn” anh nhé. Một ngày đẹp trời tan sạch Covid-19 mình sẽ lại hát “môi nào hãy còn thơm”.
“Các bạn ở nhà, chúng tôi hạnh phúc”
Giữa lúc ngành y nói như cắt ruột: “Các bạn ở nhà nghĩa là chống dịch; các bạn ở nhà, chúng tôi hạnh phúc”. Vậy mà vẫn có người “kiên quyết” không bỏ bữa giỗ. Có người né chốt đi uống cà phê, đi nhậu. Có người mở sạp bán bông rất đông người mua với cái chép miệng “mùng một hổng lẽ hổng có nhành bông cắm bàn thờ”. Một bà mẹ quê nghẹn lời khi nghe ti vi nói có cán bộ tỉnh chơi golf giữa lúc dân tình đang khốn đốn vì dịch bệnh. Bà thốt lên: “Coi được không? Đúng là phường vô tâm”. Con bà đính chính: “Không phải “phường” đâu mẹ. Tỉnh đấy!”.
Người ta lý sự: “Hàng nghìn người đi xe máy về quê kia kìa. Đám đông đấy! Tụ tập đấy. Vi phạm khoảng cách đấy. Bắt nổi hông?”. Nói vậy thì bất nhẫn quá! Quả thật dòng người trở về quê tránh dịch không mấy trật tự, có điều... bất cập. Nhưng phải thấy rằng đây là tình thế chẳng đặng đừng. Khi nguồn sống cạn kiệt, không còn sự lựa chọn nào khác nơi đất khách, họ mới ùn ùn về quê dù biết là đầy bất trắc. Nhưng ổn rồi. Cảnh sát giao thông các tỉnh đã kịp thời dẫn hướng. Bà con mình ở hai bên đường liên tục tiếp nhiên liệu, thực phẩm để không có đồng bào nào bị bỏ lại phía sau. Chính quyền các tỉnh ban đầu lúng túng vì bất ngờ nhưng đã kịp “định thần”, đón công dân tỉnh mình, tổ chức khai báo y tế, đưa đồng bào đến khu cách ly một cách an toàn.
Hãy coi 5K như một “lá bùa” hộ mạng bên cạnh “lá bùa” vắc xin. Sắp tới, người đứng cuối hàng trong thời điểm cuối ngày vẫn được chích ngừa Covid-19. Đã 5K mà còn có vắc xin chiến lược thì bảo đảm thu hẹp “vùng đỏ”, và “vùng xanh” ngày càng được mở rộng.
Nếu chỉ chăm chăm vào liệu pháp chích ngừa, rồi chê “5K không ăn thua” thì cuộc chiến với Covid-19 còn gian nan lắm. Song hành cả hai mới mong dịch bệnh sớm được kiểm soát.
|
Bình luận (0)