Về mặt chuyên môn hay nghệ thuật, Pad Yatra - A green odyssey không phải là một tác phẩm xuất sắc. Tuy nhiên bộ phim đã đưa người xem đến với đỉnh núi Himalaya hùng vĩ nhưng cũng khắc nghiệt, đồng cảm cùng 700 người tham gia hành trình gian nan mà đầy ý nghĩa.
Chuyến bộ hành xuyên Himalaya của 700 người
Có lẽ trước tiên phải giải thích nguồn cơn của chuyến bộ hành phiêu lưu ấy.
Đêm ngày 5 rạng sáng 6-8-2010, một cơn dông bất chợt kéo theo những trận mưa rào lớn như thác đổ ập xuống Leh - thành phố lớn nhất của Ladakh, vùng cực bắc của Jammu and Kashmir thuộc Ấn Độ.
Thành phố này ở độ cao 3.500m so với mặt nước biển, nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên. Hằng năm vô số du khách trong và ngoài nước Ấn Độ đến tham quan và leo núi ở đây. Đây vốn được coi là nơi ít bị ảnh hưởng của sự xuống cấp môi trường sống... Nhưng đêm 5-8-2010 định mệnh ấy, gió bão quật xuống thành phố, làng mạc. Chỉ trong vài giờ đồng hồ gần 200 người chết, khoảng 200 người nữa mất tích, hàng ngàn người bị thương. Và hàng ngàn người rơi vào cảnh không nhà.
|
Hôm nay là Ladakh, ngày mai sẽ là nơi nào hứng chịu sự giận dữ của thiên nhiên?
|
Trước nguy cơ của những thảm họa này, một vị lãnh đạo Phật giáo dòng Drukpa đã khởi xướng một chuyến bộ hành vì môi trường, xuyên qua dãy núi Himalaya. Thật ra năm 2009, đức pháp vương Kyalwang Drukpa (người sáng lập tổ chức “Live to love - Sống để yêu thương” hiện có mặt trên 16 nước trên thế giới, ngài cũng từng đến VN năm 2011) đã tổ chức chuyến bộ hành tập thể đầu tiên ở Himalaya. Người hưởng ứng cũng đông nhưng họ đi quãng đường ngắn bằng nửa quãng đường của Hành trình phiêu lưu xanh năm 2010.
Người dân lúc đó mới chỉ bắt đầu làm quen với quan niệm về bảo vệ môi trường. Nhưng sau khi thảm họa lớn xảy ra, họ nhận thức rõ ràng hơn rất nhiều về tầm quan trọng của mỗi người trong việc gìn giữ môi trường sống. Vì vậy Hành trình phiêu lưu xanh đã gặt hái được nhiều thành công to lớn hơn, thực tế hơn.
700 người đã hưởng ứng lời kêu gọi của ngài Kyalwang Drukpa. Già có, trẻ có, nam có, nữ có, người theo đạo Phật có, không theo đạo Phật cũng có. Đây không phải là một hoạt động tôn giáo mà thuần túy là một hành động nhằm khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường cho người dân Himalaya.
Từng bước... đơm hoa kết trái
Trong vòng một tháng, đoàn người đã đi bộ 700km. Họ đi qua hàng trăm ngôi làng, vừa đi vừa nhặt rác. Đến cuối hành trình, họ thu gom được 300kg nilông từ chất thải các loại. Qua mỗi nơi có dân cư, họ đều dừng chân để giảng giải cho dân làng về tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, kêu gọi người dân nói không với nilông và tăng cường trồng cây.
|
Họ chinh phục những đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya - “cực thứ ba” của thế giới - trong băng giá. Có những lúc nhiệt độ xuống tới -35°C. Có những đoạn đường núi cheo leo, cái chết rình rập theo từng bước chân. Trên đường đi, họ từng bắt gặp những bộ xương người nằm vắt bên vách đá. Có những lúc phải đi qua những cây cầu lắt lẻo, đung đưa, vài người sợ hãi không dám mở mắt, phải để người khác dắt tay đi. 700 người không phải ai cũng đi được đến đích. Một số người phải quay về giữa chừng. Một số người phải vừa đi vừa luyện tập cho cơ thể dẻo dai để theo kịp đoàn. Con đường họ đi rất dài và gian nan. Nhưng tất cả dường như đều thấm nhuần một triết lý thật đơn giản mà hữu hiệu: ta hãy cùng nhau đi, từng bước một.
Từng bước một. Từng bước một. Và hành động của họ đã đơm hoa kết trái nhanh chóng. Ngay sau chuyến bộ hành phiêu lưu ấy, đúng ngày 10-10-2010, họ đã huy động được 9.313 tình nguyện viên tới thành phố Leh và trồng được 50.033 cây xanh trong vòng 33 phút - một kỷ lục Guinness mới. Bên cạnh đó, nhiều địa phương của Ladakh cũng quyết định loại bỏ nilông ra khỏi đời sống của họ. Cuối tháng 10 vừa qua, lại có gần 10.000 tình nguyện viên tham gia trồng được gần 100.000 cây xanh nữa ở một thành phố gần Leh.
Thấy được hiệu quả to lớn của hành động có ý nghĩa này, Chính phủ Sri Lanka đã mời đức pháp vương Kyalwang Drukpa dẫn dắt một hành trình tương tự ở Sri Lanka. Nếu không có gì thay đổi thì hành trình sẽ bắt đầu ngày 10-12 tới.
Vậy chúng ta cũng cùng đi nhé. Từng bước một.
Theo Thi Hương / Tuổi Trẻ
>> Chạy bộ gây quỹ từ thiện
>> Từ thiện kiểu Nhật
>> Trao tiền từ thiện
>> Đấu giá từ thiện “tủ đồ của bé”
>> Làm từ thiện kiểu Úc
Bình luận (0)